Sầu riêng đông lạnh chờ xuất chính ngạch sang Trung Quốc

Sầu riêng đông lạnh và nhiều loại trái cây khác đang được chuẩn bị sẵn sàng để xuất khẩu sang Trung Quốc

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), xuất khẩu rau quả 6 tháng đầu năm đạt 3,43 tỉ USD, tăng 28,1% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, cập nhật tới hết tháng 5-2024, Trung Quốc đứng vị trí thứ nhất về tiêu thụ hàng rau quả của Việt Nam, chiếm tới 64,5% thị phần, đạt 1,71 tỉ USD, tăng 33,4% so với cùng kỳ năm 2023.

Kỳ vọng từ sầu riêng đông lạnh

Trong 6 tháng đầu năm, sầu riêng tiếp tục là mặt hàng xuất khẩu mạnh mẽ nhất của Việt Nam sang Trung Quốc. Theo ước tính của Hiệp hội Rau quả Việt Nam, kim ngạch lên tới 1,5 tỉ USD. Trong đó, hơn 90% là sầu riêng tươi, nếu nghị định thư về xuất khẩu sầu riêng đông lạnh được ký kết sớm trong năm nay, xuất khẩu loại quả này sang Trung Quốc sẽ còn tăng trưởng rất mạnh.

Tại chuyến công du Trung Quốc vào cuối tháng 6 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đề nghị hai bên sớm ký nghị định thư, hoàn tất thủ tục mở cửa thị trường đối với sầu riêng đông lạnh và dừa tươi của Việt Nam...

Ở góc độ doanh nghiệp (DN) xuất khẩu, ông Trương Việt Thắng, Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thương mại Toàn Thắng (tỉnh Đồng Nai), cho biết công ty đã chuẩn bị sẵn sàng để xuất khẩu sầu riêng đông lạnh sang thị trường Trung Quốc. "Để đầu tư một nhà máy xuất khẩu sầu riêng đông lạnh cần vốn gấp 5 lần kho chứa sầu riêng tươi đóng gói nên số lượng DN tham gia sẽ ít hơn, việc cạnh tranh có thể bớt khốc liệt hơn so với sầu riêng tươi. Phía Trung Quốc hiện nay phát triển được rất nhiều sản phẩm chế biến từ sầu riêng nên cần nguồn nguyên liệu lớn. Phân khúc này cũng có tính ổn định hơn so với sầu riêng tươi nhờ việc bảo quản được đến 2 năm" - ông Thắng đánh giá.

Cũng theo ông Thắng, sầu riêng đông lạnh chủ yếu chú trọng chất lượng cơm, không đòi hỏi về mẫu mã bên ngoài như hàng tươi nên Việt Nam có thể xuất khẩu được thêm khoảng 30% sản lượng, mang về giá trị kinh tế lớn. Tuy nhiên, do giá sầu riêng hiện đã đạt đỉnh nên dù có mở thêm mặt hàng đông lạnh, sầu riêng cũng khó có khả năng tăng giá thêm mà chủ yếu ổn định đầu ra. "Nếu giá sầu riêng tăng nữa sẽ vượt khả năng chi trả của người tiêu dùng" - ông Thắng nói.

Sầu riêng Việt Nam còn nhiều dư địa xuất khẩu sang Trung Quốc

Sầu riêng Việt Nam còn nhiều dư địa xuất khẩu sang Trung Quốc

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, thông tin năm 2023, Trung Quốc chi khoảng 1 tỉ USD để nhập khẩu sầu riêng đông lạnh nên khả năng năm đầu tiên tham gia thị trường Trung Quốc, Việt Nam có thể xuất được 300 - 500 triệu USD/năm. "Tương lai, Trung Quốc sẽ tăng cường nhập khẩu sầu riêng đông lạnh tách múi để dùng cho chế biến vì giảm chi phí vận chuyển do loại bỏ vỏ từ đầu nguồn. DN Việt xuất khẩu sản phẩm đông lạnh cũng đỡ áp lực trong tuân thủ quy định về kiểm dịch thực vật (các sinh vật có nguy cơ gây hại đi kèm quả tươi) và có thể bán vào sâu trong nội địa Trung Quốc nhờ thời gian bảo quản dài" - ông Nguyên đánh giá.

Báo cáo 6 tháng đầu năm 2024 của Bộ NN-PTNT cho thấy sầu riêng tiếp tục là cây ăn quả có sự tăng trưởng nóng về diện tích với 153.900 ha, tăng 17,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Sản lượng sầu riêng thu hoạch nửa đầu năm 2024 ước đạt 487.700 tấn, tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, xuất khẩu sầu riêng có thể tăng trong các tháng tới khi vùng trồng lớn nhất cả nước là Tây Nguyên thu hoạch. Không chỉ sản lượng lớn, giá sầu riêng từ tháng 7 cũng ở mức cao do vùng trồng Tây Nguyên chủ yếu trồng sầu riêng Monthong và thời điểm này Thái Lan đã hết mùa khiến nguồn cung bị thu hẹp.

Dừa tươi, bưởi, bơ... cũng "nóng"

Ngoài mặt hàng sầu riêng đông lạnh, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết trong danh sách các loại trái cây đang đàm phán mở cửa sang thị trường Trung Quốc, dừa cũng là loại quả có tiềm năng lớn với doanh số có thể đạt khoảng 300 triệu USD/năm. Với bưởi, bơ, na (mãng cầu), roi (mận miền Nam), mỗi mặt hàng có thể đem về từ 10 - 20 triệu USD/năm do phải cạnh tranh với hàng nội địa và nhu cầu thị trường không quá lớn.

Theo ông Cao Bá Đăng Khoa, Tổng Thư ký Hiệp hội Dừa Việt Nam, dù hai nước chưa ký nghị định thư nhưng gần đây nhiều DN Trung Quốc đã đến hiệp hội để tìm nguồn hàng. "Cách đây 2 ngày, một đoàn gồm các DN chế biến dừa lớn của Trung Quốc đến làm việc với chúng tôi. Họ nói đang rất thiếu nguyên liệu, nửa năm đã qua nhưng chỉ mua được 30%-35% nhu cầu" - ông Khoa thông tin.

Cũng theo ông Khoa, do nghị định thư xuất khẩu dừa sang Trung Quốc chưa được ký kết nên hiệp hội chủ yếu khuyến khích DN Trung Quốc thành lập công ty tại Việt Nam để thuận lợi trong việc thu mua về sau. "Không chỉ DN Trung Quốc, chúng tôi cũng khuyến khích các DN Việt Nam tổ chức các điểm thu mua dừa tại vùng nguyên liệu thay vì phụ thuộc vào thương lái như hiện nay. Hiện chi phí từ vườn đến nhà máy đang chiếm đến 30% giá thành nguyên liệu dừa do phải tổ chức thu mua lòng vòng, chưa khoa học. Đương nhiên, chúng tôi sẽ có những rà soát để sàng lọc các DN có nhu cầu mua thật và có cam kết hoạt động lâu dài tại vùng nguyên liệu" - ông Khoa nói.

Đối với quả bơ, ông Nguyễn Văn Mười, Phó trưởng Cơ quan phụ trách phía Nam Hội Làm vườn Việt Nam (VACVINA), cũng đặt nhiều kỳ vọng vì Trung Quốc là thị trường rất lớn.

Theo ông Mười, bơ là loại cây dễ trồng, ít tốn công chăm sóc, ít phải bón phân nên không cần đầu tư lớn như cây sầu riêng. "Điều này phù hợp với nông dân có vốn nhỏ. Tuy nhiên, khi hướng đến thị trường xuất khẩu, nông dân cần chọn các giống bơ chất lượng cao, vỏ dày, thời gian bảo quản dài" - ông Mười lưu ý. 

Livestream bán sầu riêng đông lạnh sang Trung Quốc

Ông Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (Bộ NN-PTNT), thông tin trung tâm vừa đưa đoàn DN Trung Quốc khảo sát vùng trồng, cơ sở đóng gói, đông lạnh sầu riêng tại Tây Nguyên để chuẩn bị livestream bán hàng xuyên biên giới. "Tất cả đã sẵn sàng, chỉ cần chờ nghị định thư xuất khẩu sầu riêng đông lạnh Việt Nam sang Trung Quốc được ký kết" - ông Tiến thông tin.

Cũng theo ông Tiến, Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp đã kết hợp nền tảng TikTok dự kiến tổ chức livestream bán sầu riêng tươi xuyên biên giới nhưng lo ngại về việc vận hành nên tạm hoãn, chờ bắt đầu với sầu riêng đông lạnh. Các hoạt động livestream sẽ góp phần xây dựng thương hiệu sầu riêng Việt Nam và kích cầu tiêu dùng tại thị trường tỉ dân này.

Loài này nhiều người xua đuổi, nhưng ở Tây Nguyên, đây được xem là gia vị làm nên nhiều món đặc sản vô cùng độc đáo.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo VƯƠNG NGỌC ([Tên nguồn])
Thông tin thị trường Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN