Sẽ cấm được DN bán hàng đa cấp lôi kéo khách hàng?

Một số DN không tuân thủ các quy định pháp luật, người tham gia bán hàng đa cấp (BHĐC) cũng như hệ thống pháp luật điều chỉnh hoạt động này còn có nhiều bất cập đang dẫn tới làn sóng phản đối mạnh mẽ từ dư luận.

Tuy nhiên, theo ông Bạch Văn Mừng - Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương), tình trạng này sẽ sớm chấm dứt khi Nghị định 42/2014/NĐ-CP đã bắt đầu có hiệu lực từ 1/7.

Nâng mức ký quỹ lên thấp nhất là 5 tỷ

Theo ông Phan Đức Quế, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương), Nghị định số 42/2014/NĐ-CP đã đưa ra cơ chế sàng lọc cơ bản từ khâu gia nhập thị trường với yêu cầu các doanh nghiệp muốn đăng ký tổ chức hoạt động BHĐC phải có vốn pháp định 10 tỷ đồng và phải ký quỹ bằng tiền mặt 5% vốn điều lệ, nhưng không thấp hơn 5 tỷ đồng.

Đại diện công ty Amway cho rằng: “Điều này có thể khiến những doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp không ít khó khăn vì 5 tỷ đồng ký quỹ không phải là một con số nhỏ nhưng nó là cách ràng buộc các doanh nghiệp phải có trách nhiệm với niềm tin của người tiêu dùng”.

Cũng theo quy định mới, thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động BHĐC nay được giao cho Bộ Công Thương thay vì các Sở như quy định trước đây. Giấy chứng nhận cấp lần đầu cho DN BHĐC nay cũng chỉ có thời hạn 5 năm, sau đó doanh nghiệp có thể được gia hạn nhiều lần, nhưng mỗi lần cũng chỉ là 5 năm.

Trong trường hợp doanh nghiệp ngừng hoạt động trong thời hạn 12 tháng liên tục kể từ ngày được cấp Giấy Chứng nhận đăng ký hoạt động BHĐC hoặc tạm ngừng hoạt động quá 12 tháng liên tục..., đều bị chấm dứt hoạt động.

“Nghị định sẽ là hành lang pháp lý thuận lợi cho các doanh nghiệp BHĐC chân chính, hoạt động tuân thủ pháp luật, có chiến lược sẽ tiếp tục phát triển bền vững, đóng góp tốt hơn cho nền kinh tế xã hội và giúp sàng lọc những doanh nghiệp bất chính ra khỏi lĩnh vực này”, ông Mừng nói.

Sẽ cấm được DN bán hàng đa cấp lôi kéo khách hàng? - 1

Ảnh minh họa

Cấm kinh doanh theo mô hình kim tự tháp

Một điểm đáng chú ý của Nghị định 42 là cấm kinh doanh theo mô hình kim tự tháp. Điều này có nghĩa là cấm doanh nghiệp trả thu nhập của người tham gia từ  việc tuyển dụng người tham gia mới, hoặc việc gia hạn hợp đồng của người đã tham gia, hoặc phí, tiền đặt cọc hoặc khoản đầu tư của người tham gia trong mạng lưới.

Để tránh tình trạng lừa đảo, lôi kéo người tham gia BHĐC, Nghị định 42 quy định rõ: người tham gia BHĐC không được cung cấp thông tin sai lệch hoặc gây nhầm lẫn về lợi ích của việc tham gia BHĐC, tính chất, công dụng của hàng hoá, hoạt động của doanh nghiệp BHĐC để dụ dỗ người khác tham gia BHĐC...

Theo số liệu thống liệu thống kê từ Cục Quản lý cạnh tranh– Bộ Công Thương, tính đến hết năm 2013, có hơn 1 triệu người tham gia BHĐC trong 102 doanh nghiệp, đóng góp vào ngân sách hơn 1.000 tỷ đồng.

Để bảo vệ quyền lợi của người tham gia BHĐC, Nghị định cũng yêu cầu doanh nghiệp BHĐC không được yêu cầu người tham gia phải đặt cọc hoặc đóng một khoản tiền nào; người tham gia BHĐC cũng không phải mua bất kỳ số lượng hàng hoá nào…

Tuy nhiên, người tham gia BHĐC cũng phải trải qua khóa đào tạo và chỉ được thực hiện hoạt động BHĐC sau khi được cấp Thẻ thành viên. Và chỉ những người được cấp Chứng chỉ đào tạo viên theo mẫu của Bộ Công thương mới được đào tạo để tham gia BHĐC. Đây là điểm mới được bổ sung trên cơ sở Nghị định 110 về BHĐC trước đây còn thiếu hụt.

“Các quy định trong Nghị định đều hướng tới mục tiêu đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp của người tham gia BHĐC, doanh nghiệp BHĐC và quyền lợi của người tiêu dùng, đồng thời tạo một môi trường kinh doanh ổn định, bền vững và bình đẳng”, ông Mừng nói.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Cao Sơn (Giao thông vận tải)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN