Sẽ tăng thuế rượu bia, thuốc lá
Năm 2016, thuốc lá, bia rượu sẽ tăng thuế suất thêm 5%.
“Nhà nước chỉ đầu tư vào hai lĩnh vực quan trọng: sản xuất kinh doanh phục vụ an ninh quốc phòng và những nhiệm vụ cơ hữu. Tức là doanh nghiệp nhà nước (DNNN, do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ) chỉ được hoạt động trong hai lĩnh vực này. Những đơn vị đang đầu tư ngoài hai lĩnh vực nêu trên sẽ phải thoái vốn”. Đó là điểm nổi bật của Luật Quản lý sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại DN (gọi tắt là Luật Quản lý vốn) được thứ trưởng Bộ Tài chính Hoàng Anh Tuấn cho biết tại buổi họp báo của Văn phòng Chủ tịch nước công bố một số luật vào sáng 12-12.
Thu hẹp lĩnh vực hoạt động của DNNN
Cụ thể, theo Luật Quản lý vốn, DNNN chỉ hoạt động trong lĩnh vực cung ứng, dịch vụ thiết yếu cho xã hội; trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh; lĩnh vực độc quyền tự nhiên và ứng dụng công nghệ cao… Những DN có vốn của Nhà nước nhưng không phải DNNN (không nắm 100% vốn nhà nước) sẽ phải thoái vốn nhà nước bằng cách chuyển đổi sở hữu và sắp xếp lại DN, chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại DN, chuyển nhượng vốn nhà nước đầu tư tại công ty cổ phần, công ty TNHH hai thành viên trở lên.
Thuế suất bia sẽ tăng từ 50% lên 55% vào năm 2016. Ảnh: PV
“Lộ trình thoái vốn nhà nước tại các DN được Quốc hội giao cho Chính phủ, cụ thể là Bộ Tài chính xây dựng. Lộ trình này được xây dựng trong đề án tái cơ cấu DNNN để thực hiện trong vòng ba năm tới. Hiện nay, 2/3 đơn vị đã xây dựng xong đề án, còn 1/3 đơn vị chưa xong trong năm nay phải thực hiện xong để trình Chính phủ ra quyết định chung thực hiện việc thoái vốn” - Thứ trưởng Hoàng Anh Tuấn cho biết.
Hiện nay có hơn 700 DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ hiện hành. Dự kiến sau khi hoàn tất cổ phần hóa 432 DN vào năm 2015 thì còn lại khoảng 300 DNNN. Số DN này chủ yếu là các tập đoàn, tổng công ty lớn của Nhà nước, nắm giữ số vốn rất lớn. Tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, đại biểu Trần Hoàng Ngân cho biết hiện nay vốn nhà nước đang nằm trong các DNNN là hơn 1 triệu tỉ đồng. Tuy nhiên, số tiền này đang nằm rải rác, phân tán nhiều nơi không rõ ai quản lý.
Chú ý thủ tục
Sáng cùng ngày, Luật DN sửa đổi và Luật Đầu tư sửa đổi cũng đã được công bố. Hai luật này thể chế hóa quyền tự do kinh doanh của DN, để DN được kinh doanh tất cả những gì pháp luật không cấm. Ngoài ra, luật này cũng bãi bỏ thủ tục về đăng ký mẫu dấu của DN, để DN tự quyết định nội dung, hình thức và số lượng con dấu. Đặc biệt, Luật DN sửa đổi đã rút ngắn thời hạn giải quyết thủ tục đăng ký kinh doanh tối đa không quá ba ngày...
“Một trong những điểm khác biệt của Luật DN so với các luật khác là quy định thời điểm tính thời hạn xử lý hồ sơ được tính từ khi nhận hồ sơ chứ không phải khi nhận hồ sơ hợp lệ. Vì vậy khi công chức nhận hồ sơ của người dân thì coi như đó là hồ sơ hợp lệ. Điều này tránh chuyện đến giờ chót cán bộ, công chức yêu cầu chỗ này là dấu chấm phẩy chứ không phải dấu phẩy, chỗ này viết hoa chứ không phải viết thường… để trả lại hồ sơ cho người dân” - TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, nhấn mạnh.
Cạnh đó, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều tại các luật về thuế cũng được công bố trong sáng cùng ngày. Theo đó, thuế suất đối với thuốc lá sẽ tăng từ 65% lên 70% từ đầu năm 2016, đến đầu năm 2019 sẽ tăng từ 70% lên 75%. Còn thuế suất đối với bia cũng tăng từ 50% lên 55% vào năm 2016 và tăng lên 60% từ năm 2017 và lên 65% vào năm 2018…
Ngoại trừ hai luật liên quan đến thuế có hiệu lực từ 1-1-2015, các luật còn lại sẽ có hiệu lực vào 1-7-2015.
Không bỏ giấy khai sinh khi có thẻ căn cước Cũng trong sáng 12-12, Luật Hộ tịch, Luật Thi hành án dân sự và Luật Giáo dục nghề nghiệp được công bố. Trả lời câu hỏi của báo chí về việc có cần thiết giữ giấy khai sinh khi đã có thẻ căn cước công dân không, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc khẳng định Bộ Tư pháp và Bộ Công an đã thống nhất giữ giấy khai sinh và giấy đăng ký kết hôn. Theo Thứ trưởng Ngọc, suy nghĩ khi có thẻ căn cước công dân rồi người dân cần gì giữ giấy khai sinh nữa là một hiểu lầm rất lớn. Thẻ căn cước cấp cho người từ 14 tuổi, còn giấy khai sinh là giấy tờ ban đầu của một con người khi chào đời. Nó là giấy tờ quan trọng không chỉ có giá trị ở Việt Nam mà có giá trị cả thế giới và được thừa nhận chung ở mọi nơi trên thế giới. Cả hai Luật Căn cước và Luật Hộ tịch nói rất rõ điều này. “Toàn bộ thông tin trên giấy tờ nếu có sai sót gì thì điều quan trọng vẫn là giấy tờ ban đầu, giấy chào đời của một con người” - Thứ trưởng Ngọc nhấn mạnh. |