Tăng giá xăng: “Quả đắng” trong quản lý

Sự kiện: Giá xăng

Bộ Tài chính đã có quyết định gây sốc khi cho phép tăng giá bán lẻ xăng dầu. Quyết định này được ví như "quả đắng" trong việc quản lý, điều hành mặt hàng xăng dầu hiện nay...

“Chỉ số CPI tháng 3 giảm sẽ rộng đường cho giá xăng tăng!” (Báo NTNN số ra ngày 22.3 đã phân tích) - lo ngại này đã trở thành sự thật khi chiều 28.3, Bộ Tài chính đã có quyết định gây sốc khi cho phép tăng giá bán lẻ xăng dầu. Quyết định này được ví như "quả đắng" trong việc quản lý, điều hành mặt hàng xăng dầu hiện nay...

Tăng giá xăng dầu để... chống buôn lậu

Ngay sau khi giá xăng dầu được điều chỉnh tăng từ 480 - 1.430 đồng/lít, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú đã khẳng định quyết định của Bộ Tài chính là hợp lý. Một trong những lý do được Thứ trưởng Tú đưa ra là giá xăng dầu trong nước đang thấp hơn giá của các nước xung quanh từ 2.000-5.000 đồng/lít xăng, khiến tình trạng buôn lậu xăng dầu diễn ra rất phức tạp.

Tăng giá xăng: “Quả đắng” trong quản lý - 1

Giá xăng dầu đột ngột tăng ở mức kỷ lục khiến doanh nghiệp và người dân thực sự bị sốc.

Về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nói thẳng: Lý do của các cơ quan quản lý đưa ra khi quyết định tăng giá xăng dầu như trò đùa. Bởi việc chống buôn lậu xăng dầu là nhiệm vụ của các cơ quan chức năng, mà ở đây là Bộ Công Thương, không liên quan gì đến việc phải tăng giá xăng dầu.

Đồng tình với quan điểm này, ông Vũ Vinh Phú- Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cũng cho rằng, lý do chống buôn lậu để tăng giá xăng dầu chỉ hợp lý với ông Thứ trưởng. Vậy các cơ quan hải quan, quản lý thị trường ăn lương của dân để làm gì? Trách nhiệm chống buôn lậu của họ ở đâu (?).

Chưa kể, việc buôn lậu xăng dầu qua biên giới không ảnh hưởng nhiều tới thị trường xăng dầu trong nước, lại càng không liên quan gì đến việc người dân phải bỏ thêm nhiều tiền hơn khi mua xăng dầu, không ai có thể chấp nhận lý do này - ông Phú nhấn mạnh. Lý do giá xăng dầu hiện có giảm nhưng vẫn ở mức cao để tăng giá xăng cũng bị cho là "ngụy biện".

Thực tế, giá xăng dầu quốc tế đã giảm hơn 20 ngày qua. Các chuyên gia kinh tế còn cho rằng, với mức giá giảm của xăng dầu thế giới, cộng với việc được trích quỹ bình ổn, các doanh nghiệp (DN) xăng dầu còn đang lãi tới 1.000 đồng/lít xăng. Ngay việc cho rằng, Quỹ bình ổn giá đã hết nên phải tăng giá để bù đắp cũng là lý do không thuyết phục. Bởi Quỹ từ trước tới nay đã được cho là "mù mờ" nhất thế giới, không ai nắm rõ quỹ này ra sao, sử dụng như thế nào, phù hợp với thực tế điều hành hay không?!

Ông Phan Thế Ruệ- Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu VN cũng từng tuyên bố: Khi giá đã lên thì không có quỹ nào có thể bù đắp được. Quỹ Bình ổn xăng dầu thực tế đã không hiệu quả, không minh bạch với người dân. Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong còn cho rằng, Quỹ Bình ổn giá xăng chưa bao giờ được sử dụng hợp lý.

"Khi giá xăng dầu thế giới tăng, Quỹ được coi như giải pháp để giữ giá, nhưng thực tế giá vẫn cứ tăng và không ai biết quỹ này bình ổn kiểu gì?! Như vậy, có quỹ cũng như không nhưng các cơ quan chức năng không chịu dẹp bỏ quỹ. Liệu quỹ có phải phục vụ cho lợi ích một nhóm người?" - ông Phong đặt câu hỏi.

DN, người tiêu dùng chồng chất khó khăn

Việc tăng giá xăng dầu hiện nay thấy rõ đã đi ngược quy luật thị trường, giá thế giới giảm còn trong nước lại tăng. "Ngay các cơ quan quản lý cũng thấy rõ "các lý do đắng ngắt" mà vẫn phải quyết định như vậy. Với con số 70% xăng của VN phải nhập và phụ thuộc vào thị trường thế giới, không lẽ gì giá thế giới giảm mà giá trong nước tăng, tất cả đều là do công tác điều hành, quản lý của ta quá yếu kém" - chuyên gia kinh tế Phạm Tất Thắng cho biết.

Theo tính toán của các chuyên gia, giá xăng dầu tăng sẽ tác động trực tiếp lên CPI tháng 4 tới khoảng 0,06% nhưng gián tiếp sẽ tác động khiến CPI tăng thêm khoảng 0,17%.

Theo tính toán của các chuyên gia, giá xăng dầu tăng sẽ tác động trực tiếp lên CPI tháng 4 tới khoảng 0,06%, nhưng gián tiếp sẽ tác động khiến CPI tăng thêm khoảng 0,17%.

Tuy nhiên, với sức mua yếu như hiện nay, việc tăng giá xăng sẽ tạo ra gánh nặng lên vai người tiêu dùng. Giá cả hàng hóa, rồi giá điện nước có thể cũng sẽ tăng, lúc đó người dân sẽ khó lòng chịu nổi. Với DN, việc hàng tồn kho, kinh doanh sẽ càng khó khăn hơn, hệ lụy là sẽ còn nhiều DN phải phá sản.

Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, việc tăng giá xăng dầu sẽ "dội ngược" lại nền kinh tế khiến cho sức mua thấp, tồn kho tăng cao, nợ xấu khó giải quyết, tín dụng khựng lại..., DN và người dân thêm khốn khó.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Mai Hương (Dân Việt)
Giá xăng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN