Siết chặt việc quản lý thực phẩm “sạch” bày bán trên thị trường
Lợi dụng sự tin tưởng của người tiêu dùng với “thực phẩm sạch”, nhiều mặt hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ đã biến hóa nhiều cách để được bày bán trong siêu thị, trung tâm thương mại với giá thành cao gấp 2 - 3 lần.
Thời gian qua, thông tin về việc rau củ quả từ các chợ đầu mối được “phù phép”, “biến hóa” thành rau VietGAP đưa vào hệ thống siêu thị tại Tp.HCM đang là nỗi lo lắng của người tiêu dùng và cũng là vấn đề đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận xã hội.
Một lần nữa, dư luận lại “dậy sóng” với cụm từ “rau bẩn”.
Mua hàng bằng…niềm tin
Hiện nay, nhiều loại thực phẩm như rau củ, thịt cá, trái cây, gạo, trứng… đang được nhiều nhà sản xuất, doanh nghiệp dán nhãn “sạch”, “an toàn” với lời quảng cáo rầm rộ trên các trang mạng. Tuy nhiên, theo cơ quan chức năng, các sản phẩm này đa số chưa qua kiểm tra, chứng nhận chất lượng để đạt sản phẩm sạch. Bản thân người tiêu dùng, khi mua các thực phẩm “sạch” cũng chọn mua bằng niềm tin từ lời rao bán của doanh nghiệp, nhà phân phối.
Ghi nhận tại các siêu thị tại Tp.Hồ Chí Minh, một số thương hiệu gạo uy tín như Tứ Quý, Ngọc Đồng, Thỏ Việt… sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, được nhiều người tiêu lựa chọn. Giá các loại gạo sạch này dao động từ 24.000 - 32.000 đồng/kg. Trong khi đó, tại các sạp, đại lý gạo tại các chợ, các cửa hàng gạo, người bán cũng đua nhau giới thiệu các loại gạo “sạch” được bán khá rẻ với giá chỉ 17.000 - 18.000 đồng/kg. Chưa kể, trên các trang mạng xã hội, các loại gạo “sạch” cũng được bày bán khá nhiều với mức giá từ 15.000 đồng/kg đến 40.000 đồng/kg tùy loại. Theo lời rao quảng cáo của người bán gạo sạch, gạo được sản xuất từ các vùng đất mới theo quy trình hiện đại, không tồn dư hóa chất và kèm theo đó là hàng loạt tính năng hỗ trợ về dinh dưỡng, đường huyết, giúp phòng ngừa nhiều chứng bệnh...
Ngoài mặt hàng gạo, các mặt hàng trứng, rau củ quả, thủy hải sản, thịt "sạch" cũng được bày bán tràn lan trên các trang mạng xã hội, các cửa hàng... với giá cao. Cụ thể, cá chép ngoài chợ có giá 75.000 - 80.000 đồng/kg thì tại cửa hàng thực phẩm sạch, giá bán lên tới 140.000 - 150.000 đồng/kg; sườn non ngoài thị trường bán với giá khoảng 130.000 - 150.000 đồng/kg thì ở cửa hàng thực phẩm sạch giá sẽ là 180.000 - 210.000 đồng/kg...
Bản thân người tiêu dùng, khi mua các thực phẩm “sạch” cũng chọn mua bằng niềm tin từ lời rao bán của doanh nghiệp, nhà phân phối.
Chị Nguyễn Minh Hiệp, ngụ ở quận Gò Vấp cho biết: "Do tin tưởng vào các lời quảng cáo và uy tín của doanh nghiệp, đồng thời vì lo cho sức khỏe của gia đình nên ai cũng có tâm lý chọn mua thực phẩm an toàn, thực phẩm sạch. Bản thân tôi cũng vậy, tôi bắt đầu chọn mua thực phẩm sạch ở các cửa hàng thực phẩm sạch đã 3 năm nay. Dù giá thực phẩm sạch cao hơn so với ngoài chợ hay siêu thị song vì tin tưởng vào "mác" thực phẩm sạch, tôi vẫn chấp nhận mua để được yên tâm khi dùng thực phẩm".
Tuy nhiên, theo chị Minh Hiệp, qua vụ việc rau xanh được lấy từ chợ đầu mối gắn mắc rau đạt chuẩn VietGap và tuồn vào hệ thống phân phối bán lẻ hiện đại đã khiến chị và nhiều người tiêu dùng mất niềm tin vào các lời rao về “rau sạch” của các doanh nghiệp. "Mất niềm tin đã đành, nhưng ai sẽ chịu trách nhiệm cho sức khỏe, quyền lợi người tiêu dùng khi mỗi ngày khách hàng đều phải bỏ ra số tiền lớn mua thực phẩm an toàn tại các hệ thống phân phối hiện đại nhưng lại nhận về là loại rau gắn mác thực phẩm sạch", chị Minh Hiệp bày tỏ bức xúc với Báo Tin tức.
Bao giờ mới hết nỗi lo?
Hiện nay, để kiểm soát thực phẩm “sạch”, nhiều nhà bán lẻ hiện đại đã và đang siết chặt các quy định về chọn lựa hàng hóa đầu vào, trong đó tiêu chí an toàn luôn được đặt lên hàng đầu. Cụ thể như tại Liên hiệp HTX Thương mại Tp.Hồ Chí Minh (Saigon Co.op), đơn vị chủ quản hệ thống siêu thị Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food… ý thức rõ trách nhiệm của mình trong công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và chất lượng hàng hóa cung ứng trên thị trường.
Ông Nguyễn Ngọc Thắng, Giám đốc vận hành chuỗi Co.opmart cho biết, trong quá trình kinh doanh, đơn vị thường xuyên thực hiện khảo sát, đánh giá trực tiếp quy trình sản xuất và các điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất cung cấp hàng hóa kinh doanh trong hệ thống. Ngay tại trung tâm phân phối, sản phẩm trước khi được đưa vào kinh doanh sẽ qua bước kiểm tra đầu vào đối với một số chỉ tiêu kháng sinh trong thủy hải sản, test nhanh dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, các chỉ tiêu vi sinh, chất tăng trọng và chất tẩy trắng.
Đối với công tác xét nghiệm, phòng Thí nghiệm của Saigon Co.op có công suất tối thiểu 24.000 mẫu/năm. Tại các điểm bán lẻ như Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food cũng có trang bị các thiết bị chuyên dụng cho các nhân viên kiểm soát chất lượng (QA) để kiểm tra nhanh chất lượng hàng hóa đầu vào như kiểm tra nhanh dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong rau củ quả, kiểm tra nhanh hàn the, formol trong thực phẩm… Tất cả những sản phẩm không đạt yêu cầu sẽ bị loại ra khỏi quầy kệ kinh doanh ngay lập tức.
Theo các chuyên gia an toàn vệ sinh thực phẩm, việc lấy mẫu kiểm tra, phân tích có ý nghĩa rất quan trọng trong phục vụ công tác giám sát an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, thực tế số lượng mẫu để được kiểm tra còn là khiêm tốn. Kết quả test nhanh mới chỉ có tính chất sàng lọc một số hoạt chất cơ bản, chưa phải là test chuyên sâu. Test chuyên sâu đòi hỏi phải nhiều ngày mới cho kết quả trong khi đặc thù thực phẩm tươi sống có thời hạn sử dụng ngắn, nếu test cho kết quả không vi phạm thì cơ quan chức năng phải đền bù thiệt hại cho chủ hàng. Trường hợp không giữ hàng, chỉ chọn mẫu test ra kết quả vi phạm thì hàng hóa cũng đã được bán đi, chỉ có thể phạt nguội, truy xuất nguồn gốc, cảnh báo.
Để kiểm soát được thực phẩm an toàn từ gốc đến ngọn vẫn phải đòi hòi những giải pháp đồng bộ, trước tiên cần phải tăng cường, phân định rõ trách nhiệm của các ngành chức năng, từ trung ương đến cơ sở trong công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát các khâu sản xuất, chế biến, nhập khẩu thực phẩm trước khi đưa vào lưu thông, tiêu dùng.
Trao đổi với TTXVN, bà Phạm Khánh Phong Lan cho biết, trong những năm vừa qua, kết quả lấy mẫu kiểm nghiệm các loại thực phẩm tại Tp.Hồ Chí Minh có kết quả 95% đạt yêu cầu, còn 5% đạt vi phạm. Riêng đối với những mặt hàng thuộc chuỗi thực phẩm an toàn từ trang trại đến bàn ăn, đạt tỷ lệ 97%. Nhưng đây là con số tổng thể, mang tính đại diện chứ các cơ quan chức năng không thể kiểm nghiệm tất cả mọi thứ trong khi tình hình sản xuất, chế biến, kinh doanh trái luật ngày càng tinh vi và ảnh hưởng nghiêm trọng hơn đến đời sống…
“Ngay cả phía Ban Quản lý ATTP, mặc dù công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra lấy mẫu kiểm nghiệm là thường xuyên nhưng số lượng công việc phải làm rất nhiều, chưa kể còn tùy thuộc vào ngân sách”, bà Phong Lan lý giải.
Vì vậy, để kiểm soát được thực phẩm an toàn từ gốc đến ngọn, theo bà Phong Lan vẫn phải đòi hòi những giải pháp đồng bộ, trước tiên cần phải tăng cường, phân định rõ trách nhiệm của các ngành chức năng, từ trung ương đến cơ sở trong công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát các khâu sản xuất, chế biến, nhập khẩu thực phẩm trước khi đưa vào lưu thông, tiêu dùng; công tác kiểm tra về ATTP cần được tiến hành thường xuyên, định kỳ, mở rộng và kiểm tra sâu hơn…
Trong bối cảnh công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ, cần đổi mới, tăng cường nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong quản lý ATTP, nhanh chóng ứng dụng mạnh mẽ hơn nền tảng công nghệ số, mã vạch… để giúp người tiêu dùng truy xuất nguồn gốc, tiêu chuẩn chất lượng thực phẩm nhanh chóng nhất.
Bên cạnh đó, chia sẻ với Diễn đàn doanh nghiệp, chuyên gia thương mại Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội cho rằng, mức xử phạt nhẹ cũng là nguyên nhân để các siêu thị tiếp tục kinh doanh hàng hóa kém chất lượng. Thêm vào đó, các siêu thị hoạt động chưa thực sự chuyên nghiệp, chưa chú trọng đến chính sách phát triển bền vững của siêu thị, đặc biệt là vấn đề nhân sự. Do đó đã xảy ra hàng loạt vấn đề như đã đề cập.
Nhiều ý kiến cho rằng, muốn giải quyết triệt để vấn đề này, các doanh nghiệp cần liên kết để sản xuất tốt hơn và cùng nhau làm thực phẩm sạch. Nguồn gốc của sản phẩm là tiêu chí rất quan trọng, do đó, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh cần trung thực trong việc cung cấp thông tin nguồn gốc sản phẩm giúp người tiêu dùng lựa chọn được sản phẩm an toàn. Đặc biệt, hãy nói không với thực phẩm “bẩn”.
Thế nào là thực phẩm sạch?
Chia sẻ định nghĩa về thực phẩm "sạch", bác sĩ Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng cho biết, thực phẩm sạch là thực phẩm không chứa chất độc hại hoặc chất bẩn, không gây ảnh hưởng trực tiếp và kéo theo những hậu quả khôn lường cho sức khỏe của người dùng. Những chất gây hại này đã được công bố, kiểm nghiệm kỹ càng từ phía các cơ quan chức năng.
Tuy nhiên, theo đại diện Ban An toàn thực phẩm Tp.Hồ Chí Minh, thực phẩm sạch, an toàn phải có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và đáp ứng yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng như VietGAP, GlobalGap cũng như tiêu chuẩn hữu cơ. Theo đó, để đạt tiêu chuẩn VietGAP, thực phẩm sạch cần đảm bảo về kỹ thuật sản xuất khoa học, đúng chuẩn; thực phẩm không chứa các chất hóa học, chất độc hại; nguồn gốc sản phẩm rõ ràng, việc tìm kiếm nguồn gốc này phải thuận lợi...
Đối với tiêu chuẩn GlobalGap, thực phẩm cần đáp ứng một số tiêu chí như: môi trường nuôi trồng sạch sẽ; không sử dụng hóa chất độc hại; bao bì sản phẩm rõ ràng; điều kiện làm việc của người lao động tốt; quá trình kiểm tra, giám sát sản xuất được thực hiện đúng quy trình, quy củ, nghiêm túc. Đối với các tiêu chuẩn hữu cơ yêu cầu thực phẩm"sạch" phải thỏa mãn 4 tiêu chí: không hóa chất, không chất kích thích, không sử dụng các chất biến đổi gen, không dùng phân bón hóa học.
Nguồn: [Link nguồn]
Chỉ trong 8 tháng đầu năm 2022, Việt Nam đã chi gần 473 triệu USD nhập khẩu rau quả từ Trung Quốc, tăng đến 64% so với năm ngoái