Tăng giá vô lối, tiểu thương chuốc lấy ế ẩm

Nhiều tiểu thương lợi dụng sau tết để tăng giá. Tuy nhiên, gặp lúc khó khăn, sức mua thấp nên tiểu thương đã phải chịu cảnh ế ẩm.

Đi chợ như bị móc túi

Những ngày đầu năm, tại một số chợ ở TP.HCM như chợ Tân Sơn Nhất, chợ Gò Vấp, chợ Thủ Đức… do lượng hàng về chợ chưa được nhiều so với ngày thường nên giá cả hầu hết tăng từ 5 – 10% so với giai đoạn trước tết.

Nếu như trước tết giá dưa hấu chỉ từ 8.000 – 12.000 đồng/kg thì hai ngày cuối tuần vừa qua giá đã được chào bán ở mức 19.000 đồng/kg. Ngoài ra các mặt hàng trái cây như quít, xoài, cam, vú sữa, dưa hấu, mãng cầu là giá cũng đã được tăng lên khoảng 5.000 – 7.000 đồng/kg. Cụ thể, vú sữa có giá 50.000 đồng/kg, xoài có giá khoảng 72.000 đến 90.000 đồng/kg…

Chị Linh, chủ quán sinh tố trên đường Nguyên Hồng, cho biết: “Mặc dù khách đến chưa đông nhưng vẫn bắt buộc phải tăng giá. Trái cây thì không được tươi nhưng vì đi chợ hầu hết các mặt hàng trái cây đều tăng. Loại ít thì tăng chừng 5.000 đông/kg, loại nhiều thì 15.000 đồng/kg. Vì vậy dạo này cũng hỉ mở hàng lấy ngày chứ bán giá bán hàng vẫn còn dè dặt vì khách vẫn chưa quen với mức giá này. Có thể chờ vài ngày tới giá sẽ giảm để dễ kinh doanh hơn.”

Các mặt hàng rau củ lượng hàng nhập về các chợ vẫn chưa nhiều nên giá rau củ quả đã thừa cơ để tăng lên, một số loại như dưa leo, khổ qua, cải thảo… giá tăng từ 1.000 đến 2.000 đồng/kg tùy loại.

Các loại rau củ quả,thực phẩm nguyên liệu tăng cao nên các hàng quán kinh doanh đồ ăn cũng té nước theo mưa. Các cửa hàng ăn uống đã mở bán lấy ngày tuy nhiên giá đã tăng từ 5.000 đến 10.000 đồng.

Tăng giá vô lối, tiểu thương chuốc lấy ế ẩm - 1

Ảnh: Bảo Hân

Cụ thể, các quán bún trên đường Lê Quang Định (Bình Thạnh) đã tăng lên 40.000 đồng/tô so với 30.000 đồng ở thời điểm trước tết. Các quán cơm tấm trên đường Hoàng Hoa Thám (Phú Nhuận) cũng tăng từ 25.000 đồng/phần lên 35.000 đồng/phần.

Anh Hoàng, chủ quán bún cá trên đường Lê Quang Định, cho biết: “Các mặt hàng đều tăng từ rau củ cho đến thực phẩm nguyên liệu. Đây đã trở thành lệ sau mỗi dịp tết nên các cửa hàng đều buộc phải tăng lên. Mặc dù những ngày này khách chưa đông nhưng một thời gian tới cũng sẽ đi vào ổn định.”

Trong khi các loại rau xanh giảm giá mạnh và trở về mức bình thường thì thực phẩm các loại giá vẫn đang đứng ở mức cao, chưa có dấu hiệu giảm.

Tăng giá vô lối, tiểu thương chuốc lấy ế ẩm - 2

Ảnh: Bảo Hân

Ngày 18/2 (mồng 9), tại chợ đầu mối, thịt bò thăn có giá 250.000 đồng/kg, bò loại ngon giá 230.000 đồng/kg, các loại khác giá 220.000 đồng/kg. Tương tự, với thịt lợn các loại như ba chỉ, chân giò, thịt mông, vai giá đều 90.000 đồng/kg, riêng thịt nạc thăn là 100.000 đồng/kg, sườn lợn giá 110.000 đồng/kg… Giá các loại thủy hải sản cũng đang ở mức cao.

Rau xanh giảm giá mạnh

Sau mấy ngày rau xanh tăng giá “phi mã” do tiểu thương vẫn còn nghỉ Tết chưa bán hàng thì đến ngày làm việc đầu tiên của năm mới, tại các chợ hầu hết các loại rau củ quả đã đồng loạt giảm giá mạnh. Tuy nhiên hàng vẫn ế do vắng khách mua.

Khảo sát tại một số chợ trên địa bàn Hà Nội như: Dịch Vọng, Phùng Khoang, Đồng Xa… vào sáng ngày 17/2 (tức mùng 8 Tết), mặc dù chợ vẫn chỉ lèo tèo vài tiểu thương bán hàng rau quả, thịt cá… nhưng giá một số mặt hàng đang có xu hướng hạ nhiệt, nhất là đối với các loại rau củ quả.

Tại chợ Dịch Vọng (Cầu Giấy), theo ghi nhận của PV, giá rau xanh đã giảm mạnh so với mấy ngày sau Tết. Hiện, su hào giảm xuống còn 3.000 đồng/củ, bắp cải, cải thảo, su su đồng giá giảm còn 5.000 đồng/kg, cà chua còn 8.000 đồng/kg, cải xoong 4.000 đồng/mớ, mồng tơi 5.000 đồng/3 mớ, cải cúc 1.000 đồng/mớ, rau ngót 3.000 đồng/mớ, súp lơ 4.000 đồng/cái…

Chị Huyền Trang ở ngõ 123 Xuân Thủy (Cầu Giấy, HN) chia sẻ: “So với mấy ngày ra Tết, nhất là mùng 3, mùng 4 Tết thì giá rau quả bây giờ dễ thở hơn nhiều, loại nào mua cũng thấy giảm mạnh, thậm chí có loại rau còn giảm giá bằng 1/10 giá hôm Tết phải mua”.

Tăng giá vô lối, tiểu thương chuốc lấy ế ẩm - 3

Ảnh: Bảo Hân

Chị Huyền Trang kể, mùng 4 Tết ra chợ mua rau, chị phải mua với giá 10.000 đồng/mớ cải cúc, 15.000 đồng một cái súp lơ. “Mua được mớ rau về ăn mà đắt ngang với ăn thịt cá nhưng hôm nay ra chợ đầu mối giá cải cúc chỉ còn 1.000 đồng/mớ, về chợ cóc hỏi thì giá 2.000 đồng/mớ, súp lơ 4.000 đồng”.

Chị Linh, tiểu thương bán rau tại chợ cóc trên đường Trần Thái Tông (Cầu Giấy), cho biết, năm nay, tại các vùng trồng rau ngoại thành Hà Nội, rau đang đến độ thu hoạch rộ, nếu để quá lứa rau sẽ già, khó bán nên tầm này giá có rẻ người nông dân vẫn phải cắt bán.

Riêng với trứng gia cầm các loại giá lại đang giảm. Hiện trứng gà ta giảm còn 33.000 đồng/chục quả, trứng gà đỏ giảm còn 24.000 đồng/chục. trứng vịt loại to giá 32.000 đồng/chục, loại nhỏ giá 27.000 đồng/chục….

Đầu năm ế ẩm

Trái ngược lại với dự đoán của các tiểu thương, ngày làm việc đầu tiên của năm mới hàng hóa sẽ đắt khách hơn hai, ba ngày trước đó bởi sinh viên, giới công chức đã trở lại thành phố làm việc, học tập.

Tuy nhiên, ghi nhận tại các chợ trên địa bàn Hà Nội ngày này mặc dù tiểu thương đã trở lại chợ buôn bán nhiều hơn nhưng chợ nào đông cũng chỉ lấp đầy được 1/2 số quầy sạp. Và điều đặc biệt là, mặc dù người bán ít, giá cả một số loại hàng hóa đã giảm mạnh nhưng hàng vẫn ế ẩm bởi người mua cũng chẳng thấy đâu.

Tăng giá vô lối, tiểu thương chuốc lấy ế ẩm - 4

Ảnh: Bảo Hân

Cô Nguyễn Thị Sen tiểu thương chuyên bán rau tại chợ Dịch Vọng cho biết, chọn ngày làm việc đầu năm để khai hàng bởi nghĩ sinh viên, công chức đã trở lại thành phố như thế sẽ đắt hàng nhưng ngồi bán từ sáng tới giờ mới chỉ hết 1/4 số lượng rau củ nhập vào hôm nay.

“Đó là bán cho mấy nhà hàng đến lấy buôn chứ người mua lẻ như ngày thường có thấy ai đâu. Sáng bán buôn 10.000 đồng/kg cà chua nhưng giờ đành ngồi bán lẻ 8.000 đồng/kg cho nhanh hết hàng”, cô Sen nói.

Tương tự, chị Trần Thanh Hương tiểu thương tại chợ Cổ Nhuế than thở: “Tại chợ số lượng tiểu thương chuyên bán thịt mới có vài người trở lại bán hàng, số còn lại vẫn nghỉ nhưng hàng hóa vẫn ế ẩm, không thấy người mua”.

Ghi nhận tại một số chợ khác cũng gặp tình trạng chợ vắng bóng khách tương tự. Giới tiểu thương buôn bán cho rằng, chợ ế ẩm, èo uột khách như thế này là do lượng thức ăn dự trữ của người dân thủ đô vẫn còn từ Tết.

Chị Nguyễn Thi Minh bán hàng ở chợ Nghĩa Tân cho biết, tăng giá nhưng sức mua thấp, do thu nhập cắt giảm nên người dân càng có ý thức thắt chặt, việc buôn bán ngày thường đã khó thì nay tăng giá lại càng khó bán.

Trong khi đó, sinh viên mới từ quê lên cũng đem theo được số lượng rau quả, thực phẩm sử dụng được trong vài ngày nên nhu cầu đi chợ mua rau xanh, thực phẩm trong những ngày này giảm mặc dù giá hàng hóa đã hạ nhiệt hơn rất nhiều so với mấy ngày sau Tết. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Bảo Hân - Nam Phong (Diễn đàn kinh tế Việt Nam)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN