Sau 2 tháng, mít Thái mất giá tới… 5 lần
Do nguồn cung lớn nên hiện giá mít Thái siêu sớm tại nhiều tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đang giảm tới 5 - 6 lần so với thời điểm cách đây 2 - 3 tháng.
Khoảng 2 - 3 tháng trước, nhà vườn trồng mít Thái siêu sớm tại Đồng bằng sông Cửu Long hốt bạc khi một trái mít từ 10-15 kg có giá gần bạc triệu vì ở thời điểm đó, giá mít dao động từ 40.000-50.000 đồng/kg, ngang ngửa với giá sầu riêng. Nhưng hiện nay, giá mít Thái giảm một nửa do nguồn cung tăng mạnh.
Theo Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TT&BVTV) huyện Châu Thành, Châu Thành là một trong những địa phương có diện tích trồng mít Thái lớn ở Đồng Tháp với hơn 154ha, tăng hơn 18ha so với cuối năm 2017. Nếu 2 tháng trước giá mít giữ ở mức 45.000 - 50.000 đồng/kg thì nay giảm hơn 5 lần, xuống còn 10.000 đồng/kg (loại trên 10kg) và 5.000 - 6.000 đồng (sản phẩm loại 2, 3).
Nguồn cung lớn khiến giá mít Thái giảm sâu. Ảnh: BĐT.
Ông Nguyễn Văn Tư - một nhà vườn trồng mít Thái ở Châu Thành cho biết: “Giống mít Thái trồng chỉ 2 năm đã cho trái (còn được gọi là mít siêu sớm) với năng suất dao động từ 35 - 40 tấn/ha, kỹ thuật canh tác cũng không quá phức tạp. Khoảng từ cuối năm 2017 đến tháng 4/2018, giá mít Thái dao động từ 45.000 – 50.000 đồng/kg nên một số nhà vườn trồng mít có doanh thu hơn 400 triệu đồng/ha. Tuy nhiên, hiện doanh thu không còn thuận lợi như vậy nữa”.
Không chỉ Đồng Tháp, giá mít Thái cũng đang giảm mạnh tại Vĩnh Long. Anh Nguyễn Thanh Hậu, một chủ cơ sở thu mua mít Thái siêu sớm tại xã Mỹ Hoà (thị xã Bình Minh, Vĩnh Long), nói: "Thời điểm trước và sau Tết Nguyên đán, thấy mít Thái siêu sớm có giá nên tui mở cơ sở thu mua cho nhà vườn xung quanh đây với giá khoảng 40.000-45.000 đồng/kg. Một ngày chúng tôi thu mua từ 3-4 tấn và bán hết cho thương lái. Nhưng khoảng 1 tháng nay, giá mít giảm mạnh, hiện chúng tôi mua vào chỉ 20.000 đồng/kg".
Theo anh Hậu, thương lái mua mít ở các điểm thu mua tại ĐBSCL để xuất sang Trung Quốc và bán trong nội địa. Nhưng thời điểm này, do vào mùa thu hoạch rộ, nguồn cung quá nhiều nên dội chợ làm giá giảm. "Nhà vườn quanh đây giờ trồng mít nhiều lắm", anh Hậu cho biết.
Theo ông Phạm Văn Tâm - Trạm trưởng Trạm TT&BVTV huyện Châu Thành: “2 năm trước, diện tích trồng mít đã tăng mạnh nhưng số diện tích cho trái chưa nhiều, nguồn mít chưa đáp ứng nhu cầu thị trường nên giá mít ở mức cao. Đến nay, diện tích mít này đã bắt đầu cho trái đồng loạt, sản lượng mít tăng mạnh nên giá quay đầu giảm. Vì vậy, nông dân nên nắm rõ được thị trường và tìm đầu ra ổn định trước khi mở rộng diện tích trồng mít để tránh tình trạng cung vượt cầu”.
Thương hiệu nông sản Đà Lạt đang bị không ít tiểu thương tại thành phố này xâm hại bằng cách nhập hàng Trung Quốc...