Tạm trữ sản phẩm gia cầm để giữ giá: Chỉ là tạm thời?

Một số doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM đang được vay vốn ưu đãi để thu mua tạm trữ sản phẩm gia cầm. Chính sách này một phần giúp đẩy giá gà, giá trứng tăng lên sau một thời gian tụt dốc vì ảnh hưởng bởi dịch cúm gia cầm.

Tạm trữ thịt, trứng

Từ những ngày đầu năm 2014, thông tin dịch cúm gia cầm lan rộng tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước đã khiến thị trường tiêu thụ các sản phẩm gia cầm gặp nhiều bất lợi. Thông tin từ Sở Công Thương TP.HCM, tại các kênh tiêu thụ truyền thống như chợ, hàng quán… tiêu thụ sản phẩm gia cầm đã giảm từ 30 - 50% so với bình thường.

Để hạn chế tình trạng giá giảm sâu, nguồn thịt, trứng bị “dội chợ”, gây thiệt hại cho người chăn nuôi, Sở Công Thương TP.HCM thực hiện kết nối các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sản phẩm gia cầm trên địa bàn thành phố được vay vốn ưu đãi.

Tạm trữ sản phẩm gia cầm để giữ giá: Chỉ là tạm thời? - 1

Hỗ trợ vay vốn ưu đãi để doanh nghiệp tạm trữ thịt, trứng thực tế chỉ là biện pháp tạm thời.

Cụ thể, hiện Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) đang tiến hành thủ tục cho 4 doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn, gồm Công ty Phạm Tôn, San Hà, Ba Huân và Công ty Phát triển nông nghiệp Thanh niên Xung phong. Mỗi doanh nghiệp được vay 10 tỷ đồng theo hình thức tín chấp trong thời gian 6 tháng, với lãi suất ưu đãi 6%/năm để thực hiện việc thu mua và dự trữ, cấp đông sản phẩm gia cầm.

Bà Phạm Thị Huân - Giám đốc Công ty TNHH Ba Huân cho biết, chủ trương hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn trong thời điểm hiện tại giúp các cơ sở có thêm điều kiện duy trì sản xuất. Quan trọng nhất là đảm bảo được đầu ra cho nông dân tại các vùng liên kết sản xuất của doanh nghiệp.

Còn theo bà Lê Ngọc Đào - Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, chủ trương tạm trữ thịt gia cầm, trứng xuất phát từ lo ngại thiếu hụt nguồn cung các sản phẩm gia cầm sau dịch cúm do người chăn nuôi chưa tái đàn kịp. “Việc tạm trữ của doanh nghiệp sẽ giúp người tiêu dùng mua được hàng với giá ổn định” - bà Đào cho biết.

Chỉ là biện pháp tạm thời?

Sau những động thái tích cực của cơ quan chức năng các cấp những ngày qua, hiện tại, giá sản phẩm gia cầm các loại đã tăng nhẹ, đảm bảo nông dân không thua lỗ trong sản xuất. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, đây chỉ mới là biện pháp tạm thời, không giúp ngành chăn nuôi phát triển bền vững được.

Tại Đồng Nai, giá gà thịt đã tăng 4.000 – 5.000 đồng/kg, lên mức 30.000 – 31.000 đồng/kg đối với gà lông màu, giá vịt thịt dao động từ 38.000 – 39.000 đồng/kg. Trong khi giá trứng gà các loại cũng đã tăng từ 150 – 250 đồng/trứng so với hồi đầu tháng 3, lên mức 1.150 – 1.300 đồng/trứng, tùy loại.

Nhằm hỗ trợ người chăn nuôi tái đàn, Cục Chăn nuôi đã có văn bản yêu cầu các sở, ngành kiểm soát giá thức ăn chăn nuôi tại địa phương, hạn chế thấp nhất việc tăng giá, đồng thời, bố trí đủ con giống chất lượng để phục vụ tái sản xuất.

Theo bà Ba Huân, hiện tại, sản phẩm thịt, trứng gia cầm đều còn tồn đọng trong kho doanh nghiệp khá nhiều. Trong khi đó, số vốn 10 tỷ đồng vay ưu đãi là con số không nhiều, chỉ đủ để mua vào trong thời gian ngắn. “Mỗi ngày Ba Huân phải chi 2 tỷ đồng để mua vào khoảng trên 1 triệu trứng gia cầm các loại.

Vùng nguyên liệu của Ba Huân trải đều các tỉnh miền Đông, Tây Nam Bộ. Do đó, biện pháp hỗ trợ vốn vay ưu đãi của thành phố cũng chỉ là giải pháp tạm thời” - bà Huân cho biết.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Trí Công – Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho rằng, việc hỗ trợ doanh nghiệp tạm trữ sản phẩm cũng chỉ là biện pháp tình thế, đôi khi là “đòn gió” giúp bình ổn thị trường, giữ giá, hỗ trợ người nông dân tiếp tục sản xuất. Về lâu dài, các doanh nghiệp và bà con chăn nuôi vẫn phải tự thân vận động, đối phó với tình trạng phát triển bấp bênh của ngành hiện nay.

Về thông tin sẽ thiếu thịt, trứng trong quý 2, 3 tới, ông Nguyễn Trí Công cho rằng, khó có thể xảy ra. Hiện tại, giá gà tăng đã giúp người chăn nuôi phần nào cắt được lỗ, một số hộ chăn nuôi cũng đã bắt tay vào việc thả đợt gà giống tiếp theo.

Chủ trại gà Ngọc Hải đồng thời là chủ đại lý thu mua trứng gia cầm tại TP. Tân An (Long An) cho rằng, trong đợt dịch cúm vừa qua, chỉ những hộ nuôi nhỏ lẻ bỏ đàn, không tiếp tục sản xuất, còn những trại gà lớn, chăn nuôi có quy trình kỹ thuật đàng hoàng kiểu gì cũng phải giữ đàn, giữ vốn...

Ủng hộ chính sách mới

“Là chủ công ty chuyên giết mổ, chế biến gia cầm, tôi thấy hình thức “tạm trữ” gia cầm như ở TP.Hồ Chí Minh trong thời điểm hiện tại là rất tốt cho thị trường khi các sản phẩm được cấp đông, chờ khi giá tăng, nguồn cung khan hiếm mới đem ra bán nên có thể đem lại lợi ích cho cả doanh nghiệp và người chăn nuôi. Tuy nhiên, ở miền Bắc phần lớn người dân không thích ăn sản phẩm đông lạnh mà chỉ quen dùng sản phẩm tươi sống, nên hiện công ty chỉ cung cấp các sản phẩm tươi sống. Dù vậy, công ty cũng được hỗ trợ vay vốn bình ổn giá của UBND TP.Hà Nội hơn 10 tỷ đồng để “tạm trữ” gia cầm cho người chăn nuôi theo hình thức hỗ trợ tiền cám và cam kết thu mua sản phẩm trứng, gia cầm. Ông Nguyễn Đắc Sinh - Giám đốc Công ty Thành Đồng II (Đông Anh, Hà Nội)

“Tôi rất đồng tình với hình thức hỗ trợ “tạm trữ” gia cầm bằng cấp đông như ở TP.Hồ Chí Minh. Cần đẩy mạnh các gói tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp, người chăn nuôi với lãi suất bằng không để thực hiện chính sách này. Các địa phương hoàn toàn có thể triển khai ngay “tạm trữ” gia cầm trong thời điểm có dịch bệnh, giá gia cầm giảm, trước mắt là các thành phố lớn, nơi tiêu thụ nhiều gia cầm như Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng... Ngoài ra, các địa phương cũng cần có chính sách hỗ trợ người chăn nuôi tiền mua thức ăn, đặc biệt là hỗ trợ cho những hộ chuyên sản xuất con giống để giữ được quy mô đàn giống, tránh tình trạng khi dịch bệnh qua đi, chăn nuôi hồi phục trở lại sẽ xảy ra tình trạng thiếu giống, khiến giá giống gia cầm tăng cao. Ông Nguyễn Xuân Dương - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ NNPTNT

Thanh Xuân (ghi)

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thuận Hải (Dân Việt)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN