Sắp Tết, chợ truyền thống ế ẩm, tiểu thương lo lắng
Chưa đầy hai tháng nữa là Tết Âm lịch, tiểu thương các nơi cũng đã nhập nhiều hàng về phục vụ Tết. Tuy nhiên, năm nay sức mua hàng giảm khiến các chủ quầy chợ truyền thống không khỏi lo âu…
Chợ truyền thống “ế” khách
Có mặt tại chợ Phùng Khoang (tại phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội), một trong những con phố lớn của Hà Nội, phóng viên (PV) không khỏi bất ngờ trước hình ảnh vắng lặng, trái ngược với sự náo nhiệt, đông đúc cách đây 2 năm.
Chợ Phùng Khoang vắng khách những ngày giá rét
Với vị trí có thể nói là “đắc địa”, nằm gần các trường đại học như: ĐH Hà Nội, ĐH Sư Phạm Nghệ Thuật Trung Ương, Học viện An Ninh, ĐH Kiến Trúc, chợ Phùng Khoang là một điểm đến quen thuộc của giới trẻ từ nhiều năm nay.
Nếu tham quan một vòng chợ Phùng Khoang, có thể thấy, quần áo, giày dép và các loại phụ kiện được bày bán tại đây luôn theo kịp xu hướng mới nhất. Phần lớn quần áo tại chợ đều nhập từ Trung Quốc, mẫu mã đa dạng, bắt mắt, giá cả phải chăng. Thậm chí có thể xem là rẻ vì mục đích chủ yếu nhắm tới đối tượng bình dân và sinh viên. Vì lẽ đó, trước đây, gần như thời điểm nào trong ngày chợ Phùng Khoang cũng trong tình trạng tấp nập khách hàng.
Những gian hàng trở nên "ế ẩm" tại chợ Phùng Khoang
Theo chị Vân, chuyên nhận trông giữ xe máy ra vào tại chợ, năm nay, chợ Phùng Khoang ghi nhận lượng khách hàng sụt giảm “trông thấy”. Thông thường trước kia, thời tiết lạnh giá chợ sẽ rất đông khách mua sắm. Tuy nhiên, mấy hôm nay, cả chợ vẫn vắng, rơi vào trạng thái “ế ẩm”.
Anh Hùng, chủ một sạp giày dép cho biết, mở cửa từ 11h trưa nhưng đến lúc này (16h chiều) mới chỉ bán được một đôi giày và một đôi dép. Anh Hùng cho hay, năm nay cả chợ chỉ còn trông chờ vào “vụ Tết”, còn cả năm khá bết bát, lượng hàng bán ra chỉ bằng một phần ba, một nửa năm ngoái.
Mở hàng tử trưa, anh Hùng mới chỉ bán được 1 đôi giày và 1 đôi dép
“Hàng tháng tiền thuê mặt bằng đã 15 triệu, chưa kể tiền thuê nhân viên mà chẳng thấy khách đâu. Cũng có vài người vào chợ nhưng dạo quanh, tham khảo giá là chính, ít người mua" - anh Hùng chia sẻ.
So với năm ngoái, chợ Phùng Khoang vắng vẻ lạ thường
Không chỉ chợ Phùng Khoang, khu chợ trung tâm của quận Hà Đông - chợ Hà Đông, chợ Mơ (quận Hai Bà Trưng), chợ Ngã Tư Sở... cũng rơi vào tình cảnh tương tự.
Tết không dám nhập hàng
Khác với chợ Phùng Khoang chủ yếu cho sinh viên, chợ Hà Đông lại là một chợ đầu mối “quen thuộc” với tệp khách hàng gồm các tiểu thương nhỏ lẻ và cánh lái buôn.
Chị Trang, chuyên buôn bán vải và quần áo có gian hàng tại chợ Hà Đông cho biết, trong năm nay, gia đình chị đã phải đóng cửa một cửa hàng tại phường Đại Mỗ. Lượng hàng tồn kho nhiều, khiến chị và nhiều tiểu thương không dám nhập nhiều hàng Tết. Cả năm nay lượng hàng bán ra chỉ được 30 - 40% năm ngoái, có người bạn của chị còn phải trả mặt bằng, chuyển nghề khác do quá khó khăn và “lỗ” nhiều.
Chợ Hà Đông vốn sầm uất cũng trở nên vắng vẻ, thưa người
“Năm nay kinh tế khó khăn, khách mua hàng hạn chế, không mua dư tích trữ như mọi năm. Thời điểm này năm ngoái 1 ngày có thể doanh thu bán buôn 20 triệu tiền nhưng năm nay giỏi lắm chỉ được 5 triệu. Có khi cả ngày không một khách nào”, chị Trang cho hay.
Thậm chí, năm nay chị Trang mở nhiều đợt khuyến mãi hơn mọi năm, tải cả gian hàng kiểu truyền thống lên các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada, nhưng người mua cũng không “mặn mà”. Một phần vì kinh tế eo hẹp, phần nữa là do không ít cửa hàng áp dụng hình thức tương tự, khiến thị trường gần như “bão hòa” các hình thức khuyến mãi.
Đã tháng 11 Âm lịch, lượng khách hàng đến chợ Hà Đông ít đến đáng lo
Bà H., một tiểu thương chuyên buôn bánh kẹo và các loại mứt tại chợ Hà Đông cũng phải lắc đầu ngán ngẩm trước cảnh người đến hỏi giá, xem hàng thì nhiều mà người mua thì lại ít.
“Tầm này năm ngoái là cũng “vào vụ” rồi đấy, cứ nhập về bao nhiêu thì bán bấy nhiêu thôi, nhưng Tết năm nay thì chưa biết thế nào. Tầm này thì bọn cô cũng chỉ trông mong tầm tháng 12 Âm tình hình khởi sắc hơn”, bà H. nói.
Năm nay, sức mua hàng cho Tết giảm khiến bà H. lo lắng
Hỏi về phương thức bán hàng qua sàn TMĐT, bà H. chỉ cười trừ vào bảo: “Bọn cô có quen dùng mấy cái công nghệ đấy đâu, để cho con cháu dùng thôi. Cô cũng thử đăng lên mấy cái như Facebook hay Zalo gì ấy, nhưng cũng chẳng có khá hơn.”
Không chỉ lo lắng cho lượng hàng tiêu thụ những ngày Tết đến, các tiểu thương chợ truyền thống cũng lo âu về tương lai nơi các sàn TMĐT ngày càng phổ biến hơn, thuận tiện hơn. Đến một ngày nào đó, những khu chợ truyền thống này có lẽ sẽ biến mất bởi khách hàng đã chuyển sang mua online.
Theo chuyên gia bán lẻ Vũ Vinh Phú, với 74% người dân sử dụng internet, VN có khoảng 59 - 62 triệu người tiêu dùng mua sắm trực tuyến và giá trị mua sắm mỗi người ước đạt khoảng 300 - 320 USD, tăng so với con số này năm 2022 là 288 USD. Đứng trước thực trạng trên, cần phải có những cơ chế chính sách thỏa đáng, hợp lý, mang tính khả thi để tiếp tục gây dựng lại bộ mặt của kênh thương mại truyền thống đang bị sa sút.
Tuỳ theo dáng, thế, những cây đào này sẽ có giá từ vài triệu đến vài chục triệu, thậm chí là hàng trăm triệu đồng.
Nguồn: [Link nguồn]