Sau ngày lương tăng: Giá cả "đứng yên"
Bắt đầu từ tháng 5, lương tối thiểu chính thức tăng thêm 26,5%, từ mức 830 nghìn đồng lên 1,05 triệu đồng/tháng. Tăng lương, theo tâm lý nhiều người tiêu dùng lo ngại, cùng với hiệu ứng tăng giá xăng dầu trước đó, giá cả thực phẩm sẽ “té nước theo mưa”. Thế nhưng, trái ngược với nỗi lo này, giá cả vẫn đứng yên, thậm chí, thực phẩm tươi sống giảm nhẹ.
Thực phẩm giảm nhẹ
Hiện nay, tại một số chợ trên địa bàn thành phố, giá cả tiêu dùng giảm nhẹ, đặc biệt là thực phẩm tươi sống như thịt. Ngày 3-5, mặt hàng rau xanh trong mấy ngày nắng nóng có nhích lên đôi chút, song không quá cao. Giá thịt lợn hiện ở mức thấp hơn so với hồi tháng 2 từ 10-15.000 đồng/kg. Cụ thể như, thịt ba chỉ còn 90.000 đồng/kg, 100.000 đồng/kg với thịt nạc. Thịt bò ở mức 200.000 đồng/kg đối với bò bắp. Theo các tiểu thương bán thịt lợn tại một số chợ, dù thịt lợn đang dần phục hồi sau cú sốc chất tạo nạc, nhưng lại gặp đúng dịp nắng nóng, nên lượng tiêu thụ thịt cũng giảm. Bởi vậy, sự phục hồi của thị trường thịt lợn vẫn rất chậm. Còn theo khảo sát từ Trung tâm Thông tin phát triển nông nghiệp Việt Nam, trong tuần này, nhóm các mặt hàng nông sản trong nước tiếp tục giảm 1,1%, trong đó, thực phẩm giảm 0,41%. Song, bên cạnh đó có một số mặt hàng tăng khá mạnh là nhóm hoa quả tươi như cam tăng gần 40%.
Còn đối với rau xanh, nguồn cung vẫn tương đối dồi dào, rau muống ở mức 4.000 - 6.000 đồng/bó, rau cải 10 - 15.000 đồng/kg, mồng tơi, rau đay từ 4 - 5.000 đồng/bó... Tuy nhiên, khoảng 1 tuần trở lại đây, giá một số loại rau xanh có xu hướng tăng nhẹ do nắng nóng. Chị Lan, 1 người bán rau tại chợ Nguyễn Công Trứ cho biết, giá rau xanh mấy ngày gần đây có tăng nhẹ, chủ yếu tập trung vào những loại rau mồng tơi, rau đay, mướp… nhưng mức tăng không nhiều, từ 500 - 1.000 đồng/bó.
Tại các siêu thị, hàng hóa vẫn rất dồi dào và giá cả cũng chưa biến động nhiều, đặc biệt ở nhóm hàng lương thực, thực phẩm. Trong tháng 4, đầu tháng 5, lẻ tẻ một số nhà cung ứng hóa, mỹ phẩm có điều chỉnh tăng giá khoảng 5%, tuy nhiên hiện tượng này không phổ biến.
Giá rau xanh có xu hướng tăng nhẹ do nắng nóng. (Ảnh minh họa).
Giá sẽ tăng nhưng không đáng kể
Ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, nguồn cung thực phẩm trong nước khá dồi dào, dù giá lợn hơi có giảm thời gian qua dẫn đến giảm đàn, nhưng đàn gà lại tăng rất mạnh. Hơn nữa, hiện giá lợn đang hồi phục, nên bà con đã bỏ tâm lý giảm đàn. Với rau xanh, ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ nhiệm HTX Dịch vụ Đông Cao, xã Tráng Việt, Mê Linh cho biết, lượng rau cung cấp ra thị trường vẫn rất dồi dào, do hồi tháng 4 mưa thuận, gió hòa, thời tiết thuận lợi rau phát triển tốt. Dù mấy ngày nay, nắng nóng có làm rau phát triển chậm hơn, nhưng cũng không ảnh hưởng lớn đến nguồn cung. Cũng ông Hùng cho hay, do hiện tại đang vào vụ rau chính hè, các chủng loại rau rất đa dạng, từ rau ăn lá đến quả như mướp, bầu bí, su su, đến rau ăn củ như cà rốt, khoai tây. “Có chăng giá rau xanh tăng nhẹ là do trời quá nắng, bà con không thể ra đồng thu hái nên chỉ tranh thủ vào lúc sáng sớm và chiều tối muộn”, ông Hùng nói.
Dự kiến tháng 5 chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của cả nước sẽ tăng khoảng 0,15-0,2% so với tháng 4, đây là nhận định của tổ điều hành thị trường trong nước vừa đưa ra. Có sự tăng cao hơn so với tháng 4 là do tác động của tăng giá xăng dầu cuối tháng 4, việc tăng lương tối thiểu từ 1-5, nhưng đây vẫn tiếp tục là mức tăng thấp so với cùng kỳ năm trước. Nhận định về biến động giá cả trong thời gian tới, nhiều chuyên gia cho rằng, khó có sự biến động lớn. Bởi, nền kinh tế vẫn đang trong thời kỳ khó khăn, sức chịu đựng của người dân là có hạn, nếu cứ đẩy giá lên cao thì người tiêu dùng buộc phải thắt chặt chi tiêu. Theo TS. Vũ Đình Ánh - Phó Viện trưởng Viện NCKH thị trường giá cả - Bộ Tài chính, lương cơ bản tăng khá cao, nhưng chỉ tác động đến hơn 6 triệu người hưởng lương ngân sách, nguồn tiền thực sự đi vào nền kinh tế không tăng đột biến đến mức đáng lo ngại. Tuy nhiên, cũng không thể chủ quan, vẫn phải siết chặt để tránh tăng giá vô lý, đặc biệt với các mặt hàng nhạy cảm như sữa, thực phẩm.