Sát ổ dịch Trung Quốc, thịt lợn “xách tay” vẫn tuồn qua biên giới

Liên tiếp trong các ngày gần đây, tại khu vực giáp biên giới Trung Quốc thuộc huyện Hải Hà (Quảng Ninh), lực lượng chức năng đã bắt giữ nhiều vụ vận chuyển thịt lợn không rõ nguồn gốc.

Vào hồi 6 giờ 30 phút ngày 12.9, trên QL18B, Đội Cảnh sát giao thông, Công an huyện Hải Hà, phối hợp với Công an xã Quảng Đức đã bắt giữ một xe tải vận chuyển trái phép hơn 300kg thịt lợn không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Đối tượng là Nguyễn Văn Phú, sinh năm 1970, trú tại bản Kháy Phầu, xã Quảng Đức, điều khiển xe tải BKS 14C-126.33 đi hướng từ Cửa khẩu Bắc Phong Sinh ra QL18A, trên xe chở 320kg thịt lợn không rõ nguồn gốc.

Sát ổ dịch Trung Quốc, thịt lợn “xách tay” vẫn tuồn qua biên giới - 1

Số thịt lợn do đối tượng Nguyễn Văn Phú thu mua, vận chuyển bị bắt giữ và tiêu hủy ngay trong ngày 12.9. Ảnh: Nguyễn Quý.

Tại cơ quan chức năng, Nguyễn Văn Phú khai nhận thu mua số thịt lợn trên từ bản Pò Hèn, xã Quảng Đức, vận chuyển về các chợ trong huyện Hải Hà để tiêu thụ và không chứng minh được nguồn gốc hợp pháp của số thịt lợn đã thu mua.

Trước đó, vào ngày 8.9, Công an xã Quảng Đức đã bắt giữ Đỗ Thị Mỹ Duyên, sinh năm 1999, trú tại thôn 2, xã Quảng Phong, điều khiển xe máy chở 130kg thịt lợn không rõ nguồn gốc đi từ khu vực Cửa khẩu Bắc Phong Sinh ra QL18A.

Cũng tại huyện Hải Hà, vào ngày 16.8, trong quá trình tuần tra Công an xã Quảng Đức đã phát hiện Đỗ Thị Xuyến, sinh năm 1992, trú tại thôn 9, xã Quảng Phong, điều khiển xe máy chở 100kg thịt lợn không rõ nguồn gốc.

Theo phản ánh của người dân, cung đường vận chuyển lợn thịt, lợn giống thẩm lậu tại khu vực vành đai biên giới giáp với Trung Quốc, thuộc huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh thời gian gần đây các đối tượng vẫn lén lút hoạt động.

Sát ổ dịch Trung Quốc, thịt lợn “xách tay” vẫn tuồn qua biên giới - 2

Các đối tượng thu mua thịt lợn nhỏ lẻ, rồi chủ yếu vận chuyển bằng xe máy về nội địa. Ảnh: Hữu Việt.

Dọc Quốc lộ 18C, khu vực vành đai biên giới từ cửa khẩu Hoành Mô (huyện Bình Liêu) đến cửa khẩu Bắc Phong Sinh (huyện Hải Hà) và lối mở Pò Hèn – Thán Sản (xã Hải Sơn, TP. Móng Cái), tồn tại nhiều điểm tập kết lợn thịt, lợn giống không rõ nguồn gốc. Điểm tập kết có thể là nhà dân ở các thôn, bản giáp biên, lùm cây ven suối, hoặc đơn giản là chính chiếc xe tải chuyên dùng vận chuyển lợn.

Bản Mốc 13, xã Quảng Đức, huyện Hải Hà được xem là một trong những điểm thuận lợi nhất cho việc vận chuyển lợn nhập lậu. Cách thôn Lý Hỏa, Thị trấn Na Lương (Trung Quốc) chỉ một con suối nhỏ, bản này chủ yếu là người dân tộc Dao sinh sống, làm nghề nông, lâm nghiệp và bốc hàng thuê ở cửa khẩu Bắc Phong Sinh.

Do địa hình thuận lợi như vậy, lại có đông đảo lực lượng lao động địa phương sẵn sàng sang Trung Quốc gánh lợn qua suối về nên tình trạng người dân vận chuyển mỡ lợn, thịt lợn từ Trung Quốc về nội địa có diễn biến phức tạp.

Sát ổ dịch Trung Quốc, thịt lợn “xách tay” vẫn tuồn qua biên giới - 3

Xe tải 14C-126.33 do Nguyễn Văn Phú điều khiển chở 320kg thịt lợn bị bắt giữ đưa về trụ sở UBND xã Quảng Đức. Ảnh: Hữu Việt.

Trao đổi với Dân Việt vào chiều 12.9, ông Nguyễn Văn Đông, Chủ tịch UBND xã Quảng Đức, cho hay: “Ngay sau khi nhận được Công điện khẩn về việc chủ động ngăn chặn dịch tả lợn Châu Phi vào địa bàn tỉnh Quảng Ninh, xã đã tăng cường công tác tuần tra nắm bắt tình hình, kiểm tra, phát hiện và xử lý các đối tượng cố tình mua bán lợn và thịt lợn không rõ nguồn gốc. Tuy nhiên, do lực lượng mỏng, chủ yếu là công an xã và dân quân tự vệ, nên lác đác vẫn tồn tại một số vụ”.

Cũng trong ngày 12.9, Trung tá Trần Xuân Khánh, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Quảng Đức, khẳng định: “Không có tình trạng vận chuyển với số lượng lớn qua biên giới xã Quảng Đức. Mỗi người chỉ qua biên giới xách vài cân thịt về, rồi các đối tượng thu mua lại, tập trung lên xe vận chuyển vào nội địa. Lực lượng Biên phòng đã tăng cường lực lượng tuần tra, kiểm soát chặt chẽ khu vực biên giới, tuyệt đối không để tình trạng vận chuyển thịt lợn trái phép từ bên kia biên giới về Việt Nam”.

Theo Tổ chức Thú y thế giới, bệnh dịch tả lợn Châu Phi là bệnh truyền nhiễm mới nổi, nguy hiểm do vi rút gây ra và chưa có vaccine, thuốc đặc hiệu trị bệnh. Bệnh lây lan nhanh, xảy ra ở mọi lứa tuổi và mọi loại lợn. Gây thiệt hại nghiêm trọng với tỷ lệ chết cao 100% đối với lợn nhiễm bệnh.

Vi rút gây bệnh có sức đề kháng cao trong môi trường. Sau khi khỏi bệnh lâm sàng, lợn vẫn có khả năng mang vi rút trong thời gian dài và có thể trở thành vật chủ mang trùng suốt đời.

Đáng lưu ý, dịch tả lợn châu Phi có thể lây nhiễm xuyên biên giới thông qua việc vận chuyển, lưu hành các sản phẩm thịt lợn bị nhiễm bệnh.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Quý ([Tên nguồn])
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN