"Sô-cô-la nhập Mỹ"... 15.000 đồng/kg
Trong nhiều nhóm hàng thực phẩm phục vụ Tết, bánh kẹo, mứt bị làm giả, nhái đứng đầu bảng, với mức độ ngày càng tinh vi. Không chỉ nhiều cơ sở trong nước làm nhái, sản phẩm nhập khẩu cũng bị nhái khi còn ở nước ngoài.
Tràn lan hàng “đội lốt”
Trưa 18/12, khu vực bán bánh kẹo ở chợ Bình Tây (Q.5, TPHCM), chủ quầy bày la liệt hàng hóa chào mời khách. Bánh kẹo cả nội lẫn ngoại được sắp trên các quầy và đầy các thùng giấy, khách thích loại nào cứ chọn, tất cả có giá từ 30.000 - 45.000 đồng/kg.
Biết tôi có ý mua làm quà biếu, Tâm - nhân viên quầy T.O mời chào: “Mua tặng thì chị chọn bánh đã đóng sẵn hộp đi, ngon hơn mà giá không chênh lệch mấy”. Nói rồi Tâm giới thiệu hộp bánh Danisa của Đan Mạch giá chỉ 50.000 đồng. Bất ngờ bởi bánh không thể có giá “bèo” đến vậy, Tâm xởi lởi: “Thực ra bánh này có giá cao hơn, muốn làm quen nên em bán giá mềm cho chị. Hàng này được sản xuất ở Thái Lan, nhưng em bảo đảm rất ngon và chất lượng. Nhìn bên ngoài không ai biết hàng của nước nào đâu”.
Bánh mứt không nhãn mác, phơi trần giữa chợ Bình Tây, quận 5, TPHCM. Ảnh: Uyên Phương
Tại chợ Xóm Chiếu (Q.4, TPHCM), chúng tôi còn được giới thiệu bánh Chocopai nhái theo Chocopie giá 18.000 đồng/hộp. Bà Bé - chủ hàng bánh kẹo nói: “Mua làm quà ở quê, thấy hình ảnh, thương hiệu “quen quen” là được rồi, ai quan tâm viết kiểu gì”. Bà Bé còn tiếp thị thêm kẹo sô-cô-la nhập từ Mỹ 15.000 đồng/kg được đổ chất đống trong rổ nhựa, không tên tuổi, xuất xứ. Bà giải thích, kẹo đóng trong cái bao lớn lắm, đi container từ Mỹ về hẳn hoi, tôi đổ ra để khách dễ lựa chọn.
“TPHCM đã thành lập các đội kiểm tra liên ngành, chuyên ngành, xử lý nghiêm các hành vi kinh doanh hàng hóa giả mạo bắt đầu từ đây đến hết ngày 15/2/2017. Trong đó lưu ý với các mặt hàng lương thực thực phẩm không bảo đảm an toàn và những cơ sở vi phạm, tái phạm nhiều lần nếu có dấu hiệu hình sự sẽ chuyển sang cơ quan điều tra, khởi tố”. Ông Phạm Thành Kiên - Giám đốc |
Tại chợ An Đông, có đủ các loại mứt: vỏ bưởi, cà chua, cóc, đu đủ, thơm, kiwi Thái Lan, óc chó, mắc ca, chà là Ấn Độ. Tất cả đều phơi trần trụi, mặc ruồi nhặng, kiến bâu quanh, giá khoảng 50.000 đồng/kg tùy loại.
Thấy có khách, tiểu thương vội cầm tờ báo huơ huơ đuổi ruồi, dùng tay bốc một lát kiwi đưa khách dùng: “Kiwi này được sấy khô tự nhiên, không hóa chất nên em thấy nó ngọt ghê chưa”. Chê hàng không bao bì, tiểu thương vồn vã: Em mua đi rồi muốn đóng bao bì của Úc, Mỹ gì chị cũng có. Chị đóng bao hút chân không đàng hoàng, đẹp không thua gì hàng ngoại, làm quà tết sang phải biết…
Tình trạng làm thực phẩm nhái, giả “đội lốt” hàng xịn diễn ra tràn lan. Mới đây, Đội Quản lý thị trường (QLTT) Củ Chi đã kiểm tra cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh kẹo nằm trên đường số 20, ấp Trung, xã Tân Thông Hội (H. Củ chi, TPHCM) do bà Võ Thị Bích Nga làm chủ. Tại hiện trường, hơn chục tấn thành phẩm và nguyên liệu đã hết hạn sử dụng gồm kẹo me, ô mai, mãng cầu, xí muội nằm ngổn ngang giữa nền nhà cáu bẩn. Người làm ở đây cho biết số hàng này chủ yếu cung cấp cho tiểu thương các chợ tại TPHCM và đem về các vùng quê tiêu thụ.
Khó xử lý
Tại hội nghị “Phòng chống kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng giả, gian lận thương mại vào bảo vệ môi trường trên địa bàn TPHCM” vừa qua, ông Nguyễn Thành Phương- Phòng nghiệp vụ Chi cục QLTT TPHCM thừa nhận, cơ quan chức năng không thể phân biệt hàng thật - hàng giả bởi chúng được sản xuất hết sức tinh vi. Theo ông Phương, hàng giả không chỉ được sản xuất tại Việt Nam mà còn từ nước ngoài chuyển vào. “Chỉ có những doanh nghiệp sản xuất hàng hóa mới có thể nhận diện. Tuy nhiên sự liên kết giữa doanh nghiệp và cơ quan chức năng còn yếu, nên hàng giả vẫn xuất hiện tràn lan”.
Để qua mặt cơ quan nhà nước, kẻ gian dùng nhiều thủ đoạn để đưa hàng giả có yếu tố nước ngoài vào Việt Nam. Cụ thể, chúng đưa hàng giả dưới dạng sản phẩm chưa hoàn chỉnh ở một nơi, sau đó tiếp tục lắp ráp, đóng gói thành phẩm ở một nơi khác. Khi có đơn hàng, hàng hóa mới được gắn nhãn mác giả mạo nhãn hiệu, nguồn gốc xuất xứ vào giao cho khách. Hàng sản xuất đến đâu, tiêu thụ đến đó nên rất khó phát hiện.
Đại diện Công ty Unilever Việt Nam cho biết, nhiều thương hiệu của công ty thường xuyên bị giả mạo, nhưng để xử lý thì “trần ai”, trừ khi bắt tận tay họ đang sản xuất, còn buôn bán ngoài thị trường thì… thua. Quản lý một công ty sản xuất bột nêm ngậm ngùi: “Nhiều lúc biết chắc nơi đó bán hàng giả mang tên mình cũng không dám làm gì; bởi nếu làm to chuyện, người tiêu dùng tẩy chay, đối thủ cạnh tranh thừa cơ triệt tiêu. Chỉ còn cách là lặng lẽ mua hết rồi đem về tiêu hủy”.
Bác sĩ Nguyễn Thị Huỳnh Mai - Chi cục phó Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm TPHCM khuyến cáo: “Đến hẹn lại lên, những dịp lễ, Tết là cơ hội cho các sản phẩm bánh kẹo, thực phẩm trôi nổi không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, không nhãn mác… tràn thị trường.
Trước khi cơ quan chức năng vào cuộc, người tiêu dùng phải tự bảo vệ mình bằng việc “nói không” với hàng hóa giá rẻ, không rõ xuất xứ, trôi nổi, không tiếp tay tiêu thụ các mặt hàng này. Khi nghi ngờ hàng hóa, có thể yêu cầu người bán trưng giấy tờ để đối chứng. Đồng thời, báo ngay với ban quản lý chợ hoặc các cơ quan chức năng để khiếu nại. Tốt nhất chỉ nên mua hàng tại những cơ sở sản xuất uy tín, có nguồn gốc xuất xứ, thời hạn sử dụng, thành phần... rõ ràng”.
Hà Nội lập 6 đoàn thanh tra an toàn thực phẩm Theo kế hoạch bảo đảm an toàn thực phẩm phục vụ Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Đinh Dậu và lễ hội năm 2017 vừa được UBND TP Hà Nội ban hành, sẽ có 6 đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành ATTP. Các đoàn kiểm tra sẽ tập trung vào các nhóm sản phẩm tiêu thụ nhiều trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán và lễ hội năm 2017. Đối tượng thanh tra, kiểm tra chủ yếu là các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố. 6 đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành ATTP triển khai từ ngày 20/12/2016 đến 25/3/2017. Tú Anh |