Tạm trữ lúa gạo: Người dân không được bảo vệ

Với cách làm như hiện nay, nông dân không được hưởng lợi nhuận tối thiểu 30% như chỉ đạo của Chính phủ, thậm chí có thể trắng tay.

Tuy không liên tục nhưng tính đến nay, chính sách tạm trữ lúa gạo đã được áp dụng 18 năm và nội dung cơ bản không có gì thay đổi. Tuy không thể phủ nhận tác dụng thực tế của nó nhưng có lẽ cũng đã đến lúc cần có bước đột phá để nâng cao hiệu quả của chính sách này.

Đối với nông sản nói chung, cung - cầu là quy luật chi phối đặc biệt mạnh mẽ. Khi nông dân vào vụ thu hoạch rộ, lượng cung trên thị trường tăng đột biến, còn cầu không theo kịp nên giá giảm là hệ quả tất yếu. Trong đó, lúa gạo là mặt hàng càng bị chi phối đặc biệt mạnh bởi quy luật này. Và do vậy, áp lực hạ giá cũng càng mạnh.

Để hạn chế tình trạng này, lần đầu tiên chính sách mua tạm trữ 1 triệu tấn quy gạo đã được áp dụng từ năm 1997, tức là chỉ 8 năm sau khi chúng ta làm nên kỳ tích biến đất nước từ tình trạng thiếu đói triền miên trở thành quốc gia xuất khẩu gạo lớn khiến cả thế giới phải ngưỡng mộ.

Tạm trữ lúa gạo: Người dân không được bảo vệ - 1

"Với cách làm như hiện nay, nông dân không được hưởng lợi nhuận tối thiểu 30%" (ảnh tư liệu).

Nhưng bên cạnh sự ưu việt là những bất cập, vài năm qua được thể hiện ở nhiều góc độ khác nhau:

Thứ nhất, tuy là gieo sạ đồng loạt nhưng là đồng loạt ở từng địa phương, còn tính chung toàn vùng thì thời gian gieo sạ kéo dài hơn rất nhiều. Trong khi đó, thời gian thực hiện chính sách mua tạm trữ 1 triệu tấn quy gạo thường được triển khai trong một khoảng thời gian rất ngắn. Vì vậy, luôn luôn có sự “lệch pha” rất lớn giữa thời gian thu hoạch rộ của từng địa phương và thời gian mua tạm trữ khiến nông dân ở nhiều địa phương hoàn toàn không được thụ hưởng lợi ích của chính sách này.

Chẳng hạn, khoảng thời gian nông dân vùng ĐBSCL gieo sạ vụ đông - xuân hiện nay bắt đầu từ đầu tháng 10-2013 và kết thúc vào cuối trung tuần tháng 2 vừa qua, còn thời gian mua tạm trữ 1 triệu tấn quy gạo chỉ bắt đầu vào giữa tháng này và kết thúc trong tháng 4 tới, tức là kéo dài khoảng 45 ngày như thông lệ. Trong khi đó, nông dân vùng ĐBSCL đã “kêu trời” trong nửa tháng qua bởi giá lúa thường ở đây đã giảm tổng cộng 475 đồng/kg, còn cách đây hơn 1 năm thì tình hình nghiêm trọng hơn rất nhiều.

Thứ hai, dù khối lượng mua tạm trữ 1 triệu tấn quy gạo là không hề nhỏ nhưng với hệ thống tổ chức phân phối hiện nay, nông dân là chủ thể quan trọng bậc nhất mà chính sách này hướng tới hỗ trợ lại không được hưởng lợi nhiều, thậm chí hoàn toàn không được hưởng lợi.

Sở dĩ như vậy là bởi lẽ đối diện với hầu hết nông dân không phải là các doanh nghiệp xuất khẩu gạo mà hầu hết là các thương lái hoặc các chủ xay xát, thậm chí cò lúa... Đây chính là những “cánh tay nối dài” của hầu hết các doanh nghiệp xuất khẩu gạo. Chính vì có quá nhiều chủ thể tham gia vào chuỗi giá trị lúa gạo như vậy cho nên lợi nhuận trong xuất khẩu gạo đương nhiên phải được chia năm xẻ bảy. Đặc biệt, trong điều kiện xuất khẩu gạo càng gặp nhiều khó khăn thì giá lúa càng bị ép xuống.

Xét trên lý thuyết, với Nghị định 109/2010/NĐ-CP (ký ban hành ngày 4-11-2010), nông dân hoàn toàn có thể tránh được tình trạng này. Tuy nhiên, trên thực tế, chủ thể quan trọng nhất trong chuỗi giá trị này lại không được bảo vệ.

Cụ thể, trong “bộ ba” giá cả gồm giá thành sản xuất, giá lúa định hướng và giá sàn xuất khẩu gạo thì giá thành sản xuất là căn cứ để xác định giá lúa định hướng, còn giá sàn xuất khẩu thì căn cứ vào giá lúa định hướng và những yếu tố khác. Trong đó, giá sàn xuất khẩu là loại giá duy nhất được pháp định, bảo đảm cho giá lúa định hướng được thực hiện. Tuy nhiên, trên thực tế, giá sàn xuất khẩu gạo của chúng ta có cũng như không bởi tình hình năm 2013 cho thấy: Trong khi giá sàn xuất khẩu gạo 5% tấm vẫn được treo ở mức 410 USD/tấn từ đầu tháng 2 thì giá chào xuất khẩu loại gạo tốt nhất này của chúng ta “rơi tự do” xuống chỉ còn 385 USD/tấn trong tháng 4 và nằm ở gần mức đáy chỉ với 377 USD/tấn trong suốt 2 tháng 5 và 6; còn 2 tháng sau đó khôi phục ở mức 388 và 394 USD/tấn, sau đó lại rơi tự do xuống 364 và 388 USD/tấn.

Trong điều kiện như vậy, không chỉ nông dân không được hưởng lợi nhuận tối thiểu 30% như Chính phủ chỉ đạo, thậm chí có thể trắng tay mà ngay cả các doanh nghiệp xuất khẩu gạo cũng có thể lâm vào tình trạng thua lỗ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Đình (Người Lao Động)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN