Siêu thị không còn...phớt lờ nhà cung cấp

Các siêu thị cũng lắng nghe đề nghị của doanh nghiệp và mạnh tay loại bỏ các loại “phí không chính thức”.

Lâu nay, chuyện đưa hàng mới vào siêu thị quá khó khăn, muốn hàng vào siêu thị phải lót tay, mức chiết khấu ngày càng tăng cao… khiến nhiều doanh nghiệp (DN) bức xúc.

Khó đưa hàng mới vào siêu thị

Ông Lê Hồng Thắng, Tổng Giám đốc Công ty Gỗ Đức Thành, kể muốn đưa một sản phẩm mới vào siêu thị mất khá nhiều thời gian, từ hai đến ba tháng. “Lý do vì phải qua rất nhiều khâu xét duyệt của siêu thị. Hơn nữa, các siêu thị thường lo ngại khi nhập sản phẩm mới thì doanh số bán hàng không đạt chỉ tiêu như mong muốn. Chính điều này khiến khách hàng không có cơ hội tiếp cận với sản phẩm mới” - ông Thắng phân tích.

Không chỉ vậy, theo ông Thắng, hiện nay mức chiết khấu tại siêu thị ngoại cao hơn siêu thị nội nhiều và thường tăng theo thời gian, năm sau cao hơn năm trước. Điều này gây áp lực rất lớn cho DN nội trong việc cạnh tranh giá bán so với sản phẩm ngoại nhập cùng loại. Ông Thắng dẫn chứng: “DN bán sản phẩm mà phải chiết khấu cho siêu thị đến 10%. Tổng mức chiết khấu cao như vậy thì DN còn đâu lợi nhuận”.

Cùng gặp khó khăn tương tự, đại diện Công ty Cổ phần Bánh kẹo Hữu Nghị nêu thực tế một số siêu thị yêu cầu DN khi muốn đưa một sản phẩm mới vào siêu thị thì buộc phải rút bỏ một sản phẩm cũ. Đó là chưa kể những chi phí mà DN phải “hỗ trợ” siêu thị theo tháng, quý, năm khá cao và ngày càng tăng làm khó DN. Đồng tình, một DN khác cho hay ngoài các loại phí chính thức, DN còn phải chi thêm nhiều khoản “phí không chính thức”, phí “lót tay” cho nhân viên siêu thị để hàng được đưa lên quầy kệ, nếu không hàng sẽ bị nhét trong kho.

Siêu thị không còn...phớt lờ nhà cung cấp - 1

Giữa doanh nghiệp và siêu thị cần có sự chia sẻ. Trong ảnh: Khách đang mua hàng tại siêu thị. Ảnh: TÚ UYÊN

Phó Tổng Giám đốc TH True Milk Ngô Minh Hải nhận xét việc cung ứng hàng trong siêu thị có những quy định, điều khoản khiến DN phải tính toán rất nhiều để có thể duy trì hàng ở kênh phân phối này. Hệ quả là nhà cung cấp không thể đa dạng hóa sản phẩm của mình tại hệ thống siêu thị.

“Để được tham gia trong bản tin khuyến mãi của siêu thị DN phải chiết khấu từ 12% trở lên. Giá bán hàng trong siêu thị cao hơn nhiều so với kênh truyền thống dẫn tới sự so sánh của người tiêu dùng khi mua sản phẩm tại siêu thị” - ông Hải cho biết thêm.

Dấu hiệu đáng mừng

Trước những bức xúc của DN, ông Hong Won Sik, Tổng Giám đốc Lotte Mart Việt Nam, lý giải các nhà bán lẻ đều hướng đến mục tiêu chung là làm sao đưa các mặt hàng tốt nhất với giá hợp lý đến tay người tiêu dùng. Nếu sản phẩm của DN đưa ra không phù hợp với yêu cầu, tiêu chí của khách hàng thì siêu thị rất khó bán, do đó các siêu thị phải cân nhắc.

“Khi khách hàng không có nhu cầu hay đánh giá sản phẩm của DN không được tốt thì siêu thị sẽ cùng với nhà cung cấp chia sẻ. Chẳng hạn như triển khai các chương trình khuyến mãi, giảm giá… để sản phẩm đó đến người tiêu dùng dễ dàng hơn. Đây là nhiệm vụ chung của nhà sản xuất lẫn nhà phân phối” - ông Sik nêu quan điểm.

Liên quan đến vấn đề phải lót tay nếu muốn đưa hàng vào siêu thị, ông Hong Won Sik khẳng định: “Chúng tôi đã áp dụng các biện pháp xử lý nghiêm khắc khi phát hiện có tiêu cực. Ví dụ khi phát hiện nhân viên siêu thị nhận lót tay từ nhà cung cấp, chúng tôi lập tức sa thải. Chúng tôi cũng đã chấm dứt hợp tác với nhiều nhà cung cấp có nhân viên lót tay cho nhân viên của siêu thị để được đưa hàng vào siêu thị”.

Không chỉ sa thải, theo ông Sik, những người vi phạm còn bị đưa vào danh sách đen, dán ở trước phòng tiếp khách để làm bài học cho người khác. “Trước đây chúng tôi phát hiện khá nhiều trường hợp vi phạm và họ đã bị sa thải, ngưng làm việc. Đến nay thông qua những biện pháp quyết liệt như vậy, hiện tượng lót tay đã giảm rất nhiều. Quá trình giao dịch giữa các nhân viên thu mua của siêu thị với các nhà cung cấp ngày càng minh bạch hơn, lành mạnh hơn. Chúng tôi cam kết sẽ tiếp tục kiên quyết xử lý để dẹp bỏ nạn lót tay” - ông Sik nhấn mạnh.

Ghi nhận những tín hiệu tích cực từ phía các siêu thị, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Saigon Food Lê Thị Thanh Lâm chia sẻ thời gian gần đây sau khi các hiệp hội, cơ quan chức năng vào cuộc tổ chức các hội nghị kết nối giữa các nhà sản xuất với hệ thống phân phối thì các siêu thị có sự thay đổi đáng kể trên nhiều mặt. Chẳng hạn như Vingroup hỗ trợ chiết khấu với mức bằng 0% cho DN Việt, Saigon Co.op cũng tổ chức hội nghị nhà cung cấp để nắm bắt, lắng nghe ý kiến của DN. Qua đó DN cũng biết được những mong muốn, yêu cầu của siêu thị để đáp ứng.

“Đặc biệt, mới đây một số hệ thống siêu thị ngoại đã đề nghị được đến tham quan nhà máy sản xuất và bàn chương trình hợp tác với DN. Chúng tôi nhận thấy đây là sự thay đổi lớn vì trước đây DN không được các nhà bán lẻ quan tâm. Thậm chí hơn 10 năm qua, DN nhiều lần mời siêu thị đến tham quan nhà máy sản xuất nhưng bị phớt lờ. Nay có những siêu thị chủ động đề nghị như vậy là dấu hiệu rất đáng mừng” - bà Lâm nói.

Không làm theo kiểu "đùng một cái"

Bà Lê Thị Thanh Lâm cho rằng các siêu thị cần tôn trọng DN, lắng nghe ý kiến từ DN. Không nên làm theo kiểu đùng đùng gửi thông báo ngắn gọn là “siêu thị sắp ngưng bán sản phẩm của DN” vì không đạt doanh số. DN cần được chia sẻ, cần có thông tin đầy đủ để có kế hoạch sản xuất cho phù hợp với nhu cầu của siêu thị và khách hàng.

Đồng quan điểm, ông Ngô Minh Hải đề nghị các siêu thị nên căn cứ tình hình kinh doanh của nhà cung cấp để đưa ra mức chiết khấu hợp lý, giảm chi phí kê khai sản phẩm mới. Đặc biệt, cần thay đổi quy định khi đăng ký bán một mã sản phẩm mới thì phải loại bỏ một mã hàng cũ. Từ đó nhằm đảm bảo chính sách giá bán cho khách hàng hợp lý, giảm thiểu khoảng cách giá bán giữa kênh siêu thị và kênh truyền thống.

____________________________________

Những quy định về an toàn thực phẩm khi đưa hàng vào siêu thị chưa được thực hiện một cách đồng bộ và rõ ràng giữa hàng Việt và hàng ngoại. Đối với hàng hóa Việt thì được quản lý rất chặt chẽ, trong khi hàng hóa ngoại nhập thì không.

Ông LÊ HỒNG THẮNG, Tổng Giám đốc Công ty Gỗ Đức Thành

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tú Uyên (Pháp luật TPHCM)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN