Tại sao chân gà, mề gà… cũng phải nhập?

Chỉ trong một năm, Việt Nam phải bỏ ra trên 5 tỉ USD để nhập khẩu thịt và nguyên liệu để sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm và thủy sản.

Chăn nuôi là một trong những ngành bị tổn thương nhiều nhất khi Việt Nam hội nhập cộng đồng kinh tế ASEAN và sắp tới đây là hiệp định đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP). Tác động trực tiếp và gay gắt nhất chính là việc giảm các dòng thuế theo lộ trình đã cam kết. Điều này tạo điều kiện cho thịt ngoại nhập khẩu ồ ạt vào nước ta và có thể giết chết chăn nuôi trong nước.

TS Đoàn Xuân Trúc, Phó Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam (AHAV), nhận định như trên tại hội thảo Phát triển chăn nuôi bền vững, chủ động hội nhập cộng đồng ASEAN và TPP vừa tổ chức ngày 22-6 tại TP.HCM.

Nhập “thượng vàng hạ cám”

. Phóng viên:Theo nhiều chuyên gia, nguồn cung thịt của nước ta đủ sức cung ứng nhu cầu nội địa, vậy tại sao chúng ta vẫn phải nhập rất nhiều thịt ngoại, thưa ông?

+ TS Đoàn Xuân Trúc: Ước tính chỉ riêng năm 2014, Việt Nam nhập khẩu 400 triệu USD thịt các loại: heo, bò, trâu, các loại phụ phẩm gia súc, gia cầm…

Hiện tại ngành chăn nuôi Việt Nam đang đảm bảo tự cung ứng đủ nhu cầu tiêu dùng trong nước về thịt heo nhưng hằng năm vẫn phải nhập 3.000-4.000 tấn thịt heo đông lạnh. Chúng ta có thể đảm bảo cung ứng trên 95% nhu cầu tiêu thụ thịt gà nhưng hằng năm phải nhập 80.000-100.000 tấn thịt và phụ phẩm như chân gà, cánh gà, mề, tim gà… và thịt gà loại thải đông lạnh do giá quá rẻ. Chưa hết, mỗi năm Việt Nam nhập khẩu đến hơn 200.000 con trâu, bò sống và con số này ngày càng tăng.

Giá rẻ là ưu thế của thịt ngoại nhập khẩu vào Việt Nam, được người tiêu dùng lựa chọn.

Tại sao chân gà, mề gà… cũng phải nhập? - 1

Thịt ngoại nhập khẩu được người tiêu dùng lựa chọn do giá rẻ. Ảnh: HTD

. Ông có thể lý giải vì sao giá thành sản xuất thịt Việt Nam cao hơn các nước trong khu vực và thế giới trong khi chúng ta có nhiều lợi thế?

+ Trước hết, ngành chăn nuôi Việt Nam có số hộ chăn nuôi nhỏ và siêu nhỏ chiếm tỉ lệ cao. Xin lấy ví dụ: Trong số hơn bốn triệu hộ nuôi heo thì số hộ nuôi quy mô nhỏ chiếm tới hơn 86% tổng số hộ nhưng chỉ sản xuất được 34% tổng sản lượng thịt heo.

Thực tiễn đã chứng minh: Chăn nuôi nhỏ lẻ, chất lượng con giống thấp, công nghệ chăn nuôi lạc hậu, chi phí đầu vào cao, năng suất lao động thấp, qua nhiều khâu trung gian và lãi suất ngân hàng quá cao… làm cho giá thành chăn nuôi ở nước ta cao, khả năng cạnh tranh thấp. Chẳng hạn, một trang trại heo sinh sản quy mô 1.000 nái ở Mỹ chỉ cần một lao động, còn ở Việt Nam cần tới 20 lao động.

Ngoài ra, do đầu vào của ngành chăn nuôi Việt Nam còn phụ thuộc khá nhiều vào nước ngoài. Hầu hết các giống bò, heo, gia cầm cao sản nước ta đều phải nhập khẩu. Đó là chưa kể riêng năm 2014, Việt Nam phải bỏ ra 4,8 tỉ USD để nhập 11,7 triệu tấn nguyên liệu các loại để sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm và thủy sản. Thời gian gần đây, nước ta phải nhập tới 90% các loại nguyên liệu thức ăn như khô dầu đậu nành, bột thịt-xương, bột cá. Giá thành sản xuất thức ăn chăn nuôi ở nước ta cũng cao hơn khoảng 10% so với nhiều nước trong khu vực.

Xuất khẩu èo uột

. Với quá nhiều khiếm khuyết như vậy, trong điều kiện bình thường chúng ta đã thua ngay trên sân nhà, sắp tới hàng rào thuế quan dỡ bỏ liệu hàng triệu hộ chăn nuôi có bị xóa sổ?

+ Trong hội nhập kinh tế, phát triển liên kết chuỗi giá trị trong chăn nuôi là giải pháp rất quan trọng để tổ chức lại sản xuất chăn nuôi, tái cơ cấu ngành chăn nuôi. Theo khảo sát của Hội Chăn nuôi Việt Nam năm 2014, liên kết khép kín từ chăn nuôi-sản xuất thức ăn chăn nuôi-giết mổ-tiêu thụ có thể hạ giá thành 12%-15%.

Do vậy Nhà nước cần khuyến khích và hỗ trợ sản xuất theo chuỗi giá trị thông qua các chính sách hợp lý.

. Nghịch lý là chúng ta có nhiều mặt hàng có thế mạnh nhưng xuất khẩu lại rất hạn chế?

+ Chúng ta có một số sản phẩm có lợi thế có thể xuất khẩu khối lượng khá lớn như mật ong nguyên chất, thịt heo (kể cả heo sữa), trứng vịt muối, sản phẩm sữa và thức ăn chăn nuôi. Hiện nay nước ta đã xuất khẩu trên 20.000 tấn heo thịt và heo sữa đông lạnh hoặc qua chế biến.

Vì vậy nếu chăn nuôi Việt Nam giảm được chi phí giá thành sản xuất, đảm bảo về an toàn thực phẩm, xây dựng được vùng chăn nuôi kiểm soát dịch bệnh thì hoàn toàn có thể xuất khẩu tốt. Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… đang có nhu cầu nhập thịt heo rất nhiều, đây là thị trường tiềm năng cho thịt Việt Nam.

Giá thành thịt heo Việt Nam cao hơn Mỹ

Theo Hội Chăn nuôi Việt Nam, giá thành sản xuất heo thịt ở Mỹ thấp hơn 25%-30% so với Việt Nam. Còn giá thành 1 kg thịt bò Úc (nhập bò sống về Việt Nam để giết mổ) sau khi đã trừ các chi phí vận chuyển, thuế, lãi vay ngân hàng… khoảng 170.000-180.000 đồng/kg. Trong khi đó bò thịt nuôi tại Việt Nam giá không thấp hơn 200.000 đồng/kg nhưng chất lượng thịt lại không bằng bò Úc.

Cạnh tranh bằng đặc sản

Một khi TPP được ký kết, ngành nông nghiệp nói chung, ngành chăn nuôi nói riêng sẽ bị ảnh hưởng rất lớn. Nếu chúng ta không chuẩn bị trước thì sẽ bị “dính đòn” vì lúc này ngành chăn nuôi phải ở trong cuộc đấu tay đôi với các nước thành viên khác. Nếu không có chính sách yểm trợ, nông dân sẽ bơ vơ.

Chăn nuôi cũng như các ngành sản xuất nông sản nước ta có một thế mạnh cần phải khai thác và phát triển đó là đặc sản. Các giống chăn nuôi đặc sản của riêng Việt Nam như gà ri, gà Đông Tảo, heo mọi… nếu bảo tồn, hỗ trợ phát triển trang trại lớn thì chắc chắn sẽ luôn có đầu ra.

PGS-TS TRẦN ĐÌNH THIÊN, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam

Có quá nhiều ông chủ

Các doanh nghiệp nước ngoài đang đầu tư tại Việt Nam như CP, Emivest, Japfa… làm được chuỗi liên kết vì một mình họ làm chủ được tất cả khâu từ giống, trang trại, thức ăn, công nghệ và thị trường ở nhiều nước. Còn chuỗi liên kết ở Việt Nam có quá nhiều ông chủ, một doanh nghiệp làm chủ một khâu, không ai chịu hợp tác với ai hay chia sẻ lợi ích lẫn rủi ro thật sự.

Ông LÊ BÁ LỊCH, chuyên gia nông nghiệp

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quang Huy (Pháp luật TP.HCM)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN