Sếp Hiệp hội xăng dầu ủng hộ tăng thuế môi trường lên 8.000 đồng/lít

Ông Phan Thế Ruệ, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, cho biết ông ủng hộ tăng thu thuế môi trường với xăng dầu lên 8.000 đồng/lít để bù đắp hụt thu.

Sáng 16-5, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam đã tổ chức Hội thảo "Thị trường xăng dầu Việt Nam và vấn đề thể chế". Ông Phan Thế Ruệ, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, bày tỏ quan điểm đồng tình với việc sớm điều chỉnh tăng thuế nội địa đối với mặt hàng xăng dầu, trong đó ít nhất là đưa thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế bảo vệ môi trường chiếm trên 50% cơ cấu giá để đảm bảo thu ngân sách nhà nước.

Sếp Hiệp hội xăng dầu ủng hộ tăng thuế môi trường lên 8.000 đồng/lít - 1

Ông Phan Thuế Ruệ, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam

"Động tĩnh tăng thuế môi trường lên 8.000 đồng/lít đã có nhưng chưa có lộ trình cụ thể đến năm nào. Về việc này, người dân phải có nghĩa vụ nộp thuế, nộp ngân sách. Phần thu nhà nước rất quan trọng" – ông Ruệ nhấn mạnh.

Lý giải, đại diện Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cho rằng thuế nhập khẩu sắp tới đây sẽ giảm tiếp xuống 0% thì phải tăng thuế khác để bù vào. "Rõ ràng đây là trách nhiệm của công dân với đất nước. Nếu giảm thuế nhập khẩu mà tăng thuế nội địa thì giá bán lẻ xăng dầu không thay đổi, giá vẫn thế. Vì giá bán lẻ phụ thuộc vào nhiều loại thuế, tăng cái này, giảm cái kia thì vẫn không thay đổi"- lãnh đạo Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam khẳng định.

Ông Phan Thế Ruệ cũng cho biết thêm Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam đã nhiều lần nêu đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu để góp phần bù đắp ngân sách.

Liên quan tới nội dung này, ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước - Bộ Công Thương, cho biết về các loại thuế, hiện Chính phủ đang rà soát. Trong đó, đối với các sắc thuế nội địa như thuế bảo vệ môi trường, sẽ rà soát theo hướng phù hợp với lộ trình giảm thuế nhập khẩu.

Đáng lưu ý, đại diện Bộ Công Thương cũng nhấn mạnh: "Nói khung thuế lên 8.000 đồng/lít nhưng đấy là mức tối đa, khi điều chỉnh còn phụ thuộc vào sức chịu đựng của nền kinh tế để làm sao cho phù hợp. Khung là khung cho phép, còn điều chỉnh thế nào thì Chính phủ sẽ có tính toán cẩn thận để đảm bảo lợi ích của người dân, nhà nước, doanh nghiệp".

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ph.Nhung (Người lao động)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN