Tạm trữ cá tra: Vẫn khó cứu người nuôi

Để phát triển bền vững nghề cá tra, ngoài giải pháp tạm trữ thì về lâu về dài cần tổ chức lại chuỗi cung ứng, khuyến khích xây dựng thương hiệu, giảm bớt trung gian. Quy hoạch lại vùng nuôi, kiểm soát chặt chẽ xuất khẩu để đảm bảo mức tăng trưởng 10-15%; tạm dừng cấp phép cho các nhà máy chế biến thủy sản mới...”.

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh vừa có chỉ đạo xây dựng cơ chế thu mua tạm trữ và điều tiết cung - cầu thị trường mặt hàng cá tra, basa.

Chỉ tạm trữ không giải cứu được ngành cá tra

Ghi nhận của phóng viên, vào thời điểm này tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), giá cá tra đang dao động từ 22.000- 23.000 đồng/kg (tăng từ 3.000 - 4.000 đồng/kg so với tháng trước). Song mức giá này vẫn đang làm người nuôi cá tra lỗ khoảng 2.000- 3.000 đồng/kg.

Đã có hàng nghìn hộ nuôi cá tra ở ĐBSCL phải “treo ao” hay chuyển qua nuôi các loại thủy sản khác. Xã Khánh Hòa (huyện Châu Phú, tỉnh An Giang), từng là nơi phát triển nghề nuôi cá tra rất mạnh, nhưng chỉ 3 năm trở lại đây, diện tích nuôi đã giảm rất nhiều.

Tạm trữ cá tra: Vẫn khó cứu người nuôi - 1

Doanh nghiệp chế biến cá tra ở ĐBSCL đang cần vốn để thu mua nguyên liệu trong dân.

Ông Trần Văn Hùng từng có kinh nghiệm 15 năm nuôi cá tra nhưng buộc phải chuyển nghề vì liên tục thua lỗ, cho rằng: “Nghề nuôi cá tra bây giờ rất khó khăn và nhiều rủi ro. Vì vậy, 3 ao cá tra trước đây tôi phải chuyển qua nuôi cá lóc và lấp lại để trồng lúa. Ở địa phương này, cứ 10 hộ nuôi thì bây giờ chỉ còn lại 1 và hộ này cũng liên tục thua lỗ”.

Theo ông Nguyễn Hữu Nguyên, hộ đang nuôi 4 ao cá tra ở xã Khánh Hòa, việc mua tạm trữ cá tra vào thời điểm này là thực sự cần thiết, song cũng chỉ đủ để kéo giá nhích lên một chút. Nếu muốn cứu những người nuôi cá tra phải có một giải pháp dài hơi khác.

“Khi cho doanh nghiệp vay ưu đãi mua cá lúc giá cá ở mức thấp, thì chỉ có doanh nghiệp được hưởng lợi. Nghề nuôi cá tra từ trước đến giờ nông dân phải “tự bơi” hết. Trước đây, nghe nói sẽ có gói cứu trợ 9.000 tỷ đồng nhưng dân nuôi cá chúng tôi dài cổ chờ mãi...” -ông Nguyên nói.

Tại thời điểm này, người dân ĐBSCL đã thả nuôi khoảng 4.500ha cá tra. Trong thời gian dài, do giá cá liên tục xuống thấp và rớt đến tận đáy (khoảng 17.000 đồng/kg) khiến người nuôi “treo” ao, giảm diện tích nuôi, kéo theo ngành chế biến, xuất khẩu cá tra lâm vào cảnh khốn khó.

Vì thế, ông Lê Chí Bình – Phó Chủ tịch Hiệp hội Nghề nuôi và chế biến thủy sản An Giang bày tỏ: “Nếu bây giờ triển khai thu mua tạm trữ, thì còn cá tra đâu nữa mà mua. Cứu ngành cá tra thì đã trễ, nhưng nếu quy hoạch, phát triển lâu dài thì hầu như phải làm lại từ đầu”. Tuy nhiên, cũng theo ông Bình, việc triển khai xây dựng cơ chế mua tạm trữ cá tra cùng nhiều giải pháp được đưa ra, khiến người nuôi hy vọng được giải cứu.

Cần cải tổ cả hệ thống

Con cá tra từ khi có mặt trên thị trường thế giới đã trở thành sản phẩm độc quyền của Việt Nam. Tuy nhiên, điều nghịch lý là ngành nuôi và chế biến cá tra trong thời gian qua luôn gặp khó khăn. “Là sản phẩm độc quyền nhưng bị những nhà thương mại nước ngoài ép giá ngược lại.

Nguyên nhân chính là do sự cạnh tranh không lành mạnh của các doanh nghiệp, tự hạ giá làm mất giá con cá tra. Vì vậy, cả hệ thống từ nuôi trồng đến chế biến xuất khẩu khốn khó theo” - một chuyên gia trong ngành thủy sản phân tích. Do đó, vẫn theo chuyên gia này, vấn đề là cần quy hoạch, cải tổ cả hệ thống mới mong phát triển bền vững nghề nuôi và chế biến cá tra.

Ở góc độ của mình, các doanh nghiệp lại cho rằng, vấn đề cần thiết nhất đối với ngành cá tra hiện nay là vốn. Ông Nguyễn Văn Đạo - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản Gò Đàng (chuyên chế biến, xuất khẩu thủy sản ở Tiền Giang) cho biết: “Hiện tại cả người nuôi cá tra và doanh nghiệp đều khốn khó.

Tuy nhiên, do sản lượng cá tra tồn đọng trong dân không còn nhiều, nên theo tôi không nhất thiết phải mua tạm trữ. Vấn đề bức bách lúc này là Chính phủ chỉ đạo các ngân hàng mạnh dạn hỗ trợ vốn để doanh nghiệp và người nuôi cá tra được tiếp cận vốn với lãi suất hợp lý. Khi có nguồn vốn thì việc duy trì nuôi cá sẽ được phục hồi; các doanh nghiệp cũng có nguồn cá nguyên liệu đẩy mạnh xuất khẩu vào cuối năm”.

Còn theo TS Võ Hùng Dũng – Giám đốc Chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Cần Thơ: “Để phát triển bền vững nghề cá tra, ngoài giải pháp tạm trữ thì về lâu về dài cần tổ chức lại chuỗi cung ứng, khuyến khích xây dựng thương hiệu, giảm bớt trung gian. Quy hoạch lại vùng nuôi, kiểm soát chặt chẽ xuất khẩu để đảm bảo mức tăng trưởng 10-15%; tạm dừng cấp phép cho các nhà máy chế biến thủy sản mới...”.

Không thể hỗ trợ trực tiếp cho nông dân

Ông Phùng Giang Hải- Phó trưởng Bộ môn Nghiên cứu chiến lược và chính sách (Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn) cho rằng: “Hiện cơ chế về chính sách tạm trữ, mới được Chính phủ giao, các bộ, ngành nghiên cứu, chứ chưa biết sẽ tạm trữ như thế nào. Song theo tôi, muốn tạm trữ phải nghiên cứu thêm, vì tạm trữ cá tra tương đối khó và có tạm trữ được vẫn phải thông qua các doanh nghiệp mới làm được, chứ không thể hỗ trợ trực tiếp cho người nuôi cá”. Theo ông Hải, cá tra chắc chắn không thể mua tạm trữ sống, mà phải qua chế biến, nhưng cũng không thể chế biến xong rồi để trong kho mãi được. Vì thế, tạm trữ cá tra là vấn đề rất khó thực hiện.

 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoàng Mai ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN