Tại sao EVN có lãi... vẫn tăng giá điện?

Theo PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện phó Viện Nghiên cứu Thị trường - Giá cả, Bộ Tài chính, việc tăng giá trong thời điểm này là khó hiểu, vì rõ ràng trong 3 tháng qua, chỉ số giá tiêu dùng ổn định, tỷ giá không biến động, ngành điện làm ăn có lãi.

Từ ngày 22/12/2012, giá điện bình quân sẽ tăng 5% và là lần tăng thứ 2 trong năm. "Cần phải có một cơ quan độc lập kiểm định các yếu tố để tăng giá này có hợp lý hay không", PGS.TS Ngô Trí Long nhấn mạnh.

Cơ chế bù lỗ có vấn đề

Thời điểm này, thông tin tăng giá bất cứ mặt hàng nào cũng khiến người tiêu dùng giật thót. Việc điều chỉnh tăng giá điện lần này đã được quyết định. Ông nghĩ sao về việc này?

Hiện nay, giá điện đã bán thấp hơn giá thành vì thế không thu hút được đầu tư. Chính vì thế mà thiếu điện triền miên. Có rất nhiều bất cập trong quản lý giá điện. Ví dụ như đáng lý ra phải để ra một cơ quan tổ chức có uy tín định giá điện thì bản thân ngành điện lại tự định giá. Cơ chế bù lỗ thì lại bù đồng đều cho mọi đối tượng, cả người giàu lẫn người nghèo và người đầu tư nước ngoài.

Vì sao lại phải bán thấp hơn giá thành thưa ông?

Điện là mặt hàng đặc biệt, tác động đến cả sản xuất và tiêu dùng. Sự tăng giảm giá điện có ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất và đời sống của xã hội. Thời gian qua, quản lý của ngành điện có những bất cập. Biểu giá điện và ban hành các kỳ điều chỉnh giá điện còn chưa thuyết phục, mang nặng cơ chế hành chính, thiếu cơ sở khoa học, thiếu minh bạch. Chính phủ mới ra văn bản cho phép ngành điện cứ ba tháng điều chỉnh một lần căn cứ vào các yếu tố đầu vào.

Nghĩa là lần tăng này là thực hiện đúng "lộ trình"?

Cứ ba tháng mà căn cứ các yếu tố đầu vào tăng thì giá điện tăng. Thế nhưng, yếu tố đầu vào có thể tăng, có thể giảm, chứ không phải là cứ ba tháng thì tăng một lần. Điều chỉnh nghĩa là tăng hoặc giảm.

Nhưng thực tế thì hình như chưa có đợt giảm nào?

Ngành điện không bao giờ điều chỉnh giảm. Do nhiều lý do. Đồng tiền dễ bị mất giá nên khó giảm được. Xăng dầu thì phụ thuộc giá thế giới, điện phụ thuộc vào chi phí sản xuất. Những yếu tố đó luôn luôn có xu hướng tăng, chỉ có điều là tăng thấp hoặc tăng cao mà thôi.

Tại sao EVN có lãi... vẫn tăng giá điện? - 1
PGS.TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế.

Tôi thông cảm với ngành điện, nhưng...

Nếu mà cứ 3 tháng tăng một lần, thì tôi cũng thấy lo quá?

Nhìn trên bức tranh tổng thể, từ đầu năm 2012 đến nay đã có 2 đợt tăng giá điện vào 1/7 và 22/12. Trong khi đó, các yếu tố đầu vào như nguyên vật liệu khá ổn định, chỉ số giá tiêu dùng không tăng cao, chỉ chưa đến 7%. Tỷ giá không biến động. Vì thế, việc tăng giá này tạo ra nhiều quan điểm. Có người bảo gần Tết, không nên tăng. EVN bảo phải tăng để tái sản xuất mở rộng. Ai cũng có lý lẽ riêng.

Quan điểm của ông thế nào?

Tôi thông cảm với ngành điện, nhưng việc tăng giá phải dựa trên cơ sở rõ ràng xác thực. Lý do gì để tăng giá? Nếu những điều này được minh bạch và đúng đắn thì việc tăng là hợp lý và giải tỏa được sự bức xúc của người tiêu dùng.

Xem xét như thế nào thưa ông?

Giá điện nên được một đơn vị, tổ chức định giá độc lập, uy tín định giá. EVN cũng nên công khai cơ chế tính giá, tăng giá phải có lộ trình, từng bước và gắn với tăng chất lượng điện. Đa dạng hóa các nguồn cung cấp điện, tránh lệ thuộc tối đa vào điện nhập khẩu. Cần tách bạch các khâu trong quy trình sản xuất, tiêu thụ điện mà ngành điện không cần thiết nắm giữ ra khỏi EVN như nguồn, phân phối, thậm chí điều độ. Ngay cả với khâu truyền tải, ngành điện có thể chỉ nắm giữ phần điều hành, còn đầu tư nên xã hội hóa...

Liệu việc tăng giá này của EVN có nguyên nhân gì khác?

Cũng có người đặt câu hỏi rằng, phải chăng do chính họ quản lý không tốt mà dẫn đến thua lỗ? Mà họ đưa tổn thất chi phí đó cho người tiêu dùng gánh lỗ là không được. Các cơ quan chức năng thường nghe theo ngành điện. Họ đưa ra bao nhiêu thì chấp nhận bấy nhiêu. Còn để kiểm tra và đánh giá một cách chính xác thì chưa đủ năng lực.

Dại gì đeo vòng kim cô vào đầu

Chính phủ quy định trong 3 tháng có thể điều chỉnh giá, EVN đã áp dụng quy định này như thế nào thưa ông?

Thường thì họ chỉ tăng chứ không có giảm, thậm chí giữ được giá điện ổn định là may lắm rồi. Cái đó thì phải xem xét lại.

Vậy vai trò quyết định giá điện là do ai?

Các cơ quan chức năng chỉ thẩm định thôi, còn quyết định thì là ở ngành điện chứ. Họ đưa ra đủ lý lẽ để tăng hoặc giảm, khi được cơ quan thẩm định duyệt là họ thực hiện thôi. Thường thì cơ quan thẩm định đó là Bộ Tài chính. Bản thân cơ quan chức năng thẩm định quản lý giá, chỉ có một hai người làm, thì liệu có đủ khả năng, đủ nhân lực để thẩm định không. Ngay cả khi kiểm toán nhà nước vào kiểm tra thì cũng phải mất một thời gian mới đánh giá được.

Vì sao EVN không tự thuê một cơ quan kiểm định độc lập cho khách quan?

Họ không muốn một đơn vị có năng lực độc lập kiểm soát mình là rõ ràng rồi. Giờ họ đang "vừa đánh trống vừa thổi còi". Hẳn là họ không bao giờ muốn có một cái vòng kim cô trên đầu mình.

Còn tôi là người tiêu dùng, tôi thấy việc tăng giá điện là chưa hợp lý?

Nói chưa hợp lý thì phải có căn cứ của mình. Kiểm tra xem các yếu tố đầu vào của nó đã hợp lý chưa.

Bắt dân chịu lỗ là không được!

Lãnh đạo EVN nói tăng giá lần này là bù cho giá than tăng và bù cho tỷ giá từ trước đến giờ nữa?

Thì đấy, có nghĩa là họ tính toán từ những thua lỗ tồn đọng cũ. Chứ nếu chỉ tính trong 3 tháng vừa rồi thì khó có lý do gì để tăng giá được. Giá than phải xem xét là đúng, nhưng năm nay họ có lãi rồi thì họ phải bù lại cái lỗ trước đó chứ. Tăng giá điện để bắt người dân chịu cái lỗ đó cho ngành điện là không được.

Hẳn là tăng giá thì ngành điện sẽ được lợi đầu tiên?

Với mức giá mới, ngành điện sẽ có lãi vào khoảng 7.000 tỷ đồng năm 2012. Trong bối cảnh sức mua của người dân hạn hẹp, đặc biệt các doanh nghiệp... thì có nên tăng giá điện hay không? Hay nói căn cứ vào tỷ giá trước kia để bù lỗ là không chuẩn xác vì lãi của năm nay họ phải đưa vào đó để bù chứ.

Ý ông là tăng giá điện thời điểm này là chưa phù hợp?

Tăng giá lúc này là không nên. Doanh nghiệp đang khó khăn, nguy cơ phá sản lớn. Sức mua cạn kiệt, thu nhập của người dân rất thấp. Nhà nước phải miễn giảm bao nhiêu loại thuế để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Ngành tài chính giảm thu đến mấy chục nghìn tỷ. Nguồn thu của ngân sách cũng thất thu lớn. Nên EVN đừng chỉ đứng góc độ của mình mà tăng giá.

Xin cảm ơn ông!

Những bất cập về giá điện cũng nảy sinh từ chính năng lực quản lý của EVN. Hàng loạt dự án lớn về nguồn điện như nhiệt điện Hải Phòng, Quảng Ninh, Mạo Khê... đều bị chậm tiến độ so với quy hoạch gần 2 năm. Do việc lựa chọn nhà thầu chất lượng kém, công nghệ nhà máy điện lạc hậu... Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân lớn nhất gây tình trạng thiếu điện. Dư luận đang đặt dấu hỏi lớn về trách nhiệm của chủ đầu tư từ những dự án này.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tô Hội (Kiến thức)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN