Sợ phá sản: DN ô tô cầu cứu
Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) cho biết, tiêu thụ ô tô giảm mạnh trong 4 tháng đầu năm 2012 không phải nguyên nhân do kinh tế khó khăn mà do chính sách của các cơ quan chức năng.
Khó bán xe vì thuế, phí?
Theo số liệu từ VAMA, 4 tháng đầu năm 2012, doanh số bán ô tô của 18 DN thành viên đã giảm tới 21.331 xe so với 4 tháng đầu năm 2011.
Hiện các DN rất khó khăn bởi tồn kho tăng cao, sản xuất đình đốn. Tuy không công bố con số tồn kho cụ thể là bao nhiêu, nhưng theo ông Laurent Charpentier, Tổng giám đốc Công ty Ford Việt Nam, Chủ tịch VAMA, thì tồn kho của các DN gấp 3 lần bình thường.
Ông Gaurav Gupta, Tổng giám đốc GM Việt Nam cho biết, các DN ô tô thường phải lên kế hoạch sản xuất, đặt hàng nhà cung cấp linh kiện từ 3 - 6 tháng trước, dựa trên dự báo nhu cầu ô tô năm sau. Với dự báo thị trường ô tô Việt Nam năm 2012 tiêu thụ khoảng 140.000 xe (bình quân mỗi tháng trên 10.000 xe), thì các DN đã đặt hàng theo con số này từ cuối 2011 rồi. Nay doanh số bán ra giảm 42% so với 4 tháng đầu năm 2011 thì tồn kho tính cả xe đã lắp ráp lẫn bộ linh kiện là rất cao. Theo cách giải thích nà của ông Gaurav Gupta thì ước tính khoảng 20.000 xe và bộ linh kiện của các DN ô tô đang bị tồn kho.
Ông Laurent Charpentier khẳng định tiêu thụ ô tô giảm mạnh trong 4 tháng qua không phải là do kinh tế khó khăn mà lý do chính là từ chính sách. Đầu năm 2012 lệ phí trước bạ tại Tp Hồ Chí Minh tăng lên 15%, Hà Nội lên 20% và phí cấp biển số tại Hà Nội lên 20 triệu đồng/xe, rồi Bộ Giao thông vận tải đề xuất thu phí hạn chế phương tiện giao thông với mức thu cao và tăng 20% mỗi năm khiến cho nhiều người dừng ý định mua xe.
Trước tình hình này, VAMA cũng đã làm việc với các Bộ, ngành liên quan, vấn đề là Bộ Công thương đã xây dựng Quy hoạch phát triển công nghiệp ô ô Việt Nam có mục tiêu rất tốt với mong muốn thu hút các nhà đầu tư vào sản xuất, tạo sân chơi cho các DN và thúc đẩy ngành công nghiệp ô tô phát triển, nhưng lại có khác biệt lớn với các cơ quan khác như Bộ Tài chính, Giao thông vận tải khi luôn xây dựng và đề xuất các chính sách tăng thuế phí..., ông Laurent Charpentier nói.
Vấn đề muốn phát triển công nghiệp ô tô là phải thu hút được các nhà đầu tư vào sản xuất linh kiện cung cấp cho các DN trong nước và xuất khẩu. Hiện chúng tôi rất muốn sử dụng linh kiện sản xuất trong nước nhưng rất khó khăn. Chẳng hạn như muốn sử dụng ắc quy sản xuất tại Việt Nam thì trong phía Nam có 1 DN sản xuất ắc quy đạt yêu cầu, nhưng năng lực của họ thấp, không đủ cung cấp cho tất cả các DN, mà họ cũng không muốn đầu tư mở rộng sản xuất bởi chính sách của Việt Nam không đủ hấp dẫn với họ. Vì vậy muốn thu hút các DN sản xuất linh kiện đầu tư vào Việt Nam mà không vào các nước khác như Thailand hay Indonesia... thì phải có chính sách đủ hấp dẫn và ổn định. Đến nay chính sách đối với công nghiệp ô tô của Việt Nam vừa có nhiều mâu thuẫn lại vừa thiếu ổn định, ông Laurent Charpentier cho biết.
Hạn chế ô tô, thất thu tiền tỷ
Cũng theo ông Laurent Charpentier, các DN thành viên VAMA đều sở hữu những thương hiệu toàn cầu và có đóng góp lớn cho ngân sách cũng như ngành công nghiệp ô tô thời gian qua. VAMA muốn đẩy mạnh phát triển công nghiệp ô tô tại Việt Nam chứ không muốn lắp ráp giản đơn, vậy thì chính sách phải định lâu dài để các DN nhìn thấy và xây dựng các kế hoạch dài hạn.
Ông Gaurav Gupta cho rằng từ đầu năm 2012 chính sách với ngành ô tô của Việt Nam đã thay đổi liên tục, tác động không tốt đến thị trường ô tô và sản xuất của các DN. Đầu năm lệ phí trước bạ, phí cấp biển số tại Hà Nội và tp Hồ Chí Minh tăng cao, tiếp đến là Bộ Giao thông vận tải đề xuất phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân, rồi Hà Nội xóa bỏ hàng trăm điểm trông giữ xe, rồi đề xuất 5x5 với việc cấm ô tô đi vào nội đô 5 giờ mỗi ngày và thực hiện 5 ngày trong tuần...
Những thay đổi và các đề xuất này đã khiến nhiều người tiêu dùng bỏ ý định mua xe. Hiện các DN đã phải giảm sản xuất về tương đương với doanh số bán ra. Với sản lượng thấp kéo dài như vậy sản xuất ô tô khó có thể duy trì, ông Gaurav Gupta nói.
VAMA cho biết đã gửi thư tới các cơ quan chức năng đề xuất 3 điểm là: hủy bỏ đề án thu phí hạn chế phương tiện cá nhân và không bao giờ áp dụng nó, chỉ áp dụng 1 mức phí trước bạ 5% dành cho xe con trên toàn quốc và giảm thuế Giá trị gia tăng.
Theo ông Laurent Charpentier, chỉ cần thực hiện 2 đề xuất đầu thì thị trường ô tô sẽ nhanh chóng lấy lại doanh số.
Theo tính toán đến năm 2020 sản lượng ô tô trên thị trường Việt Nam sẽ đạt 400.000 xe và các khoản đóng góp cho Nhà nước sẽ nhiều hơn, Nhà nước sẽ có tiền để đầu tư vào hạ tầng và ngành công nghiệp ô tô Việt Nam sẽ phát triển, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Nếu Chính phủ quyết định áp dụng các mức lệ phí và thuế như hiện nay cũng như ban hành phí hạn chế phương tiện cá nhân với mức từ 20- 50 triệu/xe/năm và tăng thêm 20% sau mỗi năm thì sản lượng ô tô của Việt Nam đến năm 2020 chỉ còn 179.000 xe và ngân sách Nhà nước trong 8 năm tới sẽ thất thu tổng cộng khoảng 12 tỷ USD.
Bên cạnh đó, tới 2018 khi các cam kết với AFTA có hiệu lực, thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc về 0% thì lúc đó các nhà sản xuấ sẽ bỏ đi hết, Việt Nam chỉ còn các nhà nhập khẩu và mỗi năm Việt Nam sẽ phải chi khoảng 12 tỷ USD nhập khẩu ô tô đáp ứng nhu cầu trong nước, VAMA cho biết.