Sữa ngoại lại tinh vi “lách” luật, tăng giá bán
Sau một thời gian dùng “chiêu” thay đổi bao bì sản phẩm để tăng giá bán, đến nay một vài hãng sữa lại tiếp tục thay đổi độ tuổi dành cho trẻ để “đẩy” giá bán thêm vài chục ngàn đồng/hộp so với trước.
Thay đổi độ tuổi để tăng giá
Tìm mỏi mắt tại 3 đại lý chị Hà vẫn không thấy loại sữa Enfagrow A+3 360 độ Brain Plus dành cho bé từ 1-3 tuổi mà con chị vẫn dùng trước đây, thay vào đó là loại sữa cùng bao bì nhưng độ tuổi đã được phân chia lại.
Chị Hồng – chủ một đại lý sữa trên đường Lò Đúc (Hà Nội) cho biết, hãng Mead Johnson đã ra sản phẩm mới cách đây hơn 2 tháng và cùng với đó thay đổi luôn phân chia độ tuổi dành cho trẻ. Cụ thể, nếu trước đây dòng sản phẩm Enfamil A+3 Brain Plus dành cho trẻ từ 1-3 tuổi, thì nay chỉ dành cho trẻ từ 1-2 tuổi. Còn nếu trẻ từ 3 tuổi trở lên sẽ chuyển sang dùng bước số 4.
Đối với các dòng sữa Enfamil 360 độ Brain Plus bước số 3 dành cho trẻ từ 1-3 tuổi, các đại lý đều báo “đã hết hàng”, muốn tìm mua loại sữa cũ, chị Hà phải lặn lội tới một đại siêu thị lớn trên đường Tây Sơn (Hà Nội). Khi hỏi về sự khác nhau giữa 2 dòng sản phẩm “song sinh” nhưng khác về sự phân chia độ tuổi, chị Hà được nhân viên quầy sữa siêu thị trên giải thích là dòng Enfamil 360 độ Brain Plus mới thay đổi độ tuổi sẽ thay thế dần dòng Enfamil 360 độ Brain Plus ra mắt cách đây gần 1 năm.
Quan sát đối chiếu công thức sữa bao bì mới loại dành cho trẻ từ 1-2 tuổi và bao bì cũ (loại dành cho trẻ 1-3 tuổi), dễ dàng nhận thấy sản phẩm mới không hề có đột phá, khác biệt nào về công thức. Cơ bản, hàm lượng các thành phần không thay đổi hoặc có thay đổi không đáng kể.
Thay đổi độ tuổi dành cho trẻ, giá sữa "đội" lên thêm vài chục ngàn đồng/hộp so với trước
Cùng với sự thay đổi độ tuổi, giá bán cũng cao hơn trước. Đơn cử, giá mỗi hộp sữa Enfamil A+3 Brain Plus dành cho trẻ từ 1-2 tuổi có giá bán hiện tại là 424.000 – 429.000 đồng/hộp 900 gram, thì giá trước đây loại này dành cho trẻ từ 1-3 tuổi giá chỉ là 370.000 -380.000 đồng/hộp 900 gram tùy đại lý.
Như vậy, sau khi thay đổi bao bì bằng cách phân chia lại độ tuổi dành cho trẻ em thì giá mỗi hộp sữa loại này đã đắt thêm khoảng 50.000 đồng/hộp. Hay như tại siêu thị Lotte Mart (Tây Sơn – Hà Nội), dòng Enfagrow A+4 Brain Plus mới dành cho trẻ từ 2 tuổi trở lên giá bán 403.000 đồng/hộp 900 gram thì giá bán loại cũ dành cho trẻ từ 3 tuổi trở lên, giá bán chỉ là 371.000 đồng/hộp; còn loại 400 gram giá bán tương ứng là 183.000 đồng/hộp và 197.000 đồng/hộp.
Người tiêu dùng rối mù
Từ 1/3/2015, theo Nghị định 100/2014/NĐ-CP các sản phẩm sữa dành cho trẻ dưới 2 tuổi đều bị cấm quảng cáo, đồng nghĩa các DN sản xuất và kinh doanh sữa trong quá trình kê khai giá sẽ phải loại bỏ chi phí quảng cáo ra khỏi giá thành bán tới tay người tiêu dùng. Lâu nay, chi phí quảng cáo luôn là cái cớ để hãng sữa neo giá cao, chiếm đến 20%, thậm chí 30% giá thành sản phẩm sữa.
Thậm chí, kết quả thanh tra của Bộ Tài chính trong năm 2014 cho thấy, việc “lồng” chi phí quảng cáo vào giá sữa đã khiến giá mặt hàng này dành cho trẻ em dưới 6 tuổi cao từ 2,18-16,39%. Vì thế, quy định cấm quảng cáo, loại chi phí quảng cáo ra khỏi giá sữa dành cho trẻ em dưới 24 tháng tuổi từ ngày 1/3/2015 được Cục Quản lý Giá (Bộ Tài chính) kỳ vọng là sẽ giúp giá bán của các sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 24 tháng tuổi có thể sẽ về đúng với giá trị thực.
Song thực tế cho tới nay, ngoài chuyện thay đổi độ tuổi để đẩy giá lên, thì giá các mặt hàng sữa khác tại các đại lý không hề giảm mà vẫn “đứng” ở mức cao.
Theo khảo sát của PV Infonet, Enfamil A+ 1 Brain Plus 500.000 - 505.000đ/hộp 900gram, Enfamil A+ 2 Brain Plus giá 482.000 – 490.000 đồng/hộp 900gram; Abbott Grow số 3 giá 255.000 - 275.000đ/hộp 900 gram, Friso Gold số 4 loại 900 gram giá 379.000 – 385.000 đồng/hộp…
Liệu cơ quan quản lý giá có biết việc dù đã có quy định loại chi phí quảng cáo nhưng giá sữa vẫn tăng mà không hề giảm? Cùng với đó, các DN sữa “lách” bằng cách thay đổi bao bì và phân chia độ tuổi để tăng giá bán sữa…?
Trả lời câu hỏi tại cuộc họp báo của Bộ Tài chính diễn ra ngày 7/4, lãnh đạo Cục Quản lý Giá cho hay, theo quy định mới về cấm quảng cáo đối với sữa dành cho trẻ em dưới 2 tuổi, Cục đã có công văn gửi tới Sở Tài chính địa phương trong quá trình tiếp nhận kê khai giá của DN thì phải loại trừ chi phí quảng cáo trong giá thành và yêu cầu các DN kê khai giá trước 15/4.
Trên cơ sở kết quả kê khai giá của DN, Cục sẽ tiến hành kiểm tra, kiểm soát. “Phải chờ sau ngày 15/4 xem các DN kê khai giá như thế nào mới trả lời được là giá sữa có tăng hay không” – vị này nói.
Như vậy, dù theo lãnh đạo cơ quan quản lý giá thì phải chờ sau 15/4 mới có kết quả biết giá sữa tăng hay giảm, nhưng từ thực tế và với những “chiêu” lách giá sản phẩm như hiện nay, người tiêu dùng vẫn khó kỳ vọng giá sữa sẽ giảm thật sự. Trong mê hồn trận giá sữa, nhiều người tiêu dùng ngơ ngác và rối mù. Chỉ tính chuyện các hãng sữa nay thay đổi bao bì này, độ tuổi nọ và đẩy giá bán lên là mỗi tháng các bà mẹ lại phải “móc hầu bao” thêm vài trăm ngàn đồng để mua sữa cho con.