Sau tết, người trồng rau “ngậm quả đắng”

Khác với những năm trước là sau Tết Nguyên đán giá rau, củ, quả, thực phẩm đều tăng, hiện giá mặt hàng này “rẻ như bèo”. Theo đánh giá, nguyên nhân là do người nông dân đang tập trung thu hoạch hết diện tích rau, củ vụ đông để gieo cấy lúa xuân dẫn tới lượng cung lớn...

Nông dân buồn

Những mảnh ruộng xà lách xanh non mơn mởn, cây to cuộn tròn đang độ cho thu hoạch trên cánh đồng xã Trung An (Vũ Thư, Thái Bình) nhìn là thế, nhưng trên thực tế phần lớn rau đều chưa bán được vì giá quá rẻ. Những ngày này, các tiểu thương trong xã cũng chỉ xuất được rau với khối lượng nhỏ. Chị Bùi Thị Hường - một ND ở đây cho biết: “Nhà tôi có 5 sào xà lách, trong đó có 3 sào đã bán trước tết với giá 2 triệu đồng/sào, còn 2 sào hiện tại đã có thể cắt nhưng giá quá rẻ không bán được”.

Cũng giống như chị Hường, nhiều ND khác ngao ngán không kém với giá rau tụt dốc không phanh như thời điểm hiện tại. “Nếu trước tết, mỗi sào rau xà lách có giá từ 3- 4 triệu đồng, các tiểu thương trong xã mua tận ruộng, thì nay mỗi cân xà lách không còn giá nữa, cứ đóng túi khoảng trên 2kg đưa ra chợ, khách trả bao nhiêu cũng bán”- anh Nguyễn Văn Cất cho hay.

Giá rau quá rẻ nhưng nông dân xã Song Phượng (Hoài Đức, Hà Nội) vẫn phải bán đổ,
bán tháo để làm vụ lúa mới

Về huyện Kiến Xương (Thái Bình), chúng tôi cũng thấy những luống rau cải ngọt, cải cúc xanh mơn mởn đang nằm chờ ngoài đồng, ND không muốn thu hoạch vì giá bán quá thấp. Mấy ngày tết, bà con tranh thủ đi bán còn được từ 3.000-4.000 đồng/mớ cải ngọt, cải cúc 5.000 đồng/3 mớ nhưng hiện tại rau nhiều và phần lớn các loại rau đều rẻ, sức mua lại chậm nên giá cải cúc, cải ngọt giảm xuống quá nửa. Giá su hào, cải bắp, súp lơ cũng tương tự giá rau.

Tại những vùng trọng điểm sản xuất rau của Hà Nội như Song Phượng (Hoài Đức), Duyên Hà, Yên Mỹ (Thanh Trì), Vân Nội, Nam Hồng (Đông Anh), ở các xã Song Phượng, Hạ Mỗ… (Đan Phượng) và Mê Linh, Tráng Việt (Mê Linh) trước tết người dân thi nhau trồng rau, vì thế lượng cung thời điểm này khá lớn. Sáng 11.2, vừa đặt gánh bắp cải lên vệ đường, anh Nguyễn Văn Hùng (xã Song Phượng, Hoài Đức) thở dốc nói: “Anh xem hơn 300 cây bắp cải to thế này mà chưa được nổi 400.000 đồng, tiền giống, phân bón còn chưa đủ chứ nói gì đến lãi”.

Bán tại vườn không có ai mua, anh Hùng đành chặt rau rồi thồ xuống Hà Nội bán, nhưng giá cả cũng chẳng nhỉnh hơn là bao. “Tôi còn hơn 2 sào su hào nữa, kiểu này cũng đành bán tống đi để làm vụ khác, chứ cái giống này càng để càng già, xơ, lúc đó lợn còn chẳng ăn được chứ nói gì người” – anh Hùng buồn rầu nói.

Cung vượt quá cầu

Những năm gần đây, hễ cứ sau Tết Nguyên đán là giá thực phẩm, rau, củ, quả lại tăng vùn vụt, có khi gấp 2 – 3 lần ngày thường, còn năm nay giá lại giảm bất thường. Theo tìm hiểu của NTNN, giá rau, củ, quả năm nay giảm là vì thời tiết ấm, thuận lợi cho rau màu phát triển, dẫn đến nguồn cung dư thừa.

Khảo sát của phóng viên NTNN trong ngày 11.2 tại một số chợ ở Hà Nội cho thấy, hiện giá cải bắp giảm từ 5.000 đồng/cây xuống 4.000/cây (khoảng 1,5kg); su hào giảm từ 4.000 đồng còn 2.000 đồng/củ; súp lơ từ 8.000 - 10.000 đồng/cây, xuống 5.000 - 6.000 đồng, thậm chí có hôm chỉ 4.000 đồng/cây. Các loại rau ăn lá như xà lách cũng giảm từ 10.000 đồng xuống còn 8.000 đồng/kg; cải xanh giảm từ 12.000 đồng/kg, xuống 7.000 - 8.000 đồng/kg…

Nam Tùng Sơn

Ông Nguyễn Hữu Tịnh – Phó phòng Kinh tế huyện Đan Phượng cho rằng, nguyên nhân giá rau năm nay giảm một phần là do thời điểm sau tết các địa phương đang tiến hành lấy nước đổ ải để gieo cấy vụ xuân nên ND tập trung thu hoạch hết diện tích rau màu trồng trên đất lúa để làm đất, cộng với việc trồng rau ồ ạt, không theo quy hoạch dẫn đến cung vượt cầu. “Thành phố đã quy hoạch các vùng rau, tuy nhiên vẫn chưa kiểm soát được đầu vào lẫn đầu ra, do đó vẫn thường xuyên xảy ra tình trạng được mùa, mất giá. Để giải quyết vấn đề này, cần phải làm tốt khâu định hướng trồng rau, củ, quả gì và đầu ra” - ông Tịnh nói.

Trong khi đó, ông Phạm Đồng Quảng- Phó Cục trưởng phụ trách Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) cho rằng: “So với các vụ khác, vụ đông có diện tích rau màu lớn nhất, bởi ngoài diện tích tại các vùng chuyên canh, rau, củ, quả còn được trồng trên đất lúa, do đó sản lượng cũng tăng lên rất nhiều”. Cũng chỉ ra các nguyên nhân khiến rau dư thừa, giá rẻ như cho tương tự ông Tịnh, ông Quảng cho rằng các địa phương cần phải chỉ đạo sát sao người dân trồng đúng thời vụ, rải vụ và phát triển đội phân phối sản phẩm, không chỉ trong vùng mà phân phối rộng khắp cả trong Nam lẫn ngoài Bắc. Trên thực tế ở Hải Dương, Thái Bình… cũng là địa phương trồng rất nhiều rau, củ, quả vụ đông, nhưng nhờ làm tốt khâu đầu ra nên sản phẩm vẫn tiêu thụ bình thường.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Việt Tùng - Phùng Nga (Dân Việt)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN