Tại sao mua vé tàu hỏa bị "hành tỏi" hơn máy bay?
Mua vé tàu hỏa dù bạn là ai đều phải cung cấp hoặc xuất trình chứng minh thư. Trong khi đặt vé bay trực tuyến thì quá dễ dàng và đơn giản, không yêu cầu khai số chứng minh thư.i Tại sao có sự "rắc rối" này?
3 năm trở lại đây, việc mua vé tàu đã bớt “căng thẳng” hơn khi Tổng công ty Đường sắt Việt Nam triển khai một loạt hình thức bán vé tàu mới: bán vé tàu qua mạng, thanh toán trực tuyến hay qua tổng đài điện thoại.
Điển hình từ ngày 1/9 vừa qua, phục vụ cho nhu cầu đi lại của người dân trong dịp Tết Bính Thân 2016 sắp tới, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã đưa ra nhiều hình thức bán vé tàu mới: bán online qua mạng, qua tổng đài giao vé tận nơi và bán trực tiếp tại các nhà ga.
Điểm đặc biệt nổi bật của việc đổi mới bán vé tàu năm nay là chỉ với một chiếc điện thoại smartphone hành khách có thể mua vé bất cứ đâu, sau đó tự in thẻ lên tàu mà không cần phải đến nhà ga như trước đây.
Với việc triển khai hệ thống vé điện tử mới này, hành khách có nhu cầu đi tàu hỏa sẽ được mua vé qua mạng, tương tự như khi mua vé máy bay. Tuy nhiên, xung quanh việc mua vé tàu này cũng còn không ít gian truân.
Hệ thống bán vé qua mạng của ngành đường sắt không phải lúc nào cũng truy cập dễ dàng.
Tuy nhiên, nhiều khách mua vé tàu phản ánh, ngay trong ngày đầu triển khai bán vé bằng hình thức mới: đặt chỗ và thanh toán online, đặt chỗ và thanh toán tại ga và mua vé tại nhà ga, rất khó truy cập được vào trang vetau.com.vn để đăng ký vé, thường xuyên thấy trang này thông báo "hệ thống đang bảo trì".
Không chỉ vậy, quy định bắt buộc phải xuất trình giấy tờ tùy thân khi mua vé tàu cũng gây khó khăn cho nhiều hành khách. Do nhiều người dân vẫn chưa quen việc mua vé tàu điện tử, không mang theo giấy tờ tùy thân nên việc mua - bán vé gặp một số trục trặc.
Chiều 29/11, sau gần 2 tháng ngành Đường sắt Việt Nam triển khai bán vé online qua mạng, phóng viên Infonet đã truy cập vào địa chỉ dsvn.vn để đặt thử vé tàu từ Hà Nội – Bỉm Sơn (Thanh Hóa). Sau thao tác chọn ga đi – đến, ngày đi ngày về, ấn vào mục tìm kiếm, trang web hiện ra hai bảng lựa chọn ghế ngồi, trong đó hướng dẫn cụ thể cách đặt ghế.
Làm theo hướng dẫn, phóng viên chọn hai ghế còn trống. Tuy nhiên, khi chọn xong không thấy thông báo hồi âm từ trang web nên đã phải nhờ sự trợ giúp của nhân viên ngành đường sắt, bằng cách chat với nhóm trợ giúp ở góc phải của trang web.
Sau đó, mất khoảng 15 phút nghiên cứu kỹ, PV mới có thể thực hiện thuần thục việc đắt vé bằng cách sau khi chọn ghế ngồi xong phải ấn vào mua vé. Do chỗ đặt lệnh mua vé quá nhỏ và ở góc cao bên phải nên nếu không thật tinh mắt, nhiều người sẽ không thể nhìn ra để tiếp tục đặt vé.
Không chỉ phải trải qua nhiều bước để có thể đặt một cặp vé tàu, sau các thao tác trên, khách hàng còn mất nhiều lần phải khai báo thông tin cá nhân, đặc biệt là bắt buộc phải khai số chứng minh thư nhân dân hoặc hộ chiếu thì mới mua được vé tàu. Trong khi đó, nếu đặt mua vé máy bay điện tử, khách hàng không bắt buộc phải khai số chứng minh thư/hộ chiếu và đặt vé nhanh hơn rất nhiều.
Chị Thủy, một nhân viên văn phòng ở phố Nguyễn Chí Thanh (Hà Nội) cho biết, việc mua vé máy bay qua các đại lý còn dễ dàng hơn nhiều, chỉ cần một cuộc điện thoại, hành khách sẽ được đại lý giữ vé cho sau đó đến lấy.
Theo chị Thủy, cùng là phương tiện vận tải công cộng nhưng mỗi lần đi tàu hỏa chị rất mất thời gian vì phải đến nhà ga mua vé trước cả một tuần, bất tiện hơn nhiều so với một cuộc điện thoại đặt vé đi máy bay.
“Cùng là phương tiện vận chuyển hành khách công cộng nhưng việc mua vé máy bay dễ dàng hơn nhiều. Thiết nghĩ, ngành đường sắt nên cải thiện việc bán vé tàu hơn nữa để khách đi tàu mua vé được dễ dàng hơn”, chị Thủy kiến nghị.
Trao đổi với PV Infonet chiều 30/11, bà Phùng Thị Lý Hà, Phó Trưởng ga Hà Nội khẳng định, nói việc mua vé tàu khó hơn máy bay là không đúng và giữa việc mua vé tàu và vé máy bay không thể so sánh được vì đây là hai lĩnh vực khác nhau.
Theo bà Hà, đường sắt đi trên một tuyến, tổ chức bán tàu tuyến này tuyến kia, đỗ nhiều ga cho nên khách phải chọn lựa nhiều. Còn hàng không thì chỉ có ga đầu ga cuối cho nên không thể so sánh.
Đề cập đến vấn đề mua vé máy bay nếu mua vé điện tử hành khách không bắt buộc phải khai chứng minh thư như mua vé tàu, bà Hà cho biết, ngành đường sắt yêu cầu khai báo chứng minh thư là vì muốn bảo vệ quyền lợi của khách hàng vì thẻ lên tàu không có giá trị thanh toán.
“Thẻ lên tàu có thể in ở đâu cũng được, có thể in 3- 4 cái cũng được chỉ cần mã code. Như vậy, nếu để lộ mã code người khác cũng in. Nếu anh lên tàu không đúng tên, chứng minh thư thì người ta đòi. Mục đích ngành đường sắt yêu cầu khai chứng minh thư là để bảo vệ quyền lợi của khách hàng”, Phó Trưởng ga Hà Nội nói.