Tận thấy cảnh săn bắt cua hoàng đế có ''một không hai'' ở Na Uy
Mẻ lưới quá nặng, Bjørn Ronald Johannessen (35 tuổi, ngư dân ở thành phố Honningsvåg, Na Uy) phải hạ chiếc bẫy xuống rồi buộc thêm dây kéo. Sau khoảng 5 phút, máy tời từ từ kéo chiếc bẫy lên khỏi mặt biển với hàng chục con cua hoàng đế trong lồng, báo hiệu một mẻ lưới trúng đậm.
Nghề thu nhập khủng
Một ngày cuối tháng 7, Bjørn Ronald Johannessen kiểm tra cẩn thận đồ nghề rồi nổ máy điều khiển thuyền hướng ra biển Barents. Gắn bó với nghề đánh bắt hải sản được 7 năm, chuyến đi hôm nay của Bjørn Ronald Johannessen đặc biệt hơn vì có sự xuất hiện của những du khách.
Chỉ tay vào máy quét phát hiện cua Hoàng đế trên khoang tàu, anh nói: “Ở những khu vực hiện lên màu đỏ và cam, cua hoàng đế đang tập trung nhiều nhất”. Anh tỏ ra rất háo hức vì hôm qua đã đặt rất nhiều bẫy chứa cá trích, cá tuyết quanh khu vực này.
Hình ảnh đánh bắt, chế biến cua hoàng đế.
Bjørn Ronald Johannessen một mình lái thuyền đi kiểm tra các bẫy đánh cua Hoàng đế . Ảnh: NSC.
Cua hoàng đế được xem là đặc sản nổi tiếng bậc nhất của Na Uy, chỉ có ở vùng biển cực Bắc nên cả nước chỉ có khoảng 800 ngư dân bản địa được cấp phép. Việc đánh bắt cua hoàng đế diễn ra quanh năm, đặc biệt vào mùa cao điểm từ tháng 1 đến tháng 3.
Chuyến đi thời tiết thuận lợi cho việc di chuyển và kéo lưới, tuy nhiên anh Bjørn Ronald Johannessen cho biết vào mùa đông vùng biển ở đây cực kỳ lạnh và khắc nghiệt, việc đánh bắt trở nên vô cùng khó khăn.
“Ngư dân có thể bị thương hoặc trầy xước. Ở một số nước, nghề bắt cua hoàng đế còn được xếp vào trong những công việc nguy hiểm, ảnh hưởng đến tính mạng”, anh nói.
Bắt cua hoàng đế là nghề thu nhập rất hấp dẫn với ngư dân Na Uy.
Sau khi rời cảng ở thị trấn Honningsvåg chừng 20 phút, Bjørn Ronald Johannessen điều khiển tàu tiến sát về chiếc lồng được đánh phao ký hiệu trên mặt nước. Vừa tiến đến gần, anh nhanh chóng nắm lấy dây thừng nối với máy tời để kéo chiếc lồng đang đặt ở độ sâu khoảng 80 m lên khỏi mặt biển. Hôm nay, chiếc lồng có vẻ nặng hơn, Bjørn Ronald Johannessen linh cảm “sẽ trúng lớn”.
Sau tầm 5 phút, chiếc bẫy lên khỏi mặt nước với khoảng hơn 20 con cua hoàng đế bên trong. Bjørn Ronald Johannessen phải lắp thêm dây thừng để máy tời có thể kéo được số cua. Anh tiết lộ bình thường đánh một mẻ được khoảng 40 kg nhưng mẻ này vượt ngoài mong đợi khi ước chừng khoảng 70-80 kg.
Chiếc bẫy phải lắp thêm dây thừng.
Ở Na Uy, việc đánh bắt cua hoàng đế được quy định rất chặt chẽ về hạn ngạch. Chính phủ thường tính toán khả năng sinh sản của cua hoàng đế và sản lượng mỗi năm rồi đặt ra các hạn mức yêu cầu ngư dân tuân thủ. Sản lượng hàng năm dao động trong khoảng 2.000 - 2.500 tấn nên mỗi ngư dân chỉ được đánh bắt khoảng 2 tấn.
“Chúng tôi cũng chỉ bắt những con trưởng thành có cân nặng từ 2-5 kg. Những con không đạt yêu cầu về kích cỡ, giới tính, hoặc bị thương, bị xước sau khi kéo lên đều được thả lại biển”, anh nói.
Bjørn Ronald Johannessen tỏ ra phấn khởi vì mẻ lưới trúng đậm hơn dự kiến.
Năm ngoái, Bjørn Ronald Johannessen đánh bắt chỉ trong 2 tuần là đủ hạn mức cả năm. Sau khi đánh bắt, cua sẽ được bán cho nhà máy ở trong vùng trả giá cao nhất, mức giá dao động khoảng 35 USD/kg . Trừ các chi phí, vụ cua hoàng đế giúp anh thu về khoảng 70.000 USD. Thời gian còn lại, anh có thể chuyển sang đánh bắt các loại hải sản khác, hoặc tập trung chăm sóc gia đình.
Để đảm bảo nguồn cung, có thời điểm ngư dân trong vùng phải đóng vịnh biển và không cho các tàu cá khai thác, chỉ có tàu nghiên cứu được phép hoạt động.
“Chúng tôi không được khai man về số lượng bởi sau khi bán cho nhà máy, ngư dân đều được xác nhận số lượng thu mua rất rõ ràng. Nếu vi phạm về khai thác sẽ bị chính quyền địa phương tịch thu số cua, buộc hoàn trả lại tiền bán và xử phạt tới 20.000 - 30.000 euro/tấn đánh bắt trái phép”, Bjørn Ronald Johannessen chia sẻ.
Mẻ cua vượt ngoài mong đợi của Bjørn Ronald Johannessen.
Cua được gắn mã số, ở phòng hạng sang
Ông Erlend Johnsen - Giám đốc Kinh doanh Công ty Cape Fish - cho biết, sau khi thu mua cua hoàng đế từ ngư dân, công ty sẽ tiếp tục phân loại theo kích cỡ và chất lượng. Đặc biệt, các con cua đều được gắn mã truy xuất nguồn gốc để đảm bảo bất kỳ khách hàng nào cũng đều nắm được thông tin xuất xứ rõ ràng từ thời gian, vị trí, tàu cá đánh bắt, kích cỡ và độ tuổi… của cua.
Công nhân kiểm tra, phân loại các kích cỡ cua.
Cua hoàng đế được để trong bể nước lạnh được lấy trực tiếp từ độ sâu 200 m
Theo Erlend Johnsen, dù cua hoàng đế được đánh bắt tự nhiên nhưng sau khi lên bờ không cho ăn vẫn sống được 60 ngày và đảm bảo chất lượng. Tuy vậy, việc bảo quản của công ty theo quy trình rất ngặt nghèo. Công ty phải đưa vào những bể nước biển lạnh được lấy trực tiếp từ độ sâu 20 m để cua được sống như ở môi trường thật. Cùng với đó, Cơ quan An toàn thực phẩm Na Uy luôn tiến hành kiểm tra, sàng lọc nồng độ kim loại nặng trong thịt cua trước khi xuất khẩu.
Các thông tin về cua hoàng đế đều được công khai chi tiết.
Erlend Johnsen tiết lộ cách nhận biết cua hoàng đế cái.
"Hàng ngày hàng nghìn con cua Hoàng đế được đưa đến “check-in” tại phòng chờ VIP ở sân bay Oslo, Gardermoen. Từ đây, chúng sẽ được đưa đi khắp thế giới để đến tay những đầu bếp nhà hàng trên khắp thế giới", Erlend Johnsen chia sẻ.
Anh Erlend Johnsen cho biết, các doanh nghiệp và ngư dân hầu hết đều chấp hành đúng quy định về hạn ngạch được cấp phép nên giá cua hoàng đế Na Uy luôn duy trì ở mức cao. Ở thị trường nào thu mua với giá tốt, doanh nghiệp sẽ tập trung phân phối cho thị trường đó.
"Hiệp hội Ngư dân Na Uy cũng đặt mức giá tối thiểu cho cua hoàng đế. Điều này giúp ngư dân ở đây thu nhập rất tốt. Mỗi năm họ có thể kiếm được khoảng 100.000 - 150.000 USD từ nghề đánh bắt hải sản. Họ cũng là những người giàu và hạnh phúc nhất ở thị trấn”, Erlend Johnsen cho hay.
Nguồn: [Link nguồn]
Không phải ngẫu nhiên, trà sen Bách Diệp ở Hồ Tây lại được mệnh danh là đệ nhất trà với giá bán lên đến chục triệu đồng/kg. Để làm ra được một kg, người nghệ nhân...