Tăng giá điện: Hàng hóa điều chỉnh tăng theo

Việc tăng giá điện lên mức 8,36% (tức 1.864,44 đồng/kWh chưa bao gồm thuế VAT) từ ngày 20/3/2019 khiến nhiều doanh nghiệp sản xuất lập tức điều chỉnh giá bán. Bên cạnh đó, các mặt hàng thiết yếu được doanh nghiệp đưa ra lộ trình tăng giá 5- 10% trong thời gian tới.

Tăng giá điện: Hàng hóa điều chỉnh tăng theo - 1

Nhiều doanh nghiệp xi măng thông báo điều chỉnh tăng giá bán từ 1/4 tới.

Doanh nghiệp xi măng điều chỉnh tăng giá bán

Doanh nghiệp sản xuất xi măng là một trong những hộ tiêu thụ điện lớn nên chịu nhiều tác động khi giá điện tăng. Theo tính toán, chi phí tiền điện chiếm trên 10% chi phí sản xuất xi măng. Ngày 20/3, Công ty Cổ phần xi măng Sông Lam (Tập đoàn xi măng Vissai) phát đi thông báo gửi khách hàng về việc điều chỉnh giá bán đối với xi măng bao tăng từ 50.000 đồng/tấn và xi măng rời tăng 40.000 đồng/tấn, áp dụng từ ngày 1/4/2019. Doanh nghiệp này viện dẫn lý do tăng: Chi phí nguyên liệu đầu vào sản xuất xi măng đồng loạt tăng giá nên tăng giá bán để đảm bảo hiệu quả sản xuất kinh doanh. 

Một số doanh nghiệp như: Xi măng Sông Lam, Xi măng Đồng Lâm, Xi măng Công Thanh… cho biết, sẽ điều chỉnh giá bán xi măng bắt đầu từ ngày 1/4/2019. Điều này cho thấy, các đơn vị từ doanh nghiệp nhà nước, tư nhân phải tăng giá bán trước áp lực từ việc đồng loạt tăng giá điện, than, cùng một vài nguyên liệu đầu vào khác… 

Ông Hoàng Anh Đức, Tổng Giám đốc Vicem Hạ Long chia sẻ, điện chiếm 13% giá thành sản xuất tại đơn vị này; bình quân sử dụng 60-61 kwh để sản xuất 1 tấn xi măng. Với giá điện cũ 1.500 đồng/kwh, sản xuất bình quân mỗi tấn clinker phả chi khoảng 90.000 đồng trả ngành điện. Nếu áp giá mới, sản xuất clinker đội thêm khoảng 7.500 đồng/tấn và xi măng tăng giá thêm khoảng 20.000 đồng/tấn. 

Để giảm bớt áp lực từ việc tăng giá điện, Vicem Hạ Long chọn giải pháp rà soát lại dây chuyền sản xuất nhằm tối ưu hóa tiêu thụ điện năng. Ban quản lý năng lượng của Vicem Hạ Long giám sát để hạn chế tối đa điện chiếu sáng; rà soát toàn bộ điểm tiêu tốn năng lượng gồm máy chính và máy lớn - nơi tiêu thụ điện năng cao để hạn chế chạy vào giờ cao điểm. 

Theo ông Đức, giá điện hiện ban hành theo 3 khung giờ: Giờ bình thường, giờ thấp điểm và cao điểm. Giờ thấp điểm chi phí cho sản xuất xi măng chỉ bằng 1/3 giờ cao điểm. Do đó, Vicem Hạ Long sẽ tăng cường chạy máy móc thiết bị vào giờ thấp điểm.

Bên cạnh đó, hàng loạt các đơn vị khác cũng thông báo điều chỉnh tăng giá bán với  xi măng rời và bao như: Vicem Hoàng Thạch tăng 20.000-50.000 đồng/tấn; Vicem Hạ Long 20.000-30.000 đồng/tấn; Vicem Hà Tiên, Vicem Bỉm Sơn, Vicem Nghi Sơn, Cẩm Phả cùng tăng 30.000 đồng/tấn…

Doanh nghiệp “thắt” chi phí để bù tiền điện 

Ông Nguyễn Hữu Quảng, Giám đốc doanh nghiệp khai thác, chế biến đá tự nhiên, đá vật liệu xây dựng và xuất khẩu cho biết, tiền điện chiếm 10 - 15% trong tổng chi phí sản xuất. Việc tăng giá điện trong năm 2019 sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2019 vì các hợp đồng bán sản phẩm đã ký kết từ cuối năm 2018.

“Giá bán sản phẩm doanh nghiệp đã ký hợp đồng từ cuối năm 2019, để giữ uy tín công ty, chúng tôi phải giữ giá bán đã cam kết. Giá điện tăng làm tăng chi phí sản xuất trong khi doanh thu giữ nguyên, chúng tôi phải dùng mọi biện pháp để tiết giảm chi phí, tiết kiệm điện như tận dụng ánh sáng mặt trời vào một số công đoạn để giảm tiêu hao điện chiếu sáng… Sắp tới, hàng hoá sẽ phải tăng giá 10 - 15%”, ông Quảng cho biết.

Là một trong những ngành sử dụng nhiều điện năng, ông Nguyễn Quốc Lập, Giám đốc Công ty TNHH May Kyung Việt cho biết, giá điện là chi phí cố định, thường xuyên và chiếm phần lớn trong giá thành sản phẩm của DN. Giá điện tăng sẽ kéo theo các chi phí đầu vào của DN sẽ tăng theo như chi phí vật tư  như chỉ, bao bì… Từ đầu năm, DN đã tăng lương cho công nhân, giờ tăng giá điện, chi phí vật tư đầu vào tăng, trong khi đó, giá đơn hàng đã chốt với các đối tác không tăng, sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp.

“Trung bình 1 tháng công ty phải trả 100 triệu tiền điện, nếu tăng thêm khoảng 8,36% tháng thì  phải trả thêm trung bình khoảng 10 triệu đồng/ tháng. Trên thị trường, giá các hàng hoá thiết yếu phục vụ cho sinh hoạt như lương thực, thực phẩm hiện tại vẫn giữ nguyên nhưng đa số tiểu thương cho biết, thời gian tới sẽ tăng giá bán. Chị Nguyễn Hạnh, chủ đại lý bán gạo tại Hoàng Mai (Hà Nội) cho biết, giá điện tăng sẽ khiến giá gạo tăng khoảng 200 - 300 đồng/kg. 

Siêu thị "nhấp nhổm" tăng giá

Mặc dù giá điện tăng 2 hôm nay nhưng đại diện nhiều siêu thị tỏ ra lo lắng 1- 2 tháng tới, mặt bằng giá mới sẽ được thiết lập, vì không tránh khỏi các nhà cung cấp tăng giá bán. Bà Nguyễn Thị Kim Dung, Giám đốc phụ trách Coop Mart Hà Đông (Hà Nội) chia sẻ, hiện, ngành bán lẻ trong nước gặp rất nhiều áp lực cạnh tranh với các hệ thống nước ngoài. Biến động từ giá điện sẽ khiến siêu thị căng mình để “chống đỡ” việc tăng giá. Bà Dung bày tỏ lo lắng, hiện các nhà cung cấp chưa thông báo tăng giá bán nhưng bà Dung dự đoán lộ trình tăng giá khoảng 1 tháng nữa. 

Còn ông Bùi Mạnh Hải, Giám đốc chuỗi siêu thị Lotte nhận định, việc tăng gia các mặt hàng chịu ảnh hưởng bởi gía điện sẽ diễn ra sau khoảng 1- 2 tháng nữa. Ông Hải cho rằng, trung bình 1 hệ thống siêu thị chi phí khoảng 1 tỷ đồng tiền điện/tháng. Việc tăng giá điện lần này doanh nghiệp sẽ phải trả thêm khoảng gần 100 triệu đồng tiền điện.

Theo tính toán của Bộ Công Thương, với mức tăng giá điện 8,36%, ngành sản xuất xi măng, sắt thép... có thể phải trả thêm từ 13 triệu đồng đến 95 triệu đồng/tháng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngọc Mai - Quỳnh Nga ([Tên nguồn])
Giá điện 2019 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN