Sau lệnh cấm của Ấn Độ, giá gạo Việt Nam, Thái Lan tăng từng ngày
Sau khi Ấn Độ ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo thì giá gạo 5% tấm của Việt Nam đã tăng thêm khoảng 10 USD/tấn, giá gạo của Thái Lan cũng tăng thêm 30 USD/tấn.
Kể từ sau khi Ấn Độ ban hành lệnh cấm về xuất khẩu gạo vào ngày 20-7, giá gạo thế giới tăng hàng ngày.
Theo dữ liệu của Hiệp hội Lương thực Việt Nam, ngày 25-7, giá gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam giao dịch ở mức 543 USD/tấn, cao hơn 10 USD/tấn so với thời điểm giao dịch ở ngày 20-7 với mức giá 533 USD/tấn.
Cùng đó, giá gạo xuất khẩu 25% tấm cũng tăng thêm 10 USD/tấn, đạt mức 523 USD/tấn vào ngày 25-7, chỉ sau 5 ngày. Còn ở thời điểm ngày 23-6, khi đó giá gạo 5% tấm của Việt Nam đang ở mức 503 USD/tấn.
Không riêng gì Việt Nam, giá gạo xuất khẩu của Thái Lan còn tăng mạnh hơn. Gạo 5% tấm của Thái Lan từ mức 543 USD/tấn (20-7) lên mức 573 USD/tấn (25-7); gạo 25% tấm từ 503 USD/tấn lên mức 522 USD/tấn.
Việt Nam có nhiều loại gạo ngon, năng suất cao, chất lượng. Ảnh minh hoạ: AH
Trao đổi với PLO, ông Trương Sỹ Bá, Chủ tịch Tập đoàn Tân Long, cho biết Ấn Độ là nước số 1 thế giới về xuất khẩu gạo, nên khi nước này cấm xuất khẩu gạo thì đồng nghĩa với việc nguồn cung gạo ra thế giới sẽ bị hạn chế. Điều này sẽ khiến giá gạo thế giới bị đẩy lên, khách hàng quốc tế cũng vì vậy mà chuyển hướng sang lựa chọn các nguồn cung gạo khác, trong đó có Việt Nam.
Theo dữ liệu của Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), sản lượng thóc của năm 2023 dự kiến đạt hơn 43 triệu tấn, tăng 0,4 triệu tấn so với năm 2022. Trong số này, nhu cầu tiêu thụ thóc trong nước vào khoảng 30 triệu tấn, còn lại hơn 13 triệu tấn là dành cho xuất khẩu. Hơn 13 triệu tấn thóc này tương đương với khoảng 6,6 triệu tấn gạo. Trong khi đó, 6 tháng đầu năm 2023, chúng ta đã xuất khẩu được khoảng 4,1 triệu tấn gạo. Số còn lại sẽ phân bổ xuất khẩu vào các tháng cuối năm.
Ông Trương Sỹ Bá, Chủ tịch Tập đoàn Tân Long, cho hay:“Mặc dù về khối lượng chúng ta chỉ có khoảng 6,6 triệu tấn gạo xuất khẩu cho cả năm 2023, vì còn phải đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước. Tuy nhiên, thay vì trước đây chúng ta xuất số lượng này với giá rẻ thì giờ ta có thể xuất khẩu với giá cao hơn đến 20-30%. Lượng xuất khẩu giữ nguyên nhưng giá trị xuất khẩu cao hơn”.
Nhận định của nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo, giá gạo thế giới vẫn sẽ tiếp tục tăng từng ngày. Hiện nay, nhiều khách hàng đã đặt vấn đề với các doanh nghiệp Việt Nam muốn được mua với số lượng gạo nhiều hơn hợp đồng đã ký. Ở đồng bằng sông Cửu Long, được coi là vựa gạo xuất khẩu của cả nước, giá gạo cũng đang tăng hàng ngày. Nông dân phấn khởi. Các doanh nghiệp đang đẩy mạnh thu mua, có bao nhiêu vét bấy nhiêu, nhưng cung vẫn không đủ cầu.
Ngoài xuất khẩu thì 5 tháng đầu năm, Việt Nam cũng nhập khẩu khoảng 1,3 triệu tấn gồm lúa và các loại gạo khác, chủ yếu nhập của Campuchia với khoảng 1 triệu tấn lúa, chiếm 76% tổng lượng nhập khẩu. Thị trường nhập khẩu còn lại là Ấn Độ nhưng số lượng khiêm tốn hơn với sản lượng khoảng 316 ngàn tấn gạo trắng và tấm.
Theo Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NN&PTNT), dự báo xuất khẩu gạo của Việt Nam có khả năng sẽ tiếp tục chậm lại do nguồn cung từ vụ Đông Xuân đã cạn. Tuy nhiên, triển vọng ngành gạo vẫn tương đối tích cực trong 6 tháng cuối năm do sản lượng gạo tại nhiều quốc gia sản xuất tại châu Á đứng trước nguy cơ sụt giảm trước tác động của El Nino. Điều này sẽ thúc đẩy nhu cầu cũng như giá gạo trên thị trường quốc tế.
Trong 5 năm gần đây, từ năm 2018 đến năm 2022, xuất khẩu gạo duy trì khối lượng xuất khẩu trên 6 triệu tấn và có xu hướng tăng trưởng qua các năm, lần lượt đạt 6,1 triệu tấn, 6,36 triệu tấn, 6,24 triệu tấn, 6,23 triệu tấn và 7,1 triệu tấn. Giá trị xuất khẩu trên 3 tỷ USD mỗi năm. Năm 2022, khối lượng gạo xuất khẩu đạt 7,1 triệu tấn (tăng 16,3% so với năm 2018), giá trị xuất khẩu đạt 3,45 tỷ USD, tăng 12,7% so với năm 2018. (Nguồn: Bộ NN&PTNT) |
Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu Gạo Ấn Độ cho rằng đây là đòn giáng mạnh với thương mại. Ông sẽ đề nghị chính phủ cân nhắc lệnh cấm sau khi tình hình cải thiện.
Nguồn: [Link nguồn]