Sau bão số 3, ngao chết nổi trắng biển Thái Bình
Hiện số ngao chết tại huyện Tiền Hải (Thái Bình) đã lên tới hơn 400 ha.
Những ngày gần đây, do ảnh hưởng của cơn áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão số 3 rồi lại nắng nóng thất thường khiến nhiều diện tích nuôi ngao của người dân ở huyện Tiền Hải (tỉnh Thái Bình) chết nổi trắng bờ biển. Số ngao chết bao gồm cả ngao giống và ngao thịt.
Trao đổi với PLO, ông Đặng Văn Tâm, người nuôi ngao lớn nhất nhì xã Nam Trung, huyện Tiền Hải, cho biết những ngày vừa qua thiệt hại do ngao chết của gia đình ông đã lên tới hơn 5 tỉ đồng.
Tỉ lệ ngao chết tại huyện Tiền Hải đã lên tới hơn 400 ha. Ảnh: CTV
"Trời nắng nhưng nhiệt độ không cao, mấu chốt là trời không có gió do ảnh hưởng của cơn áp thấp nhiệt đới ngoài khơi hút hết gió, lại là ngày cuối con nước, nước thủy triều rút xuống khiến nhiệt độ tại bãi ngao tăng cao khiến ngao chết hàng loạt" - ông Tâm cho biết.
Cũng theo kinh nghiệm của người dân này, gió và thời gian của nước lên là yếu tố sống còn trong quá trình nuôi ngao. Tuy nhiên, với kiểu thời tiết khắc nghiệt như những ngày vừa qua, người dân cũng rất khó phòng tránh.
"Có thể nói đây là đợt ngao chết nhiều nhất trong lịch sử hàng chục năm trở lại đây. Nếu do nguồn nước mặn ngọt, môi trường thì tôi có thể điều chỉnh được nhưng riêng nguyên nhân do thời tiết khắc nghiệt như vừa qua thì khó lòng chống đỡ" - ông Tâm nói.
Anh Mai Quốc Thịnh (xóm 6, xã Nam Thịnh, huyện Tiền Hải) cũng cho biết: "Ở huyện Tiền Hải này có nhà trắng tay vì ngao chết rồi. Nhà tôi có gần 2 ha nuôi ngao, bao gồm cả ngao giống và ngao thịt. Mấy ngày vừa qua tỉ lệ ngao bị chết đến 80%, ngao thịt chết trắng bãi, ngao giống chết gần hết. Tính ra thiệt hại đã hơn 1 tỉ đồng rồi".
Theo phản ánh của người dân xã Nam Thịnh, tình trạng ngao chết năm nào cũng xảy ra nhưng ngao chết trắng bãi như những ngày vừa qua là đợt lịch sử trong nhiều năm nay mới thấy. Trước đây nguyên nhân ngao chết là do bị ô nhiễm từ sông ngòi chảy ra, nhưng gần đây tình trạng ô nhiễm cơ bản đã khắc phục được. Không còn lo về nguồn nước bị ô nhiễm thì người dân nuôi ngao lại phải đối mặt với tình trạng thiên tai khắc nghiệt, thời tiết mưa nắng thất thường.
Trời nắng nóng, nước thủy triều rút, trời không có gió khiến ngao chết hàng loạt. Ảnh: CTV
Ông Tài, một người dân nuôi ngao ở xã Nam Thịnh, cũng bị thiệt hại hơn 1 tỉ đồng.
"Nhà tôi có gần 2 ha nuôi ngao thì cũng thiệt hại gần hết. Sang đến ngày hôm nay, thời tiết mát hơn thì tỉ lệ ngao chết cũng ít hơn. Mấy ngày vừa qua trời nóng, không có gió, nước ở ruộng ngao nóng lên, giống như mình lấy nước sôi đổ vào con ngao nên tỉ lệ ngao chết rất nhiều. Nhà tôi đợt này coi như mất trắng rồi" - ông Tài buồn bã cho hay.
Ông Nguyễn Văn Chiến, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Thái Bình, cho biết tình trạng ngao chết tại huyện Tiền Hải bắt đầu xuất hiện được vài hôm nay. Ngày có tỉ lệ ngao chết nhiều nhất là ngày 7 và 8-8 vừa qua. Hiện số ngao chết tại huyện đã lên tới 400-500 ha, chủ yếu là ngao giống, loại 1.000-1.500 con/m2. Mức độ thiệt hại hiện vẫn đang được cơ quan chức năng thống kê.
Đánh giá về nguyên nhân xảy ra hiện tượng này, ông Chiến cho biết do ảnh hưởng của thời tiết khắc nghiệt. Có một số thông tin cho rằng nguyên nhân ngao chết do bão số 3 gây mưa lớn, rửa trôi nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật xuống bờ biển khiến ngao nhiễm phải và chết, tuy nhiên Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Văn Chiến phủ định thông tin trên.
"Hiện ở Thái Bình chủ yếu dùng thuốc bảo vệ thực vật sinh học nên không có chuyện ngao chết do nhiễm thuốc bảo vệ thực vật" - ông Chiến nói.
Ông Chiến cũng khuyến cáo sau khi xảy ra tình trạng ngao chết, bà con nên thu dọn ngao chết đi tiêu hủy, vệ sinh sạch sẽ ruộng ngao để chuẩn bị tiếp tục thả nuôi đợt sau.
Mỗi ngày bình quân ở Thừa Thiên- Huế có hơn 1.300 con lợn mắc bệnh và tiêu hủy vì dịch tả lợn châu Phi...