‘Sập bẫy’ mua hàng online
Giới thiệu là hàng Mỹ, Nhật nhưng thực chất là hàng Trung Quốc.
Cục Quản lý cạnh tranh thuộc Bộ Công Thương vừa đưa ra cảnh báo tình trạng vi phạm quyền lợi người tiêu dùng (NTD) trong hình thức mua sắm trực tuyến diễn ra thường xuyên, phổ biến.
“Người dùng cần cẩn trọng với các sản phẩm quảng cáo là hàng Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc. Nhưng khi nhận hàng, kiểm tra thì phát hiện sản phẩm không có nhãn mác, thậm chí có nhãn ghi sản xuất tại Trung Quốc” - Cục Quản lý cạnh tranh lưu ý.
Quảng cáo một đằng, giao hàng một nẻo
Mới đây, chị Vân Phương, quận Tân Phú, TP.HCM đặt mua quần áo trẻ em trên shopee.vn. Tại đây có khuyến mãi mua tã vải tặng yếm ăn cho bé. Khi hàng được giao, chị không kiểm đếm, sau đó phát hiện mua đến ba tã vải mà chỉ tặng một yếm ăn. Phản hồi với người bán thì được trả lời là mỗi đơn hàng tặng một yếm! Chị khiếu nại thì mới được người bán giải quyết tặng thêm hai yếm ăn.
Rắc rối khi mua hàng online là NTD không được kiểm tra hàng khi nhận. Đây là một tình huống rất bất lợi cho NTD, vì không thể chứng minh khi mình nhận thì hàng đã bị thiếu, bị lỗi.
“Khác với hình thức mua sắm truyền thống NTD có thể nhìn, cầm, đánh giá trực tiếp sản phẩm. Trong khi mua sắm trực tuyến, NTD chỉ có thể nhìn hình ảnh sản phẩm qua thiết bị kết nối mạng thường tiềm ẩn rủi ro là không giống với sản phẩm thật” - Bộ Công Thương nêu thực tế.
Bà Nguyễn Thị Bé, quận Tân Bình, TP.HCM từng đặt mua một bình lọc nước bằng sứ. Khi hàng được chuyển đến, bà yêu cầu mở ra xem. Người vận chuyển cho rằng mình chỉ vận chuyển, hàng đã ghi rõ không cho mở kiểm tra nên họ không thể cho mở.
Mua hàng qua mạng thường tiềm ẩn rủi ro là không giống với sản phẩm thật. Ảnh: HTD
Bà Bé đề nghị họ chỉ làm chứng việc bà mở hàng, kiểm tra xem lõi sứ có bị nứt vỡ gì không. Nếu có nứt vỡ thì chỉ cần làm chứng và xác nhận, bà sẽ tự giải quyết với bên bán. Tuy nhiên, đơn vị vận chuyển không đồng ý.
Thấy không yên tâm, bà Bé ghi vào biên bản giao hàng lý do không chịu nhận hàng vì không biết hàng còn nguyên hay đã vỡ. Sau đó, bên bán gọi điện thoại cho bà xin được giao hàng lại và cho kiểm tra.
“Sở dĩ tôi làm vậy vì trước đó, một người nhà của tôi đã mua hàng, không kiểm đếm nên mua một đơn hàng nhiều món đã bị giao thiếu và còn có sản phẩm bị nứt. Tuy nhiên, bên bán từ chối đổi và bù hàng” - bà Bé cho biết.
Lật tẩy chiêu hàng rẻ
Cục Quản lý cạnh tranh cũng cảnh báo các trường hợp sàn mua bán đăng giá rất rẻ sau đó hủy đơn đặt hàng của NTD; hủy đơn hàng không lý do - NTD phải đặt lại với giá cao hơn thời điểm trước; thông báo hết hàng mặc dù trang web vẫn còn hàng nhưng với giá cao hơn...
Chị Hương, quận 2, TP.HCM cho biết chị hay mua đồ chơi trẻ em trên mạng. Có lần chị đặt mua đồ chơi Lego, thấy sàn mua sắm online A. có giảm giá 42%, từ 1,1 triệu còn có 699.000 đồng/bộ. Quá mừng vì đợt giảm giá lớn, chị Hương định đặt mua.
May thay, chị cẩn thận đối chiếu giá trên websosanh thì mới phát hiện một trang bán hàng uy tín khác rao bán sản phẩm này chỉ kê khai giá gốc là 699.000 đồng/bộ và giảm 10% còn khoảng 630.000 đồng.
“Như vậy, giá 699.000 đồng là giá gốc của sản phẩm. Thế mà ở sàn A. và một số sàn khác, sản phẩm đã bị “kích” giá lên cả triệu đồng, rồi dùng chiêu giảm giá mạnh trên 40% để giảm về lại giá gốc. Tôi thật sự thất vọng với cách làm giá ảo này” - chị Hương chia sẻ.
Trường hợp “đầu hàng” vì chế độ đổi trả phức tạp cũng khiến nhiều người ngán ngẩm với mua hàng online. Anh Tấn Lợi, quận Bình Thạnh từng mua loa Bluetooth trên 200.000 đồng. Hàng giao đến, anh mày mò mãi mà không thể kết nối với máy để loa hoạt động. Phản hồi cho bên bán, bên bán cũng vâng vâng dạ dạ và lịch sự chấp nhận đổi sản phẩm với điều kiện anh gửi sản phẩm về Hà Nội, theo đúng quy định của sàn giao dịch. Phí chuyển hàng gần 100.000 đồng, anh Lợi ngẫm nghĩ và quyết định vứt chiếc loa Bluetooth.
Cục Quản lý cạnh tranh lưu ý NTD nên sử dụng các công cụ trực tuyến để tham khảo trước khi mua hàng online. “Hầu hết các sàn giao dịch thương mại điện tử cho phép khách hàng đánh giá sản phẩm sau khi mua. Vì thế, NTD có thể tìm hiểu về sản phẩm một cách kỹ lưỡng trước khi quyết định mua. Đặc biệt, có những trang web cung cấp dịch vụ so sánh giá sản phẩm từ các trang web khác đã hỗ trợ NTD rất tốt trong việc mua qua mạng”.
Coi chừng bị lừa lấy like Thời gian qua, trên mạng xã hội Facebook, rất nhiều trang cá nhân, nhóm được lập ra nhằm quảng cáo, bán hàng. Nhiều trang đã rao hàng giá khuyến mãi cực rẻ với điều kiện người muốn mua phải like trang, share về trang cá nhân mình. Rất nhiều người thấy điều kiện rất dễ nên like và share, rốt cục lại chẳng thể mua được sản phẩm giá rẻ nào. Anh Tấn, một người bán hàng tiêu dùng trẻ em trên Facebook, cho biết từng có trang rao bán nôi gỗ chỉ với 99.000 đồng, thu hút cả trăm ngàn lượt like trang chỉ trong vòng 1-2 ngày. Sau đó mới biết là... quảng cáo câu like. “Người mua nên xem xét phần review của các trang bán hàng trên Facebook, nếu đánh giá sao thấp và review lật tẩy nhiều thì nên tránh xa trang bán hàng đó ra. Trước khi like, share cũng nên cẩn trọng, tránh tiếp tay cho lừa đảo” - anh Tấn tư vấn. _________________________________ Điều 10 Luật Bảo vệ quyền lợi NTD quy định rõ một trong những hành vi bị cấm là: “Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ lừa dối hoặc gây nhầm lẫn cho NTD thông qua hoạt động quảng cáo hoặc che giấu, cung cấp thông tin không đầy đủ, sai lệch, không chính xác”. |