Tận diệt... đào rừng, còn đâu bản sắc xuân Tây Bắc?
Chỉ còn hơn chục ngày nữa là đến Tết Nguyên đán, lúc này dọc các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ trên địa bàn tỉnh Sơn La đang tràn ngập các điểm bán đào rừng. Tại các địa điểm đó, có từ 3 - 4 chiếc ô tô tải chầu chực thu mua đào rừng chở xuống các tỉnh miền xuôi phục vụ người dân trong dịp Tết.
Đào đang “rỉ máu”
Theo ghi nhận của phóng viên Dân Việt, những ngày cận Tết Nguyên đán, dọc tuyến Quốc lộ 6 từ huyện Mộc Châu (Sơn La) lên huyện Tuần Giáo (Điện Biên) trung bình một ngày có khoảng 5 - 6 chuyến xe ô tô tải chở đào về các tỉnh miền xuôi để phục vụ nhu cầu và thú chơi của người dân ở các thành phố lớn.
Trò chuyện với chúng tôi, anh Lường Văn Dinh, dân buôn đào ở xã Chiềng Pha (Thuận Châu – Sơn La), cho biết: "Với tốc độ chặt đào bán Tết như hiện nay, mỗi năm có hàng nghìn gốc đào, cành đào bị mất đi, tương lai sẽ không còn đào rừng Tây Bắc nữa. Mặc dù là dân buôn nhưng chứng kiến cảnh những gốc đào, cành đào cổ thụ được người dân dùng dao, máy cưa chặt bán Tết rỉ nhựa chúng tôi cũng đau xót lắm. Nhưng biết làm thế nào được vì cuộc sống mưu sinh, bà con không còn cách nào phải “hạ sát” những cây đào cổ thụ đã gắn bó với họ hàng chục năm trời."
Đào rừng nườm nượp đổ về các tỉnh miền xuôi để tiêu thụ.
Nói chuyện với các dân buôn, chúng tôi được biết, trước đây, do nằm ở độ cao trên 1.500m, mây mù bao phủ quanh năm nên xã Co Mạ (Thuận Châu) vốn được coi là “thủ phủ” của những gốc đào rừng cổ thụ rêu mốc xù xì bám đầy mình. Tuy nhiên, do cách khai thác ồ ạt của người dân nên những nơi từng có đào cổ thụ chỉ còn lại bãi đất trống. Bây giờ, muốn săn được những cành đào cổ thụ có giá trị cao phải băng rừng, lội suối hàng chục cây số lên nương của đồng bào Mông may ra mới kiếm được vài gốc.
Những gốc đào cổ thụ hàng chục năm tuổi bị chặt bán một cách không thương tiếc.
Anh Đặng Văn Hải, huyện Vân Hồ (Sơn La), cho biết: Vì lợi nhuận trước mắt, bà con và dân buôn đã bỏ qua việc cần phải giữ những cây đào cổ thụ. Ví dụ, cây đào đẹp mà dân buôn ưng ý nằm ở giữa hàng chục cây đào khác, để khai thác được gốc đào đó mà không làm ảnh hưởng đến nụ hoa và rêu mốc bám trên thân cây, họ sẵn sàng chặt phá không thương tiếc những cây đào xung quanh. Nhìn những gốc đào “rỉ máu” mà ruột đau như cắt. Không biết phải cần thời gian bao lâu mới có được những gốc đào cổ thụ như vậy.
Nguy cơ tận diệt đào rừng
Già làng Và Sếnh Súa, bản Co Mạ, xã Co Mạ, tâm sự: "Những cây đào cổ thụ này, chúng tôi cũng không biết nó có từ bao giờ. Lúc sinh ra đã nhìn thấy chúng cao lớn như này rồi. Đào này không biết có nguồn gốc từ đâu nên người dân chúng tôi gọi là đào rừng. Cứ mỗi dịp Tết đến, xuân về những cây đào rừng quanh nhà bung nở, phủ sắc khắp các bản. Trẻ em nô đùa, chơi tù lu dưới những gốc đào rừng tạo nên không khí Tết thật ấm cúng, an lành."
Theo ông Súa, mấy năm trở lại đây, vì thú chơi đào rừng của người dân miền xuôi nên số lượng đào rừng hiện nay gần như biến mất. “Nói đi cũng phải nói lại, có cung mới có cầu, cuộc sống của người dân vùng cao còn nhiều khó khăn, vất vả chỉ biết trồng cây ngô, cây sắn để no cái bụng. Khi bà con biết một gốc đào đẹp nếu bán được, một ngày có thể thu được số tiền bằng họ làm cả năm nên nhiều hộ dân đã trực tiếp “tàn sát” những cây đào rừng đem bán. Giờ muốn nhìn thấy đào rừng bung nở như trước cũng không có nữa rồi. Không còn hoa đào nở còn gì là không khí Tết nữa. Với tình trạng khai thác đào rừng phục vụ Tết bừa bãi như hiện nay, trong tương lai nguy cơ đào rừng bị tận diệt là rất cao” – ông Súa xót xa.
Theo kinh nghiệm của một số dân buôn, sở dĩ những gốc đào rừng có giá trị kinh tế cao là do được người dân trồng ở vùng núi nên hoa nở đúng vào dịp Tết.
Đang buộc dây để giữ cho nụ hoa không bị xước, anh Lường Văn Tiếp, dân buôn ở bản Muông (Chiềng Pha – Thuận Châu), chia sẻ: "Trước đây muốn kiếm tiền ăn Tết, chúng tôi chỉ cần “phi” xe máy vài chuyến lên Co Mạ, Long Hẹ chở vài chuyến đào rừng về huyện bán cũng có thu nhập kha khá. Nhưng năm nay, những gốc đào cổ thụ, đẹp khai thác hết sạch rồi. Để có được những cành đào này tôi phải đi xe gần trăm cây số vào tận xã Xá Nhè (huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên) mới kiếm được, vận chuyển từ đó về đây không dễ chút nào".
Anh Lường Văn Kinh, bản Huổi Pu (Chiềng Bôm, Thuận Châu), chia sẻ: "7 năm trước, gia đình tôi trồng 400 gốc đào. Từ năm thứ 2 đến năm thứ 3, những cành nào đẹp có thể khai thác được để bán Tết. Trung bình cứ mùa Tết tôi bán được từ 100 - 200 gốc và cành, thu được 20 – 30 triệu đồng. Lợi nhuận từ việc chặt đào bán Tết khá lớn nên tôi khai thác gần hết rồi, hiện chỉ còn hơn 100 gốc, để bù đắp lượng đào đã khai thác trước đây, năm nay vợ chồng tôi sẽ trồng thêm 100 gốc nữa".
Hàng nghìn gốc đào được tập kết ở 2 ven tuyến quốc lộ 6.
Trao đổi với phóng viên Dân Việt, lãnh đạo Hạt Kiểm lâm huyện Thuận Châu, cho biết: Đào rừng không nằm trong danh sách những loài cây cần bảo vệ nên việc ngăn chặn tình trạng khai thác đào một cách ồ ạt dẫn đến nguy cơ bị xóa sổ không phải dễ. Cây đào trước đây chủ yếu do người dân trồng để lại cho con cháu, tài sản là của người dân, họ thích chặt, thích bán là quyền của họ. Giải pháp trước mắt là làm sao làm tốt công tác tuyền truyền để định hướng bà con trồng thêm hoặc khai thác một cách hợp lý.