Sẽ bêu tên các doanh nghiệp vận tải chây ì giảm cước
Ngay sau khi dư luận bức xúc khi giá xăng dầu liên tục giảm nhưng giá cước vận tải vẫn chậm giảm theo, Bộ Tài chính đã chính thức lên tiếng.
Trao đổi với báo giới, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý Giá (Bộ Tài chính), cho biết trường hợp những đơn vị vận tải cố tình chây ì không giảm giá cước, cơ quan có thẩm quyền sẽ tiến hành kiểm tra ngay, xử lý nghiêm theo quy định và công bố công khai để toàn xã hội và người tiêu dùng biết.
. Thưa ông, tại sao giá nhiên liệu đầu vào giảm giá liên tiếp nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn không chịu giảm?
+ Ông Nguyễn Anh Tuấn: Từ đầu năm 2015 đến nay, giá xăng Ron 92 được điều chỉnh tăng 4 lần với tổng mức tăng là 5.040 đồng/lít và điều chỉnh giảm 7 lần với tổng mức giảm 5.590 đồng/lít.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý Giá (Bộ Tài chính)
Trước bối cảnh giá xăng, dầu có xu hướng giảm nêu trên, căn cứ quy định của Luật giá, Bộ Tài chính đã có văn bản gửi Bộ Giao thông vận tải đề nghị chỉ đạo các tỉnh triển khai tăng cường công tác quản lý, bình ổn giá trên địa bàn, trong đó có việc yêu cầu và giám sát chặt chẽ việc kê khai giảm giá cước đối với dịch vụ vận tải bằng xe ô tô.
Tuy nhiên, thị trường vận tải hiện nay là thị trường có sự cạnh tranh cao, các đơn vị kinh doanh vận tải không chỉ cạnh tranh bằng giá cước vận tải mà còn trên nhiều tiêu chí khác như chất lượng dịch vụ, an toàn....
Theo quy định của Luật giá, giá cước vận tải bằng xe ô tô do doanh nghiệp vận tải tự quy định và niêm yết giá, kê khai giá cước với Sở Giao thông vận tải hoặc Sở Tài chính hoặc UBND cấp huyện theo sự phân công của của UBND tỉnh.
Do đó, trong bối cảnh nhiên liệu là một yếu tố cấu thành chính của giá thành vận tải có xu hướng giảm, các đơn vị kinh doanh vận tải phải điều chỉnh giảm giá cước vận tải theo quy luật của thị trường.
Trong trường hợp một số doanh nghiệp chưa giảm giá cước, cơ quan có thẩm quyền tại địa phương cần rà soát các đơn vị kinh doanh vận tải bằng ô tô trên địa bàn. Căn cứ chênh lệch giá nhiên liệu thực tế và phương án giá các đơn vị đã kê khai liền kề để yêu cầu các đơn vị kê khai lại giá cước vận tải phù hợp với xu hướng giảm giá nhiên liệu từ đầu năm 2015 đến nay.
Đặc biệt là những đơn vị kinh doanh vận tải bằng ô tô đã kê khai tăng giá tại thời điểm giá xăng, dầu tăng trong những tháng đầu năm 2015 phải xem xét giảm ngay. Trường hợp những đơn vị này cố tình chây ì không giảm giá cước, cơ quan có thẩm quyền tiến hành kiểm tra ngay, xử lý nghiêm theo quy định và công bố công khai để toàn xã hội và người tiêu dùng biết.
. Nhiều ý kiến cho rằng quy định về quản lý cước vận tải tại của Bộ Tài chính và Bộ Giao thông vận tải có một số bất cập như không quy định khi nào được tăng, khi nào được giảm giá, không quy định tỷ lệ nhiên liệu chiếm bao nhiêu % trong giá thành vận tải?
+ Như tôi đã phân tích, thị trường vận tải là thị trường có tính cạnh tranh cao. Theo quy định của Luật Giá thì Nhà nước thực hiện quản lý giá theo cơ chế thị trường; tôn trọng quyền tự định giá, cạnh tranh về giá của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, Nhà nước thực hiện điều tiết giá theo quy định của Luật Giá để bình ổn giá.
Hình minh họa.
Chi phí nhiêu liệu là một trong các chi phí cấu thành giá thành vận tải. Còn lại các chi phí khác như khấu hao, nhân công, bến bãi... tỷ lệ cơ cấu các khoản chi phí trong giá thành phụ thuộc vào quy mô của từng đơn vị, loại hình vận tải, loại xe..., Do đó, liên Bộ không quy định cụ thể tỉ trọng chi phí nhiên liệu. Giá cước vận tải bằng xe ô tô, do doanh nghiệp vận tải tự quy định và kê khai giá cước, niêm yết giá theo quy định.
Trong đó, để tạo điều kiện cho các đơn vị điều chỉnh giá cước linh hoạt, phù hợp với tín hiệu của thị trường, Thông tư liên tịch đã quy định trong trường hợp tăng, giảm giá so với mức giá đã kê khai liền kề trước đó trong phạm vi 3% so với mức giá đã kê khai liền kề trước đó, đơn vị không phải thực hiện kê khai lại. Mà chỉ phải gửi thông báo bằng văn bản về mức giá điều chỉnh cho cơ quan tiếp nhận văn bản kê khai giá trước khi áp dụng giá mới.
. Trong trường hợp cơ quan có thẩm quyền có văn bản yêu cầu các đơn vị vận tải kê khai giảm giá mà các đơn vị này vẫn cố tình chây ì thì cơ quan có thẩm quyền sẽ xử lý như thế nào?
+ Theo quy định hiện hành, các đơn vị kinh doanh vận tải thực hiện niêm yết giá và kê khai giá với cơ quan có thẩm quyền tại địa phương.
Theo đó, cơ quan có thẩm quyền tại địa phương cần tăng cường công tác quản lý và kiểm tra giá trên địa bàn, rà soát các đơn vị kinh doanh vận tải bằng ô tô trên địa bàn. Căn cứ chênh lệch giá nhiên liệu thực tế và phương án giá các đơn vị đã kê khai liền kề để xem xét có văn bản yêu cầu các đơn vị kê khai lại giá cước vận tải phù hợp với xu hướng giảm giá nhiên liệu từ đầu năm 2015 đến nay.
Trường hợp đơn vị không kê khai theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền sẽ bị xử lý theo quy định tại Nghị định số 109/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn và công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để toàn xã hội và người tiêu dùng biết.