Rượu ngoại: Quản lý cách nào?

Nếu thực hiện dán tem rượu nhập khẩu ở nước ngoài thì không chỉ gây khó khăn cho doanh nghiệp, làm tăng chi phí mà còn khó quản lý tem.

Để tăng cường công tác quản lý rượu nhập khẩu, Bộ Tài chính đang có chủ trương quy định việc dán tem phải được doanh nghiệp (DN) thực hiện tại nước sản xuất, nước xuất khẩu thay vì ở điểm thông quan như lâu nay. Tuy nhiên, chủ trương này không nhận được sự đồng thuận.

Tăng thêm chi phí

Theo quy định hiện hành (áp dụng từ năm 1997 đến nay), việc quản lý rượu ngoại được thực hiện bằng biện pháp dán tem. Theo đó, chủ hàng nhập khẩu rượu phải tổ chức dán tem tại nơi kiểm tra thực tế hàng hóa dưới sự giám sát của hải quan. Có 2 loại tem rượu nhập khẩu dành cho loại dưới 30% độ cồn và loại từ 30% độ cồn trở lên.

Bộ Tài chính cho rằng nếu chủ trương dán tem rượu nhập khẩu được thực hiện tại nước sản xuất hay nước xuất khẩu sẽ có tác dụng quản lý chặt chẽ hơn đối với mặt hàng này, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh và chống thất thu ngân sách nhà nước...

Trong khi đó, Bộ Công Thương cho rằng vấn đề này đã được đặt ra từ 2 năm trước. Lúc ấy, Bộ Công Thương đã đưa vấn đề này vào dự thảo Nghị định 94/2012 của Chính phủ. Tuy nhiên, thảo luận cho thấy bên cạnh những lợi ích vẫn còn có nhiều hạn chế do việc dán tem rượu nhập khẩu. Cụ thể là làm tăng chi phí trong chuỗi cung cấp và tạo gánh nặng cho các cơ sở kinh doanh. Nhà nhập khẩu sẽ phải mua tem tại Việt Nam gửi ra nước ngoài để dán trước khi đưa hàng về nước ta. Việc này gây nhiều khó khăn cho nhà xuất khẩu có các sản phẩm xuất khẩu số lượng nhỏ thông qua nhà phân phối thứ ba.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng nhận được nhiều phản ứng của các thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) như Mỹ, EU, Úc, Mexico về chủ trương này. Các nước thành viên WTO cho rằng việc yêu cầu dán tem rượu nhập khẩu tại nước sản xuất, xuất khẩu có thể tạo ra sự cản trở quá mức cần thiết cho thương mại và có thể bị coi là không tuân thủ đầy đủ quy định của tổ chức này về hàng rào kỹ thuật.

Trong văn bản gửi Tổng cục Hải quan, Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát cho rằng thực hiện dán tem rượu nhập khẩu ở nước ngoài không chỉ gây khó khăn cho hoạt động của DN, làm tăng chi phí mà còn khó quản lý tem.

Rượu dỏm vẫn tràn lan

Dù các quy định về quản lý rượu ngoại dần được siết chặt hơn nhưng hiện nay, người tiêu dùng trong nước vẫn thường xuyên uống phải rượu dỏm. Rượu dỏm được nhập về theo các đường tiểu ngạch, quà biếu, thậm chí pha chế ngay trong nước bằng cồn, nước và đóng trong vỏ chai xịn thu mua qua đội quân đồng nát.

Theo thống kê của lực lượng QLTT, vi phạm đối với mặt hàng rượu trong vài năm gần đây khá phổ biến. Vi phạm nhiều nhất liên quan tới mặt hàng rượu là hành vi buôn bán, vận chuyển rượu nhập lậu. Cụ thể, năm 2011, số lượng rượu ngoại bị thu giữ lên đến 13.546 chai các loại, trong đó có 10.854 chai nhập lậu. Năm 2012, lực lượng QLTT thu giữ 16.239 chai, trong đó có 12.730 chai rượu nhập lậu. Cũng theo số liệu của Cục QLTT, 5 tháng đầu năm 2013, lực lượng này đã thu giữ 5.288 chai rượu các loại, trong đó có 3.018 chai rnhập lậu.

Các địa phương phát hiện vi phạm về rượu nhập lậu nhiều nhất là Tây Ninh, An Giang, TP HCM, Quảng Trị, Hà Nội, Quảng Ninh.  

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tô Hà (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN