Sức mua lại giảm
Các doanh nghiệp và ngành chức năng đang tính toán lại các giải pháp kích cầu để giữ đà tăng trưởng tiêu dùng nội địa
Thông tin từ một số hệ thống siêu thị lớn tại TP HCM cho biết sức mua thị trường từ nửa cuối tháng 3 đã chậm lại so với trước. Trong khi nhóm sản phẩm rau củ quả, cá thịt, hàng thiết yếu vẫn có tăng trưởng dương thì các mặt hàng không thiết yếu như bánh kẹo, rượu bia… thấp hơn cùng kỳ năm 2023 đến 2 con số.
Giá trị giỏ hàng giảm thấy rõ
Tại Co.opXtra quận 7, TP HCM, chúng tôi ghi nhận nhiều bà nội trợ kéo giỏ mua hàng đi nhanh đến quầy thực phẩm tươi sống, chọn mua một số mặt hàng rồi đi thẳng ra quầy thanh toán chứ không dạo quanh, lựa chọn hàng hóa như trước. Khi được hỏi, hầu hết những người này đều nói do vật giá ngày càng đắt đỏ mà thu nhập không tăng nên phải thay đổi cách tiêu xài.
Theo thống kê của các siêu thị, giá trị giỏ hàng trong mỗi lần mua sắm của khách hàng đang giảm đi thấy rõ. Các doanh nghiệp (DN) bán lẻ liên tục họp phân tích tình hình, tìm giải pháp kéo sức mua nhưng tín hiệu thị trường vẫn chưa khởi sắc.
Người tiêu dùng chọn mua rau củ và thực phẩm thiết yếu tại một siêu thị chiều 17-4
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy quý I/2024 dù đã có yếu tố tích cực từ thị trường Tết nhưng tăng trưởng bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng chỉ đạt 8,2%. Nếu loại trừ yếu tố về giá, con số này chỉ tăng 5,1% - bằng một nửa mức tăng trưởng cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng rất thấp so với mức tăng bình quân 11,5%/năm trong giai đoạn trước dịch COVID-19 (2015-2019).
Tại TP HCM, tăng trưởng bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý I/2024 tăng 12,2% so với cùng kỳ (quý I/2023 tăng trưởng rất thấp) nhưng theo số liệu của ngành công thương, lượng người tiêu dùng mua hàng tạp hóa, quần áo, giày dép giảm mạnh từ 50% - 70%, thậm chí với nhóm ngành thực phẩm thiết yếu cũng giảm trung bình 10% - 30%.
Các chuyên gia kinh tế phân tích mức tăng trưởng bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng thấp trong quý I, đặc biệt là trong Tết Nguyên đán vừa rồi, phản ánh bức tranh kinh tế còn nhiều khó khăn, người tiêu dùng vẫn trong xu hướng chi tiêu tiết kiệm.
Tập trung bình ổn giá, đẩy khuyến mãi
Theo các DN sản xuất, khó khăn có thể kéo dài ít nhất đến giữa năm nay, nếu tình hình kinh tế - chính trị trên thế giới và trong nước ổn định, sức mua sẽ phục hồi tốt trong những tháng cuối năm. "Các ban, ngành đều vào cuộc để kích cầu, giảm giá cho người dân tích cực mua sắm. Hiện nay, DN tham gia các chương trình kích cầu có lợi nhuận rất ít, thậm chí có DN chấp nhận hòa vốn để giữ hoạt động sản xuất được đều đặn" - bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP HCM, nói.
Các DN phân phối đã lên kế hoạch kinh doanh cả năm, tiến hành mua hàng tận gốc và với số lượng lớn để nhà cung cấp chủ động kế hoạch sản xuất, cung ứng. Các siêu thị cũng gia tăng số lượng nhà cung cấp chiến lược để cùng nhau thực hiện các chính sách về giá, các chương trình khuyến mãi đủ hấp dẫn để thu hút khách hàng.
Đơn cử, hệ thống Co.opmart, Co.opXtra liên tục triển khai các chương trình khuyến mãi lớn gắn với kỷ niệm 35 năm thành lập hệ thống. Đáng chú ý, từ đầu năm đến nay, hệ thống này đã dành nhiều ưu đãi đặc biệt cho khách hàng thành viên, hạn mức khuyến mãi gia tăng theo cấp độ thẻ. Đại diện Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM (Saigon Co.op) cho biết chính sách này sẽ được duy trì xuyên suốt năm 2024 để kích cầu tiêu dùng.
Hệ thống MM Mega Market tiếp tục mở rộng chương trình "bình ổn giá, chống lạm phát" cho các mặt hàng thiết yếu như hóa mỹ phẩm và thực phẩm khô; triển khai bán giá sỉ thực phẩm tươi sống; tăng hạn mức khuyến mãi cho nhóm hàng nhãn riêng lên đến 40% - 50%. Hệ thống siêu thị GO! Big C đã công bố đưa ra thị trường hơn 2.000 mã sản phẩm giá rẻ hơn đến cuối năm nay.
Tuy nhiên, để tạo hiệu ứng kích cầu ổn định và lâu dài, ông Nguyễn Anh Đức - Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, Tổng Giám đốc Saigon Co.op - cho rằng cần có chính sách căn cơ hơn từ phía nhà nước. Trong đó, tăng cường chính sách hỗ trợ trực tiếp cho DN sản xuất, kinh doanh và cả người tiêu dùng. Bên cạnh đó, cần có sự chung tay của tất cả các bên để đưa ra thêm nhiều gói kích cầu mới.
Phối hợp để giữ ổn định giá
Ông Nguyễn Đức Toàn, Giám đốc thu mua MM Mega Market, cho biết 3 tháng đầu năm, các siêu thị nhận được nhiều đề nghị tăng giá của các nhà sản xuất nhiều ngành hàng, trong đó nhiều nhất là ngành hàng tiêu dùng. Lý do là những biến động về kinh tế - địa chính trị, thiếu hụt nguồn cung lương thực - thực phẩm, nguyên liệu sản xuất nhiều ngành hàng và chuỗi cung ứng đứt gãy đã tác động trực tiếp đến giá hàng hóa tại Việt Nam. "Cần có sự điều hành của các cấp, cơ quan chính quyền và sự phối hợp với nhà sản xuất, nhà phân phối để giữ ổn định giá các mặt hàng thiết yếu, giúp ổn định tâm lý người tiêu dùng để họ chi tiêu thoải mái hơn" - ông Toàn đề xuất.
Thái Lan đang là thị trường tiêu thụ cá tra lớn nhất của Việt Nam trong khối ASEAN.
Nguồn: [Link nguồn]