Tăng giá điện: Chỗ ‘hốt bạc’, nơi hoang mang
Việc tăng giá điện 3% mới đây được nhận định sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến một số ngành như xi măng, hóa chất, luyện kim, giấy. Doanh nghiệp trực tiếp sản xuất điện dường như không được hưởng lợi trong ngắn hạn, niềm vui vẫn thuộc về doanh nghiệp phân phối điện.
Theo quyết định của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), giá bán điện bình quân tăng từ 1.864,44 đồng lên 1.920,37 đồng một kWh (chưa gồm thuế VAT), tức tăng 3%, bắt đầu từ ngày 4/5.
Trong 10 năm, tính từ 2009-2019, giá bán lẻ điện bình quân đã có 10 lần điều chỉnh tăng, mức tăng trung bình giai đoạn này đạt 10%/năm.
Tại báo cáo vừa cập nhật, nhóm nghiên cứu của Công ty Chứng khoán Mirae Asset chỉ ra, việc tăng giá điện này có thể làm tổng sản phẩm quốc nội (GDP) giảm khoảng 0,14% và chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 0,17%.
Giá bán lẻ điện bình quân trong 10 năm qua (Số liệu: EVN).
TS. Nguyễn Bích Lâm - nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê - từng chia sẻ, nếu giá điện tăng 8% khiến tăng trưởng GDP giảm 0,36%, làm cho CPI tăng 0,4-0,5% (cả trực tiếp và gián tiếp).
Vậy ngành nào hưởng lợi, ngành nào trực tiếp hứng chịu tác động tiêu cực từ việc tăng giá điện?
Nhóm chuyên gia Chứng khoán Mirae Asset chỉ ra, tác động hưởng lợi với nhóm sản xuất điện là chưa rõ nét, niềm vui cơ bản vẫn thuộc về doanh nghiệp phân phối điện. Trong khi một loạt ngành sẽ phải cân đối bài toán chi phí đầu vào, khả năng tăng giá bán cao.
Cụ thể, đối với ngành điện, trên thực tế các công ty ngành điện đã thỏa thuận dài hạn khi ký hợp đồng mua bán điện với EVN nên việc tăng giá bán điện bình quân trong ngắn hạn chưa thể tác động đến doanh thu doanh nghiệp sản xuất. Chẳng hạn như Nhiệt điện Phả Lại, Quảng Ninh… thì những dự án lớn ký hợp đồng thỏa thuận trong 25 năm, giá mua bán điện được đàm phán qua từng giai đoạn.
Về dài hạn, giá điện bán lẻ tăng lên cùng sự phát triển của thị trường điện cạnh tranh sẽ tạo nhiều điều kiện thuận lợi hơn để các doanh nghiệp điều chỉnh tăng giá bán điện, phản ánh đúng tỉ lệ cung cầu trên thị trường điện.
Còn với những doanh nghiệp phân phối điện, việc tăng giá điện có thể tác động tích cực, vì hợp đồng đã ký dài hạn với giá rẻ, nay bán giá cao, giúp lợi nhuận doanh nghiệp nhiều khả năng sẽ tăng.
Tuy nhiên, nhóm chuyên gia Chứng khoán Mirae Asset chỉ ra một số ngành sản xuất sử dụng nhiều điện có thể ảnh hưởng tiêu cực: Xi măng, hóa chất, luyện kim (thép), giấy. Trong đó, rõ thấy nhất là sự tác động giá vốn hàng bán một số doanh nghiệp.
Theo ước tính của Mirae Asset, chi phí điện chiếm khoảng 9-10% giá vốn hàng bán đối với doanh nghiệp sản xuất thép, mức này cũng tương đương với doanh nghiệp thuộc ngành hóa chất.
Riêng lĩnh vực xi măng chiếm khoảng 14-15% trên giá vốn hàng bán, trừ những doanh nghiệp lớn có lò quay xi măng thì chi phí điện chiếm khoảng 9-10% giá vốn hàng bán.
Với doanh nghiệp sản xuất giấy, ước tính chi phí điện chiếm tỷ trọng thấp hơn một vài ngành khác, chiếm trung bình 4-5% trên chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp.
Tác động việc tăng giá điện lên hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Với giả định, nếu chi phí điện tăng thêm, doanh nghiệp không thể chuyển tiếp sang người tiêu dùng. Nhóm chuyên gia ước tính, chi phí điện tăng 3% làm cho giá vốn hàng bán tăng thêm, tổng lợi nhuận trước thuế sẽ giảm. Trong đó, lợi nhuận trước thuế ngành thép giảm 15%, giấy giảm 2%, xi măng giảm 13%, hóa chất giảm 1%.
“Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp có thể chuyển chi phí điện tăng, bằng cách tăng giá bán cho người tiêu dùng thì có thể làm giảm ảnh hưởng việc gia tăng chi phí đầu vào”, nhóm chuyên gia Mirae Asset nhận định.
Theo ông Nguyễn Tiến Thỏa - Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam, việc điều chỉnh mức 3% là thấp, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh điện vẫn còn khó khăn. Bởi, thực tế chi phí mua điện từ nhà máy nhiệt điện than vừa qua tăng 25%, còn mua điện từ nhà máy tuốc bin khí tăng hơn 13%, bình quân tăng khoảng 14-15%. Trong khi đó, việc điều chỉnh tăng giá điện có tác động tới CPI nhưng không lớn.
Với các ngành sản xuất dùng nhiều điện như thép, ông Thoả cho biết sẽ tăng giá thành khoảng 0,18%; sản xuất xi măng tăng khoảng 0,45%, sản xuất giấy tăng khoảng 0,4%...
Cũng theo vị chuyên gia, song song với các chính sách hỗ trợ ngành điện, cần phải có giải pháp bình ổn mặt bằng giá, tránh tính trạng 'lợi dụng' tăng giá điện để đẩy giá các mặt hàng tăng theo, gây tác hại mục tiêu kiểm soát lạm phát.
Theo tính toán của Bộ Công Thương và EVN, giá điện tăng thêm 3% từ 4/5 sẽ khiến hộ gia đình phải trả thêm tối đa 27.200 đồng/tháng, với doanh nghiệp trả thêm bình quân khoảng...
Nguồn: [Link nguồn]