Sản phẩm VietGAP thêm thuận lợi đầu ra
Từ tuần này, thêm một số chính sách về khuyến khích áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP) trong trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản trên địa bàn TP.HCM theo Quyết định 21 do UBND thành phố vừa ban hành bắt đầu có hiệu lực.
Hoạt động sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm VietGAP tại TP.HCM có thêm động lực để phát triển, hết lo chuyện sản phẩm VietGAP thiếu đầu ra.
Hỗ trợ A - Z
Theo Quyết định 21, ngân sách nhà nước sẽ đầu tư 100% kinh phí về điều tra cơ bản, phân tích địa hình, mẫu đất, mẫu nước, mẫu không khí để xác định các vùng sản xuất tập trung, thực hiện các dự án sản xuất nông nghiệp, thủy sản áp dụng VietGAP.
Trồng nấm linh chi VietGAP tại HTX Nấm Việt (huyện Củ Chi, TP.HCM). Ảnh: Thuận Hải
Ngân sách thành phố cũng sẽ tiếp tục hỗ trợ một lần kinh phí thuê tổ chức chứng nhận, đánh giá để cấp giấy chứng nhận sản phẩm VietGAP. Ngoài ra, trong quá trình sản xuất, các tổ chức, cá nhân còn được hỗ trợ một lần 30% kinh phí đầu tư nhà lưới, nhà kính, chuồng trại, hỗ trợ một lần 50% chi phí mua máy móc, thiết bị, kho bãi... Đối với hoạt động chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, theo Quyết định 21 sẽ hỗ trợ nông dân 50% chi phí lập báo cáo đánh giá tác động môi trường.
Ông Thái Quốc Dân – Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn TP.HCM cho biết, cùng với chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị, Quyết định 21 về đẩy mạnh phát triển VietGAP sẽ là đòn bẩy, đưa sản xuất nông nghiệp thành phố phát triển theo hướng hiện đại, đảm bảo an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường. Cũng theo ông Dân, theo Quyết định 21, tổ chức, cá nhân có nhu cầu nộp hồ sơ xét duyệt tại Sở NNPTNT TP.HCM, trong 10 ngày làm việc, Sở sẽ phối hợp với UBND xã, phường tại địa phương thẩm định, phê duyệt dự án và chuyển kinh phí đến tay nông dân.
Cùng với các chính sách hỗ trợ áp dụng VietGAP vào sản xuất, Quyết định 21 cũng thực hiện hỗ trợ kinh phí cho các hoạt động xúc tiến thương mại, xây dựng nhà sơ chế, hệ thống quản lý chất lượng… cho sản phẩm VietGAP.
Phát triển bền vững hơn
Bên cạnh các hỗ trợ đầu vào, TP.HCM cũng đang triển khai thí điểm đưa rau VietGAP ra phân phối tại chợ Bến Thành, sau đó sẽ nhân rộng ra 16 chợ loại 1 khác trên địa bàn. Bà Lê Ngọc Đào – Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM cho biết, mỗi chợ sẽ có 1 – 2 sạp rau VietGAP, sau đó tăng dần lên, từng bước đẩy lùi các sản phẩm rau củ không nhãn mác, không nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm… ra khỏi thành phố.
Cùng với thành phố, các doanh nghiệp cũng “xắn tay” chung sức lo tiêu thụ rau VietGAP. Ông Nguyễn Hữu Toàn - phụ trách thu mua của hệ thống Saigon Co.op, cho biết toàn hệ thống siêu thị này hiện tiêu thụ hơn 120 tấn rau quả/ngày, trong đó sản phẩm rau quả VietGAP chiếm hơn 60%. Cùng quan điểm, bà Trịnh Diệp Thanh Thảo – Phó Giám đốc Chợ đầu mối nông sản Thủ Đức cũng cho rằng, người tiêu dùng đã ngày càng ưu tiên chọn các sản phẩm VietGAP cho bữa cơm hàng ngày của gia đình mình. Do đó, có thêm các chính sách hỗ trợ để phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm VietGAP sẽ giúp nông nghiệp thành phố phát triển bền vững hơn trong những năm tới.