Tại sao giá cước vận tải VN cao gấp 3 lần Hàn Quốc?
“Chi phí ngầm” như mãi lộ, chi cho cơ quan quản lý… là một trong những nguyên nhân khiến giá cước vận tải Việt Nam cao.
Cước phí vận tải hàng hóa trên thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam là 0,012 % trong khi Hàn Quốc chỉ là 0,04%. Tức nếu tính theo thu nhập bình quân, cước phí vận tải của Việt Nam cao gấp 3 lần của Hàn Quốc. Con số này do ông Khuất Việt Hùng, Vụ trưởng Vụ Vận tải, Phó Chủ tịch chuyên trách của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, cho biết khiến nhiều người cảm thấy sốc.
Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội ô tô vận tải Việt Nam |
Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội ô tô vận tải Việt Nam, có một số quan điểm về vấn đề này.
Ông có quan điểm gì về con số giá cước vận tải Việt Nam cao gấp 3 lần Hàn Quốc?
Ông Nguyễn Văn Thanh: Cách so sánh này đúng nhưng “không ổn”. Thu nhập bình quân đầu người của Hàn Quốc rất cao trong khi của Việt Nam rất thấp. Nếu so sánh cước vận tải trên thu nhập đầu người thì hơi “oan” cho doanh nghiệp vận tải.
Nhưng giá cước vận tải của Việt Nam có cao không, theo ông?
Đúng là cước vận tải của Việt Nam cao. Thu nhập của người dân thấp mà mất nhiều chi phí cho vận tải như thế sẽ bị nhiều hạn chế.
Nguyên nhân nào khiến giá cước này cao?
Một trong những nguyên nhân là vấn nạn mãi lộ. Đây là điều không ai dám nói, mà nói cũng không được vì khó có bằng chứng. Tệ mãi lộ rất nặng nề. Anh chở quá tải không việc gì cả. Tôi chở quá tải thì bị bắt. Kiểu gì tôi cũng tìm cách để chở quá tải. Tôi tìm hiểu tại sao anh đi được để tôi học anh. Tôi chở đúng tải không ai phạt vạ nhưng tiền cước lại cao quá.
Cước phí vận tải hàng hóa trên thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam là 0,012 % trong khi Hàn Quốc chỉ là 0,04%.(Ảnh: doisongphapluat.com)
Ngoài ra còn có khoản nào khiến giá cước bị đội lên, thưa ông?
Tiền mãi lộ hay các khoản khác được gọi là chi phí ngầm. Các tổ chức quốc tế đã kiểm tra và nói chi phí ngầm của vận tải Việt Nam rất lớn. Ngoài chi phí nguyên, nhiên vật liệu, phụ tùng, con người… thì phí ngầm kia được ấn chung vào là chi phí quản lý. Chi phí ngầm ngoài mãi lộ còn có các cơ quan quản lý.
Chi phí này chiếm bao nhiêu phần trăm giá cước vận tải?
Chi phí ngầm không ai thống kê được nhưng theo tôi ít cũng phải 10 – 15 %. Chi phí này không giải đều. Lúc bắt đầu vào cuộc thì rất tốn kém, sau thì đều đặn hơn. Nhưng đố ai chứng minh được.
Nguồn cung vận tải so với cầu ở Việt Nam hiện nay như thế nào, thưa ông?
Hiện nay cung của vận tải nhiều hơn cầu nhưng vào những dịp cuối tuần, lễ tết thì xe lại không đủ, kể cả vận tải hành khách và hàng hóa.
Giá nhiên liệu có khiến cước vận tải Việt Nam của nguồn cung này cao hơn các nước khác?
Giá nhiên liệu chiếm từ 40 – 50% chi phí vận tải. Tùy loại phương tiện, tùy loại hình mà tỷ lệ nhiên liệu cao hay thấp. Ví dụ xe hiện đại, chi phí nhiên liệu thấp. Nhưng xe kém chất lượng thì chi phí nhiên liệu nhiều.
Tùy từng thời điểm giá nhiên liệu cao hay thấp và kéo theo cước vận tải thay đổi. Nếu nhà nước ngăn chặn được buôn lậu xăng dầu qua biên giới, hay sử dụng quỹ bình ổn để giữ giá xăng bằng các nước khác thì giá nhiên liệu không phải là nguyên nhân.
Giá xăng thay đổi bất thường có gây ảnh hưởng gì tới giá cước, thưa ông?
Giá nhiên liệu thay đổi thất thường khiến doanh nghiệp vận tải không thể chạy theo tốc độ đó được. Mỗi lần thay đổi giá cước, các doanh nghiệp phải kê khai, công bố lại giá, in lại vé, rất lằng nhằng. Đặc biệt, các hãng taxi phải gài lại đồng hồ, rất tốn kém về tiền của. Mỗi doanh nghiệp lớn một năm mất mấy trăm triệu vào việc đó. Các chi phí này cũng góp phần đội giá cước lên, tuy không nhiều nhưng cũng khiến các doanh nghiệp khổ sở.
Xin cảm ơn ông!
Chú thích ảnh: Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội ô tô vận tải Việt Nam