Sau dịch, thuốc lá lậu tiếp tục ''nóng''

Chiều 13-4, Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam (VTA) tổ chức hội thảo “Phòng chống thuốc lá lậu: Thực trạng và giải pháp".

Khó cạnh tranh về giá với thuốc lá lậu

Ông Hồ Lê Nghĩa, Chủ tịch VTA cho biết hai năm qua việc lưu thông hàng hóa trong nước, giao thương qua biên giới được kiểm soát chặt chẽ hơn do dịch COVID-19. Vì vậy, năm 2020 thuốc lá lậu bị bắt giữ khoảng 14 triệu gói, tăng gần gấp đôi so với 2019.

Tuy nhiên, ba tháng đầu năm hiệp hội căng thẳng do nạn thuốc lá lậu trở lại diễn biến phức tạp.

Tại các tỉnh phía Nam giáp biên giới Campuchia, thuốc lá lậu chiếm hơn 84% tổng lượng hàng hóa nhập bất hợp pháp qua các ngả khác trên toàn quốc. Chưa kể, một số lượng khác qua các tỉnh có cửa khẩu biên giới với Lào ở miền Trung và biên giới với Trung Quốc ở miền Bắc.

Ông Vũ Duy Hòa, Phó giám đốc công ty thuốc lá Sài Gòn cho biết, trong thời điểm chống dịch thị trường tiêu thụ 15-17 triệu gói/ tháng, tuy nhiên ba tháng gần đây thị trường giảm mạnh.

“Nếu thời gian chống dịch giá thuốc lá Hero giá 25.000-30.000 đồng/gói, Jet 40.000 đồng/gói thì nay giá Hero còn 15.000 đồng, Jet 18 .000 đồng. Qua đó có thể thấy thuốc lá lậu đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất của DN trong nước” - ông Hoà nói.

Theo ông Hòa, nhiều ý kiến cho rằng các DN cần nâng cao chất lượng, đáp ứng “gu” để cạnh tranh cùng thuốc lá lậu nhưng điều này không dễ thực hiện.

Ông Hòa dẫn chứng, thuốc lá trong nước chịu thuế VAT, thuế tiêu thụ đặc biệt... nếu sản phẩm bán khoảng 14.000 đồng tiền thuế chiếm hết 7.000 đồng.

Trong khi thuốc lá lậu Jet giá 18.000 đồng, nếu có thuế bán giá 36.000 đồng/gói. Với chi phí giá thành 7.000 đồng, DN trong nước không thể nào làm ra sản phẩm có chất lượng và bán với giá 18.000 đồng như Jet.

Kho chứa thuốc lá lậu do Cục Quản lý thị trường tỉnh An Giang bắt được. ẢNH: TÚ UYÊN

Kho chứa thuốc lá lậu do Cục Quản lý thị trường tỉnh An Giang bắt được. ẢNH: TÚ UYÊN

Lợi nhuận cao, khó xử lý triệt để thuốc lá lậu

Theo ông Nghĩa, với lợi nhuận 400% việc xóa sổ hoàn toàn buôn lậu thuốc lá là không thể mà cần có những giải pháp căn cơ .

Hiệp hội kiến nghị tăng cường tuyên truyền người tiêu dùng, tiểu thương, không tiếp tay cho các đường dây buôn lậu.

Chính phủ có giải pháp làm việc với nước bạn Campuchia để giải quyết tình trạng buôn lậu nói chung và thuốc lá lậu nói riêng từ Campuchia về Việt Nam.

Quản lý địa bàn nóng về thuốc là lậu, ông Phạm Đức Chinh, Cục trưởng Cục quản lý thị trường Long An cho biết, bên cạnh thuốc lá lậu một thực trạng đáng lo ngại khác là thuốc lá giả nhãn hiệu 555 và Craven ngay tại biên giới. Đối tượng làm giả từ Campuchia về Việt Nam.

Lãnh đạo Cục QLTT tỉnh Long An, Đồng Tháp cho biết hiện QLTT còn gặp khó khăn trong xử lý bắt giữ thuốc lá lậu vì đa số là vắng chủ. Vì vậy, đề nghị Ban chỉ đạo 389 quốc gia kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét hướng dẫn việc xử lý tang vật vi phạm đối với các trường hợp không xác định được chủ sở hữu.

Để chống thuốc lá lậu hiệu quả, cần có cơ chế chính sách thu hút đầu tư trên tuyến biên giới nhằm tạo điều kiện cho người dân có thu nhập, không tiếp tay cho buôn lậu.

Đồng thời, kiến nghị Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá nên trích một phần quỹ và phối hợp Ban chỉ đạo 389 triển khai công tác tuyên truyền với người dân cũng như cư dân trên tuyến biên giới.

Ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó chủ nhiệm Ủy ban tư pháp Quốc hội cho biết, qua các báo cáo của hiệp hội và cơ quan chức năng cho thấy sau dịch thuốc lá lậu tiếp tục "nóng”. Ông đồng tình với các kiến nghị của hiệp hội, cơ quan chức năng.

Do lợi nhuận thuốc lá lậu quá cao nên đối tượng buôn lậu bất chấp mọi thủ đoạn. Để công tác chống thuốc lá lậu hiệu quả cần có chế tài mạnh, hệ thống cơ chế chính sách đồng bộ thống nhất; tiếp tục hoàn thiện các văn bản có liên quan…

Nguồn: [Link nguồn]

Thuốc lá lậu bị ''bít cửa'' trong dịch COVID-19

Tại các điểm bán, thuốc lá lậu thường cất giấu ở một điểm khác, khi có người mua mới lấy giao trực tiếp.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tú Uyên ([Tên nguồn])
Thông tin thị trường Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN