Sầu riêng rộ mùa, được giá

Dự báo năm nay Việt Nam có thể thu về 1 tỉ USD từ xuất khẩu sầu riêng, một phần nhờ Trung Quốc cấp thêm nhiều mã số vùng trồng cho nước ta

Sáng 14-6, tại Triển lãm và Hội thảo quốc tế chuyên ngành nông nghiệp và chăn nuôi Việt Nam 2023 tổ chức ở Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (quận 7, TP HCM), gian hàng của HTX Vĩnh Khang (huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang) - chuyên cung cấp sầu riêng cho thị trường nội địa và xuất khẩu - tập trung rất đông khách đến tham quan. Trong đó, rất nhiều khách quốc tế bày tỏ quan tâm và thích thú với loại trái cây này.

Giá không ngừng tăng

Ông Lê Minh Trí, Phó Giám đốc HTX Vĩnh Khang, cho biết HTX đã có mã số vùng trồng xuất khẩu sang Trung Quốc nên tiêu thụ sầu riêng năm nay thuận lợi, xã viên thắng lớn nhờ sản phẩm được giá. Ngoài 2 giống phổ biến là Ri6 và Monthong, HTX Vĩnh Khang còn trồng sầu riêng Musang King với giá bán khoảng 300.000 đồng/kg.

Tại tỉnh Bình Phước, ông Nguyễn Minh Hiếu, Phó Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp số Bình Phước (thị xã Phước Long), cho biết sầu riêng tại khu vực Đông Nam Bộ đang vào vụ thu hoạch nhưng giá vẫn tăng từng ngày. "Trong 3 ngày gần đây, giá sầu riêng mỗi ngày đều tăng 1.000 đồng/kg. Một xã viên hôm trước vừa bán sầu riêng Dona tại vườn với giá 69.000 đồng/kg thì hôm sau xã viên khác bán được giá 70.000 đồng/kg" - ông Hiếu nói.

Khách quốc tế thích thú với sầu riêng Việt Nam

Khách quốc tế thích thú với sầu riêng Việt Nam

Theo ông Hiếu, vụ sầu riêng ở Đông Nam Bộ trùng với vụ thu hoạch của Thái Lan nên giá thường không cao. Với giá bán sầu riêng tại vườn như hiện nay, người trồng rất phấn khởi bởi đã tăng 15.000 - 20.000 đồng/kg so với vụ năm ngoái. Kết quả tích cực này có được là nhờ Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với quả sầu riêng xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc được 2 nước ký kết vào năm 2022.

Ông Trần Lâm Sinh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai, thông tin diện tích trồng sầu riêng trên địa bàn hiện đạt 11.345 ha, trong đó khoảng 6.000 ha đang cho thu hoạch với sản lượng 70.000 tấn/năm. Thị trường tiêu thụ sầu riêng rất thuận lợi, đặc biệt là xuất khẩu, nên mặt bằng giá sầu riêng năm nay cao hơn năm ngoái 15.000 - 20.000 đồng/kg. Cũng nhờ vậy, người trồng thu được hiệu quả kinh tế cao. 

Tuy nhiên, tỉnh Đồng Nai vẫn cảnh báo nông dân không mở rộng diện tích trồng sầu riêng ồ ạt, chỉ mở rộng ở những khu vực có thổ nhưỡng phù hợp và có nguồn nước tưới. Khi trồng mới sầu riêng phải gắn với đăng ký mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói và doanh nghiệp (DN) xuất khẩu để bảo đảm việc tiêu thụ không gặp vướng mắc.

Dự kiến ngày 16-6, UBND tỉnh Đồng Nai sẽ tổ chức lễ công bố xuất khẩu chuyến hàng sầu riêng đầu tiên theo Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với quả sầu riêng xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc. Trong khuôn khổ lễ công bố, sẽ diễn ra tọa đàm "Nâng cao tiêu chuẩn chất lượng, tăng sức cạnh tranh của sầu riêng xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc".

Nhiều yếu tố thuận lợi

Theo các nhà vườn và DN, mặt hàng sầu riêng có nhiều triển vọng về đầu ra nếu bảo đảm được chất lượng và độ an toàn.

Ông Nguyễn Thành Trung, Giám đốc Công ty TNHH MTV Ant Farm (TP HCM), lý giải sầu riêng đang vào vụ, nguồn cung lớn nhưng giá vẫn ở mức cao do cánh cửa xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc - thị trường chính của mặt hàng này - đã mở ra.

"Thời điểm này, dịch COVID-19 ở Trung Quốc đã được kiểm soát và sắp đến Tết Đoan Ngọ (mùng 5-5 âm lịch) nên nhu cầu tiêu thụ trái cây, trong đó có sầu riêng, tăng cao. Sầu riêng được xuất khẩu chính ngạch với chi phí vận chuyển thấp nên giá mua tại vườn cho nông dân tăng lên" - ông Trung cho biết thêm.

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho rằng kim ngạch xuất khẩu sầu riêng trong 4 tháng đầu năm nay mới đạt 190 triệu USD nhưng dự báo cả năm có thể thu về 1 tỉ USD. Nguyên nhân bởi sản lượng thu hoạch 4 tháng đầu năm còn thấp do chưa vào vụ. Từ tháng 5 trở đi, sầu riêng ở khu vực ĐBSCL, miền Đông Nam Bộ, Tây Nguyên rộ mùa nên sẽ cung ứng ra thị trường nhiều hơn.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong nửa cuối tháng 5-2023, kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt 422 triệu USD, tăng 1,8 lần so với nửa đầu tháng, chủ yếu nhờ tăng xuất khẩu sầu riêng. Tuy vậy, theo nhiều chuyên gia trong ngành, sầu riêng chủ yếu vẫn xuất khẩu ở dạng tươi. Trong tương lai, nếu Việt Nam có thể đàm phán xuất khẩu sầu riêng đông lạnh sang Trung Quốc thì giá trị thu về sẽ cao hơn nữa.

Ngừng nhập khẩu sầu riêng Musang King đông lạnh

Trao đổi với phóng viên, một DN chuyên nhập khẩu sầu riêng Musang King từ Malaysia dưới dạng đông lạnh cho biết dự kiến hết năm nay sẽ ngưng nhập khẩu mặt hàng này dù đã kinh doanh nhiều năm. Nguyên nhân bởi các nhà vườn Việt Nam hiện trồng được giống sầu riêng Musang King, từ đó đưa giá bán loại sầu riêng này về giá trị thật, có thể cạnh tranh tốt với hàng nhập khẩu.

Nguồn: [Link nguồn]

Sầu riêng, vải thiều rộ mùa bán khắp TP HCM

Sầu riêng miền Đông Nam Bộ đã thu hoạch và vải thiều từ miền Bắc cũng đổ bộ TP HCM với đủ các mức giá

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo NGỌC ÁNH ([Tên nguồn])
Thông tin thị trường Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN