Sập bẫy giấy kiểm định kim cương, đá quý dỏm

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Bỏ tiền tỉ ra mua đá quý ruby, kim cương nhưng nhiều người không hề biết rằng họ đang sở hữu tài sản không có giá trị cao.

Mới đây, một khách hàng mang đến Công ty Giám định PNJ (PNJL) để giám định lại chất lượng viên ruby thiên nhiên có khối lượng 1,257 g cùng với giấy tờ giám định. Tuy nhiên, phía PNJ đã phát hiện ra đây là giấy giám định giả mạo.

Đáng chú ý, trong tờ giấy giám định giả mạo mà khách hàng mang đến, viên ruby này được định giá lên tới 750.000 USD, tức viên đá ruby thô này tương đương gần 18 tỉ đồng.

Mất tiền oan vì tưởng đá quý nổi tiếng thế giới

Ông Đặng Ngọc Thảo, Giám đốc PNJLab, cho biết: “Đối với trường hợp trên, chúng tôi đã phát hiện ra giấy kiểm định mà khách hàng mang đến là giả mạo cả về nội dung và hình thức. Việc đưa giá vào giấy giám định nhằm đẩy giá trị của viên đá lên cao”.

Cụ thể, về hình thức, giấy giám định bị giả mạo chữ ký và con dấu. Về nội dung, giấy giám định giả còn có thêm thông tin định giá. Trong khi đó, từ trước đến nay PNJL không thể hiện định giá trên giấy giám định đá quý. Hơn nữa, khi quét mã QR thì giấy giám định giả cũng không hiển thị các thông tin liên quan.

Ngoài ra, theo ông Thảo, khi tiến hành giám định chất lượng khối đá ruby thiên thiên thì phát hiện các thông số về màu sắc, kích thước, trọng lượng, độ trong là giống nhau. Song do khối đá thô này có nhiều tạp chất nên chắc chắn không thể có chuyện giá sản phẩm đến mức cao chót vót 750.000 USD như trong giấy kiểm định giả công bố.

Đề cập đến câu chuyện này, anh Lâm Khải Trí (chủ một doanh nghiệp kinh doanh đá quý ở quận 5, TP.HCM) chia sẻ: Trên thị trường, những loại đá trôi nổi dán mác đá quý rất nhiều. Riêng với khối đá ruby kể trên thì đúng là đá ruby thiên nhiên nhưng khi chào bán bị kẻ gian dán mác là “Ruby Lục Yên” nổi tiếng thế giới. Với những người trong nghề kinh doanh đá quý họ sẽ nhận ra ngay đây không phải là đá quý “Lục Yên” và chỉ định giá khối đá thô này ở mức 2.000-3.000 USD/kg, tương đương khoảng 45-70 triệu đồng/kg là cùng.

“Có nghĩa là mức giá chào bán 750.000 USD, tương đương gần 18 tỉ đồng, của khối đá này cao gấp hàng trăm lần so với giá trị thực. Hiện trên thị trường Việt Nam không có công ty kiểm định chất lượng đá quý nào lại định giá luôn sản phẩm và ghi rõ trên tờ giấy như vậy. Cho nên chỉ cần quan sát kỹ một chút, người mua sẽ thấy ngay tờ giấy giám định khối đá ruby này có dấu hiệu bất thường” - anh Trí khẳng định.

Khi mua các sản phẩm có giá trị như vàng, đá quý, kim cương…, người dân nên đến những cửa hàng có uy tín. Ảnh: THÙY LINH

Khi mua các sản phẩm có giá trị như vàng, đá quý, kim cương…, người dân nên đến những cửa hàng có uy tín. Ảnh: THÙY LINH

Kim cương cũng bị đánh tráo

Giới kinh doanh kim loại quý cho hay không chỉ đá quý bị giả mạo mà ngay cả những người mua kim cương cũng dễ bị dính bẫy. Thậm chí có trường hợp mua kim cương có giấy kiểm định của Viện Ngọc học Mỹ (GIA). Giấy kiểm định GIA là thật nhưng kiểm định kim cương cho kết quả là kim cương nhân tạo chứ không phải thiên nhiên.

Giấy kiểm định chất lượng kim cương của GIA đạt chuẩn về chất lượng nhưng không phải cứ thấy có giấy kiểm định của cơ quan này là người mua an tâm. Bởi kẻ gian có thể tráo một viên kim cương nhân tạo có kích thước tương tự nhưng có độ trong thấp hơn và mắt thường thì không thể phân biệt được.

Sau đó, kẻ gian khắc mã số của thẻ kiểm định lên viên kim cương để tạo niềm tin cho người mua vì kẻ gian biết nhiều người mua kim cương thường dùng kính hiển vi soi mã số xem có trùng với giấy chứng nhận mới quyết định mua.

“Hiện công nghệ khắc mã số lên kim cương đơn giản chứ không còn là công nghệ xa xỉ như chục năm về trước. Do đó, khi mua bán những tài sản có giá trị, người mua cần tìm hiểu kỹ về đối tượng bán hàng hoặc đến những doanh nghiệp kinh doanh nữ trang uy tín trên thị trường” - anh Trí khẳng định.

Cần kiểm định chất lượng khi mua

Giám đốc PNJLab Đặng Ngọc Thảo cho biết: Trong thời gian qua, PNJ đã phối hợp với cơ quan chức năng xử lý các fanpage, website… giả mạo thương hiệu PNJ. Các thủ thuật thường được kẻ gian sử dụng như sử dụng logo thương hiệu PNJ, hoặc sử dụng tên gần giống, đảo ngữ như PJN hay PJ đi kèm hình ảnh của PNJ… nhằm cố tình gây nhầm lẫn cho khách hàng.

Thậm chí các đối tượng này còn sử dụng nhiều chiêu trò như thông báo trúng thưởng, mời chào bằng phần thưởng không có thật để khách hàng cung cấp thông tin cá nhân, chuyển tiền để nhận quà, chào giá bán sản phẩm thấp hơn thị trường để lừa khách hàng mua sản phẩm nhái, giả, kém chất lượng…

“Những hành vi giả mạo và các thủ đoạn lừa đảo như trên đang làm ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh chung của thị trường trang sức Việt Nam và tổn hại đến lợi ích của người tiêu dùng” - ông Thảo khẳng định.

Ông Dương Anh Vũ, chuyên gia tài chính, lưu ý khi mua hay bán đá quý, kim cương, khách hàng nên yêu cầu người bán đưa sản phẩm đi kiểm định tại đơn vị có uy tín. Đây là một trong những yếu tố quan trọng để xác định giá trị thực của tài sản.

“Với việc cất giữ, mua bán những tài sản có giá trị cao như kim cương thì có giấy chứng nhận là một trong những yếu tố quan trọng trong việc định giá sản phẩm. Thông thường, với kim cương rời, không có giấy chứng nhận có giá thấp hơn rất nhiều so với kim cương đóng vỉ và có giấy chứng nhận” - ông Vũ cho hay.

Coi chừng đá quý siêu quý hiếm, siêu bí ẩn

Anh Phạm Anh Tuấn (chủ một tiệm kinh doanh đá quý ở quận 5, TP.HCM) chia sẻ: Nghề buôn bán đá quý cũng tùy người, có người đàng hoàng nhưng cũng có người lôm côm. “Tôi từng chứng kiến có người chỉ bán tầm 400.000 đồng nhưng cùng sản phẩm đó gặp được khách sộp họ hét tới 2 triệu đồng” - anh Quý kể.

Giấy giám định chất lượng thật của PNJL (bên trái) và giấy kiểm định chất lượng giả mạo (bên phải). Ảnh: T.LINH

Giấy giám định chất lượng thật của PNJL (bên trái) và giấy kiểm định chất lượng giả mạo (bên phải). Ảnh: T.LINH

Chưa kể là trên thị trường có những tiệm rao bán đá quý siêu hot, siêu quý hiếm, siêu bí ẩn. Chẳng hạn như đá quý mặt trăng, đá thiên thạch có thể mang lại cho khách hàng nhiều may mắn, tài lộc, sức khỏe... nhưng thực tế không đúng như vậy.

“Nói chung, nghề kinh doanh đá quý cũng như kinh doanh vàng, kim cương, đều là kinh doanh dựa trên uy tín. Do đó, trước khi quyết định mua những tài sản có giá trị vật chất, tinh thần thì người mua cần tìm hiểu kỹ về nơi bán hàng hoặc đến những tiệm kinh doanh uy tín để tránh rước hàng giả, hàng kém chất lượng về nhà” - anh Tuấn khuyên.

Lãnh đạo Công ty PNJ cũng cho hay đang áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo vệ khách hàng nhằm mục tiêu minh bạch hóa thị trường, góp phần xây dựng môi trường kinh doanh trong sạch.

Nguồn: [Link nguồn]

Dòng tiền lừa đảo qua điện thoại di chuyển như thế nào?

Khi nhận được tiền lừa đảo, các đối tượng thường rút ra ngay hoặc chuyển sang tài khoản khác mua thẻ game, mua hàng...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo THÙY LINH ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN