Sầu riêng Việt rộng cửa xuất chính ngạch sang Trung Quốc
Phía Hải quan Trung Quốc vừa thông báo đã xác định được 51 vườn trồng sầu riêng và 25 cơ sở đóng gói của Việt Nam đáp ứng các yêu cầu của Nghị định thư và được chấp thuận để xuất khẩu sầu riêng chính ngạch sang nước này.
Trao đổi với Tiền Phong, ông Ngô Xuân Nam, Phó giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam (Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về Vệ sinh Dịch tễ và Kiểm dịch Động thực vật Việt Nam) cho biết, tối 7/9, Văn phòng đã nhận được thông báo của Tổng cục Hải quan về kết quả kiểm tra bằng video các doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng tươi của Việt Nam sang nước này.
Theo đó, kể từ ngày 15/7 đến ngày 4/9, Hải quan Trung Quốc đã tiến hành đánh giá kiểm định các video qua hình thực trực tuyến về vườn trồng và cơ sở đóng gói để rà soát việc tuân thủ Nghị định thư của các doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam.
Theo ông Nam, sau khi xem xét, kiểm tra, phía Trung Quốc cho rằng các vườn sầu riêng và cơ sở đóng gói của Việt Nam về cơ bản có thể tiến hành trồng, sản xuất, chế biến theo đúng yêu cầu của Nghị định thư, công tác kiểm dịch, giám sát đã được thực hiện tốt. Hệ thống phòng ngừa và kiểm soát dịch COVID-19 của các doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn, về cơ bản có thể đảm bảo rằng sầu riêng Việt Nam đáp ứng các yêu cầu vệ sinh nhập khẩu và an toàn thực phẩm của nước này.
Theo đó, trong số 126 vườn trồng và 44 cơ sở đóng gói do Việt Nam đề xuất, phía Hải quan Trung Quốc đã xác định được 51 vườn trồng và 25 cơ sở đóng gói đáp ứng các yêu cầu của Nghị định thư và được chấp thuận đăng ký.
“Sau khi được chấp thuận đăng ký xong, sầu riêng từ các vườn trồng, và những cơ sở đóng gói này có thể xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Đây có thể coi là kết quả bước đầu rất đáng mừng trong việc triển khai nghị định thư”, ông Nam cho hay.
Lãnh đạo Văn phòng SPS Việt Nam cho biết, bên cạnh những đơn vị được lựa chọn, Hải quan Trung Quốc cũng chỉ ra một số vấn đề còn tồn tại như: Một số vườn trồng còn lẫn các loại cây khác, không có biện pháp ngăn chặn sự lây nhiễm chéo và lây lan của sâu bệnh giữa; một số vườn cây ăn quả không thực hiện theo dõi dịch hại, giám sát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Trình độ quản lý của các cơ sở đóng gói còn có sự chênh lệch lớn, một số nhà xưởng đã cũ, mặt bằng không đủ cứng, vệ sinh môi trường tổng thể kém…
Hiện còn 50 vườn trồng và 11 cơ sở đóng gói chưa đáp ứng yêu cầu, phía Trung Quốc yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp tài liệu xác minh sau khi hoàn thành việc rà soát, khắc phục để xem xét đánh giá thêm trong thời gian tới.
Nguồn: [Link nguồn]
Trung Quốc vừa tiếp tục đóng một số cửa khẩu khiến nhiều loại nông sản của Việt Nam đang đến vụ thu hoạch có nguy cơ “tắc” đầu ra. Doanh nghiệp và người dân phải...