Sau lệnh cấm của Ấn Độ, Thái Lan khuyên nông dân giảm trồng lúa
Thái Lan, nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới, đang khuyến khích nông dân giảm canh tác để tiết kiệm nước. Điều này có thể khiến thị trường gạo thế giới chao đảo hơn nữa sau lệnh cấm xuất khẩu của Ấn Độ.
Một nông dân ở tỉnh Nakhon Sawan của Thái Lan. (Ảnh: Getty)
Thái Lan đang phải đối mặt với tình trạng ít mưa. Trong nỗ lực nhằm tiết kiệm nước cho tiêu dùng, Văn phòng Tài nguyên nước quốc gia (ONWR) vừa kêu gọi nông dân Thái Lan chuyển sang trồng các loại cây sử dụng ít nước mà có thể thu hoạch nhanh chóng.
“Lượng mưa tích lũy ít hơn khoảng 40% so với bình thường, nguy cơ thiếu nước cao”, ông Surasri Kidtimonton, tổng thư ký của ONWR, cho biết trong khuyến cáo do Cục Quản lý nước quốc gia Thái Lan đưa ra.
Ông Kidtimonton cho biết, việc quản lý nước của đất nước cần tập trung vào nước dành cho tiêu dùng và cây lâu năm.
Cây lâu năm là loại cây không cần phải trồng lại hằng năm. Lúa được xếp vào loại cây trồng hằng năm.
Cần trung bình 2.500 lít nước để trồng được mỗi kilogram thóc. Trong khi những cây khác như kê cần từ 650 - 1.200 lít nước cho cùng một lượng thu hoạch.
Tháng trước, Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo trắng không thuộc dòng basmati, động thái nhằm đảm bảo đủ gạo cho thị trường nội địa.
Ấn Độ là nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới và chiếm 40% thương mại gạo toàn cầu. Lệnh cấm dự kiến sẽ ảnh hưởng đến hàng triệu người.
“Giá gạo toàn cầu sẽ có khả năng tăng hơn nữa trong trường hợp sản lượng gạo ở Thái Lan giảm đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái”, nhà phân tích cấp cao Oscar Tjakra của Rabobank nói với CNBC.
Tuy nhiên, Tjakra cho rằng vẫn còn phải xem liệu nông dân Thái Lan có tuân theo chỉ thị hay không.
“Nông dân Thái Lan có thể vẫn chọn trồng lúa do giá gạo xuất khẩu toàn cầu hiện nay rất cao”, ông nói.
Nguồn: [Link nguồn]
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã có văn bản đề xuất Thủ tướng ban hành chỉ thị về tăng cường công tác xuất khẩu gạo trong tình hình mới; đề xuất Bộ Công...