Sơn La: Nông dân vui vì... mận hậu mất mùa, nhưng được giá

Sự kiện: Kinh Doanh

Với cả nghìn ha mận hậu được thâm canh trong nhiều năm liền, Sơn La được coi là “thủ phủ” mận hậu vùng Tây Bắc. Khoảng chục năm trở lại đây, nguồn thu từ cây mận hậu khá cao nên vẫn được bà con đầu tư phát triển. Trong đó, riêng xã Chiềng Đen của TP.Sơn La thì 16/16 bản, bà con đều trồng mận hậu với diện tích đã cho quả lên tới hơn 300ha.

Năm nay, tuy mận hậu đang mất mùa, nhưng nông dân Sơn La đang vui vì… được giá.

Mất mùa vì thời tiết không thuận

Sơn La: Nông dân vui vì... mận hậu mất mùa, nhưng được giá - 1

Mận hậu Sơn La được các tư thương thu mua hết trong ngày với giá từ 10.000-15.000 đồng/kg. Ảnh: V.C

Mấy hôm trời mưa vừa qua, các chủ thu gom mua mận loại 2 với giá 15.000đ/kg, loại 1 có giá 20.000đ/kg. Nếu với giá cả như thế, thu nhập của người trồng mận ở Sơn La năm nay không thua kém với những năm được mùa. 

“So với các năm trước, sản lượng mận hậu năm nay của gia đình tôi cũng như nhiều hộ khác trong bản chỉ bằng 30%, đạt chừng hơn 10 tấn/ha. Bù lại, giá cả cao hơn tới 3-4 lần nên vẫn đạt mức thu nhập hơn 100 triệu đồng/ha”  - chị Quàng Thị Xuân, dân bản Sẳng, xã Chiềng Đen, TP.Sơn La, bảo vậy.

Theo chị Xuân, nhiều năm qua, cuộc sống gia đình chị phần lớn trông chờ vào nguồn thu từ trồng mận. Gia đình trồng chị đang khoảng 2.000m2 mận, nếu thời tiết thuận lợi, mỗi năm cũng thu được từ 5 – 6 tấn mận tươi. Năm nay, do thời tiết nắng nóng kéo dài vào thời điểm cây mận trổ hoa nên tỷ lệ đậu quả thấp, nhiều cây không cho quả. Từ đầu vụ đến nay, gia đình chị mới thu được hơn 2 tấn, bán xô với giá 10.000đ/kg, lượng quả còn lại không nhiều.

Mận hậu Sơn La từ lâu đã được người dân cả nước biết đến bởi mùi thơm, vị ngọt, độ giòn đặc trưng khác hẳn với mận được trồng ở các địa phương khác. Năm nay, thời tiết không thuận nên cây mận hậu ở Sơn La lâm vào tình cảnh mất mùa. Anh Quàng Văn Tới, dân bản Phiêng Tam, xã Chiềng Đen (TP.Sơn La) cho biết: Từ khi cây mận ra hoa đến giờ thời tiết khắc nghiệt lắm. Lúc thì rét đậm, rét hại, lúc lại nắng gắt, mưa đá. Vì thế hơn 1ha mận hậu của nhà tôi năm nay ước tính chỉ thu được chừng hơn chục tấn quả tươi, mất đi 70% sản lượng so với năm trước”.

Theo ghi nhận của PV NTNN, cũng bởi ảnh hưởng thời tiết xấu nên tình trạng người dân bị tư thương ép giá cũng khá phổ biến. Một số chủ thu gom mận tươi ngoài việc lấy cớ đã đủ hàng trong ngày rồi không mua nữa khi người dân chở mận đến bán thì họ còn lấy lý do “quả mận nhỏ, không đều” để giảm giá khiến người trồng mận lâm vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan” vì đã trót thu hái rồi, không bán để hôm sau, mận héo càng khó bán hơn.

Sơn La: Nông dân vui vì... mận hậu mất mùa, nhưng được giá - 2

Người dân Sơn La thu hoạch mận hậu.

Đổi lại được giá

Chị Quàng Thị Hồng – một trong những tiểu thương thu gom mận ở xã Chiềng Cọ để bán lại cho các thương lái đến từ các tỉnh khác, cho biết: “Ở Chiềng Đen, mỗi ngày tôi thu mua từ 3-4 tấn mận. Giá mua dao động từ 10 – 15.000 đồng/kg đối với từng loại mận. Từ đầu mùa đến nay, tôi đã thu mua và đổ cho các thương lái gần 100 tấn mận. Mận được chuyển đi nhiều tỉnh, thành phố trong nước. So với năm ngoái, giá mận năm nay cao hơn nhiều”.

Theo anh Tòng Văn Tiêng ở bản Nậm Chăm, xã Chiềng An (thành phố Sơn La), diện tích mận của nhà anh năm nay mất mùa, hơn 3ha trồng mận xen với cà phê có rất nhiều cây không ra quả hoặc có quả nhưng bé hơn. “Ngày 21.5, tôi đem bán hơn 2 tạ mận, trong đó có khoảng 1 tạ mận loại 1 bán được giá 15.000đ/kg, giảm 5.000đ/kg so với mấy ngày trước. Còn số mận loại 2 (không chọn), giá bán từ 8 – 10.000 đồng/kg. Như thế, tuy đã vào gần cuối vụ nhưng giá mận vẫn cao hơn các năm trước”

Anh Lò Văn Hóa ở bản Lả Hôm, xã Chiềng Cọ so sánh: “Nhà tôi trồng 300 gốc, năm ngoái, cây mận cho quả to và sai hơn năm nay, gia đình thu được hơn 40 triệu đồng tiền bán mận. Năm nay, cây mận đậu quả ít hơn nhưng giá bán gấp đôi năm ngoái. So đi tính lại, thu nhập cũng không kém năm ngoái là mấy”. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Văn Chiến - Quốc Định (Dân Việt)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN