Sau Tết, tiểu thương ra sức “chặt chém”

Khác với mọi năm, thị trường hàng hóa sau Tết Nguyên đán tại Hà Nội cũng như TPHCM nguồn cung không hề thiếu, nhất là mặt hàng rau xanh. Nhưng các loại dịch vụ như trông giữ xe, ăn uống... khách tiêu dùng bị “chặt chém” vô tội vạ.

Hà Nội: Giá dịch vụ tăng vô tội vạ

Theo báo cáo của 45 địa phương gửi về Bộ Tài chính, tính đến ngày 8.2.2013 các địa phương này đã hỗ trợ vốn vay lãi suất 0% cho các DN chủ lực dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường trong dịp tết với tổng kinh phí là 1.332 tỉ đồng, tập trung vào các mặt hàng thiết yếu như: Gạo, thịt, trứng gia cầm, dầu ăn, thủy hải sản, đường, rau củ, thực phẩm chế biến...

Cũng theo nhận định của Bộ Tài chính, năm 2012 gặp khó khăn về tiền lương, tiền thưởng tết của NLĐ, do vậy hàng hóa tiêu thụ chỉ tập trung từ ngày 25 âm lịch trở đi. Sau tết hàng hóa cung ứng ra thị trường vẫn lớn, lượng hàng hóa đa dạng về chủng loại, phong phú về mẫu mã hấp dẫn người tiêu dùng. Đại diện Cty CP thực phẩm Vinh Anh (Thường Tín - Hà Nội) - bà Thu Hằng - cho biết, dịp tết năm nay sức mua thị trường không cao.

Nhiều đơn vị 27 tết mới phát thưởng cho NLĐ. Đây cũng là nguyên nhân làm cho những ngày áp và sau tết nhiều mặt hàng thực phẩm tăng giá đột biến. Mặt khác, do các siêu thị nghỉ tết đã tạo điều kiện cho tư thương có cơ hội “chặt chém” người tiêu dùng “vô tội vạ”, nhất là ngày 30 tết có những mặt hàng tăng gấp đôi ngày thường như gà trống có giá 500.000đ/con thậm chí lên tới 700.000đ/con; thịt bò tăng từ 280.000đ/kg lên 370.000đ/kg… các dịch vụ trong dịp tết cũng bị tư thương tăng giá vô tội vạ, “chặt chém” khách du xuân.

Cụ thể như phí gửi ôtô tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Chợ Viềng Nam Trực (Nam Định) lên tới 100.000đ/xe, xe máy là 20.000đ/xe; dịch vụ hàng ăn tại khu vực chợ Thanh Xuân, chợ Bưởi 1 bát bún ốc 50.000-70.000 đồng… Tuy nhiên tại các chợ của Hà Nội hiện giá cả các mặt hàng sau tết không hề tăng giá đột biến, nhiều mặt hàng còn giữ giá và còn rẻ hơn những năm trước như rau xanh, thịt lợn (heo) do nghỉ dài ngày mọi người đi chơi xa nhiều nên sức tiêu thụ không lớn nên giá không tăng như những năm trước.

Cũng theo bà Hằng, sau ngày 9 tết thị trường sẽ trở về bình thường, bởi các siêu thị sẽ mở cửa trở lại sẽ thu hút khách hàng, cạnh tranh với chợ truyền thống bởi giá cả ổn định, chất lượng hàng hóa đảm bảo ATVSTP và mẫu mã hàng hóa phong phú đa dạng, nguồn gốc xuất xứ hàng hóa rõ ràng.

Sau Tết, tiểu thương ra sức “chặt chém” - 1

Qua Tết giá các loại rau tiếp tục tăng cao.

TPHCM: Nguồn hàng không thiếu, giá cả leo thang

Năm nay, các siêu thị ở TPHCM chuyên về thực phẩm tươi sống và hàng tiêu dùng nghỉ tết ít hơn. Ngay từ sáng ngày mùng 3 tết đã có một số siêu thị mở cửa. Dịp này, hầu như siêu thị nào cũng có chương trình lì xì và giảm giá hàng hóa. Ngày 12.2 tức mùng 3 tết, toàn bộ hệ thống siêu thị Big C trên toàn quốc mở cửa khai trương phục vụ khách hàng trở lại với hơn 700 mặt hàng giảm giá từ 5 - 50% kèm nhiều ưu đãi và quà tặng hấp dẫn.

Đợt giảm giá tân niên này, Big C chủ yếu tập trung giảm giá nhóm hàng thực phẩm tươi sống, đồ dùng gia đình,… Trong khi đó, chương trình Vui xuân Co.opmart – Hái lộc vàng tặng 36.000 bao lì xì tiền mặt cho những khách hàng đầu tiên có hóa đơn mua sắm trong khu tự chọn trị giá từ 500.000 đồng trở lên trên hệ thống Co.opmart cũng được triển khai. Ông Nguyễn Thành Nhân - Phó Tổng giám đốc Saigon Co.op - cho biết, các mặt hàng thiết yếu đã được siêu thị châm đầy quầy kệ, riêng một số mặt hàng dùng không thường xuyên, bắt đầu từ mùng 6 tết các nhà cung cấp cũng đã giao hàng, bảo đảm đủ các mặt hàng tiêu dùng cơ bản phục vụ khách. Giá các mặt hàng tại các siêu thị vẫn ổn định, nhiều mặt hàng rau - củ - quả, thịt cá còn rẻ hơn so với sản phẩm cùng loại bán tại chợ.

Tại các chợ, ngay từ ngày mùng 2 – 3 tết, các tiểu thương đã hoạt động trở lại nên nguồn hàng thực phẩm tươi sống được đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Tham khảo tại các chợ bán lẻ cho thấy, ngày 17.2 hầu hết các sạp hàng kinh doanh rau - củ - quả, thủy hải sản, thịt tươi sống đều đã hoạt động trở lại. Tuy nguồn hàng phong phú nhưng giá bán tại các chợ trong những ngày đầu năm mới như các loại thịt, cá, thủy hải sản đều được người bán tăng giá hơn mức thông thường trước tết. Nghêu ngày thường giá 45.000 đồng/kg thì nay 50.000 đồng/kg; tôm, cá, cua, thịt bò cũng được tăng giá thêm 5.000 – 10.000 đồng/kg. Nguồn hàng rau củ quả khá phong phú và mức tăng giá không nhiều; một số loại rau củ giá đã hạ nhiệt, trở lại mức giá ngày thường.

Duy chỉ có mặt hàng nấm rơm, nấm linh chi, nấm đùi gà, nấm bào ngư,… do nhu cầu tăng nên giá các loại nấm hiện tăng 10.000 – 20.000 đồng/kg so với trước tết. Giá nấm rơm hiện phổ biến tại các chợ ở mức 90.000 – 100.000 đồng/kg. Riêng về các hàng quán kinh doanh dịch vụ ăn uống, do năm nay mở cửa phục vụ tết không nhiều nên những quán ăn khai trương sớm đã thu hút thực khách. Hầu hết các hàng quán dịch vụ ăn uống lớn nhỏ tại TPHCM đều nhích giá bán 5.000 – 10.000 đồng/phần ăn so với trước tết.

Tại quán hủ tiếu Nam Vang Nhân quán trên đường Lê Đại Hành, quận 11, ngày thường giá ở mức 50.000 đồng/tô thì nay tăng lên 60.000 đồng/tô hủ tiếu. Tuy vậy, lượng khách đến ăn vẫn kín hết cả quán, thậm chí có lúc không còn chỗ ngồi. Tương tự, các quán cơm tấm Thuận Kiều, Kiều Giang tại khu vực quận 1 cũng điều chỉnh giá tăng 5.000 – 10.000 đồng/phần ăn. Ngay cả những quán phở, hủ tiếu bình dân tại các con hẻm ở quận 1 ngày thường giá chỉ 35.000 đồng/tô thì nay cũng tăng lên 40.000 đồng/tô.

Anh Sầu, chủ quán hủ tiếu xào trên đường Âu Cơ, quận Tân Phú - cho biết: “Ngày tết, tôi chỉ tăng 5.000 đồng/dĩa. Đông khách, tôi cũng kiếm được chút đỉnh tiền tiêu xài tết”.

Đáng lo ngại là trước tình hình đông khách tập trung vào giờ cao điểm, trong khi nhân viên phục vụ ít so với ngày thường, nhiều quán đã không đảm bảo được vấn đề vệ sinh. Theo phản ánh của một số thực khách, nhiều hàng quán trong những ngày đầu năm dù tăng giá bán nhưng bát đũa muỗng rửa không sạch, không kịp châm các loại gia vị, đũa muỗng cho các bàn ăn, vệ sinh quán rất bẩn. Trao đổi với một số hàng quán về vấn đề có giảm giá trở lại hay không và khi nào giảm giá, các quán cho biết còn chờ xem tình hình giá cả thị trường như giá nguồn hàng nguyên liệu và mặt bằng dịch vụ ăn uống. Tuy nhiên, đến ngày 17.2, tức mùng 8 tết, nhiều hàng quán vẫn chưa có ý định giảm giá trở lại. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo M.Thoa - Đặng Tiến (Báo Lao động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN