Rượu ngoại: Phân biệt thật giả thế nào?

Rượu ngoại dỏm len vào các giỏ quà khiến nhiều người tiêu dùng không để ý, đến khi mua về mới tá hỏa thấy chỉ có vỏ chai là thật.

Lợi dụng tâm lý người tiêu dùng muốn mua rượu ngoại, mẫu mã đẹp làm quà biếu, nhiều cơ sở đã dán tem nhãn nhập khẩu giả để “hô biến” thành rượu ngoại.

Rượu ngoại “made in Vietnam”

Trong vai người đi mua rượu để biếu tết, chúng tôi có mặt tại chợ Bình Tây, nơi cung cấp hàng cho các chợ lẻ và các tỉnh lân cận TP.HCM. Một nhân viên cửa hàng thương mại Vĩnh Xương đon đả mời chào: “Nếu biếu số lượng nhiều thì nên lấy hàng Việt, giá vừa phải lại do trong nước làm nên chất lượng yên tâm!”. Theo người này thì loại rượu “ngoại” “made in Vietnam” này do các cơ sở rượu ở Dĩ An, Bình Dương sản xuất.

Giá rượu champagne chỉ từ 60.000 đến 100.000 đồng/chai, loại rượu mạnh như whisky được nhái thành whishy giá từ 150.000 đến 200.000 đồng/chai.

Khi chúng tôi đặt vấn đề muốn mua rượu ngoại xách tay xịn thì được giới thiệu rượu XO giá 540.000 đồng/chai, Johnnie Walker Red Label giá 260.000 đồng/chai. Điều dễ nhận thấy ở các chai rượu ngoại này là tem nhãn có màu sắc mờ nhạt, dán lôm côm trên nắp chai, dễ bóc. Thấy chúng tôi băn khoăn điểm này, người bán hàng bĩu môi: “Rượu ngoại làm sao chứng minh thật, giả được. Chúng tôi bán hàng bao nhiêu năm nên không lừa khách đâu!”.

Còn với cửa hàng Dủ Nguyên, nơi phân phối bia, rượu đi nhiều tỉnh, khi chúng tôi đặt vấn đề mua rượu ngoại và cần xuất hóa đơn thì bà chủ tỉnh queo: “Mua bia mới có hóa đơn còn rượu ngoại thì chịu. Chúng tôi chỉ là cửa hàng, làm sao có hóa đơn để xuất!”. Trường hợp cửa hàng không xuất được hóa đơn có thể do cửa hàng đó không có chức năng kinh doanh rượu. Hoặc đây là mặt hàng lậu.

Rượu ngoại: Phân biệt thật giả thế nào? - 1

Rượu dỏm thường len lỏi vào những giỏ quà. Ảnh: KIM THOA

Mặt khác, theo lời kể của bạn bè, chúng tôi tìm đến đường Nguyễn Thông (quận 3, TP.HCM), nơi tập trung bán rất nhiều sản phẩm rượu và giỏ quà biếu. Qua tìm hiểu thì thấy các chai rượu đóng trong những giỏ quà đều có tem nhãn mờ nhạt, rất dễ bóc. Giá của các giỏ quà này không rẻ, có giỏ lên tới gần 2 triệu đồng vì có chai rượu hiệu Hennessy.

Từng có kinh nghiệm về các gói quà dạng này, chị Nguyễn Thanh Nhàn, nhà ở quận Thủ Đức kể dịp tết thường được khách hàng tặng rất nhiều giỏ quà. Nhưng đến khi bóc quà ra chị mới tiu nghỉu vì không biết giải quyết sao với đống rượu ngoại dỏm. “Biết là rượu dỏm rồi thì chỉ còn cách để ở nhà làm cảnh hoặc bỏ chứ không dám uống vì có biết họ cho gì vào trong đó đâu!” - chị Nhàn nói.

Vỏ rượu ngoại, ruột Đà Lạt

Ngày 25-1, Cơ quan CSĐT Công an quận Tây Hồ, Hà Nội đã khởi tố vụ án liên quan đến việc sản xuất, buôn bán hàng giả. Trước đó, kiểm tra, phát hiện tại căn biệt thự hoang, xã Xuân Đỉnh, huyện Từ Liêm (Hà Nội) đang sản xuất rượu vang giả với thủ đoạn biến vang Đà Lạt thành các loại rượu vang nổi tiếng như vang Chile, Bordeaux trị giá hơn 93 triệu đồng. Sau khi được giám định tại Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an, kết quả sơ bộ cho thấy tất cả tem nhập khẩu dán trên chai, hộp và số tem rời thu tại hiện trường đều là tem giả.

Đại diện Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM cho biết thêm trong tháng 1 đã tạm giữ hơn 445.000 đơn vị sản phẩm và 52.913,8 kg hàng nhập lậu, hàng cấm, hàng giả gồm thực phẩm, bia, rượu, sữa nước... phần lớn xuất xứ từ Trung Quốc. Đồng thời, trong số hàng không chứng từ có đến 843 chai rượu ngoại và 2.188 chai bia Heineken.

Theo ông Phan Hoàng Kiếm, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM, năm nào vào cận tết tình hình hàng gian, hàng giả cũng diễn biến phức tạp hơn, trong khi lực lượng thực hiện lại mỏng so với địa bàn rộng lớn của thành phố, các đối tượng làm hàng gian, hàng giả ngày càng nhiều thủ đoạn tinh vi, gây khó khăn cho cơ quan chức năng. “Vì vậy, ngoài thực hiện kiểm tra trước, trong và sau tết như kế hoạch, dịp cận tết chúng tôi sẽ tập trung kiểm tra nhiều mặt hàng thiết yếu, trong đó có rượu. Vừa qua, Sở Công Thương cũng đã có văn bản chỉ đạo Cục Quản lý thị trường phối hợp cùng các đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra, phát hiện các hành vi vi phạm về sản xuất, kinh doanh rượu để đảm bảo an toàn cho sức khỏe người dân trong dịp tết.

Cách phân biệt rượu ngoại thật, giả

Mức rượu: Các loại rượu mạnh như Brandy, Cognac, Whisky… chính gốc được đóng chai tự động nên mức rượu trong chai rất đều nhau. Các đối tượng làm hàng giả thường chỉ đóng chai thủ công nên mức rượu bên trong chai thường không đều nhau.

Màu sắc: Quan sát một dãy sản phẩm rượu cùng nhãn hiệu bày bán trên kệ trong cửa hàng, ở cùng một góc ánh sáng chiếu vào, nếu chai nào có màu sắc khác biệt so với những chai còn lại thì có thể nghi ngờ đó là hàng giả.

Kiểm tra nhãn: Hầu hết những chai rượu giả đều sử dụng lại chai thật, nhãn thật nhưng có thể trong quá trình tẩy rửa chai, nhãn thật bị trầy xước hoặc bị bong ra, do đó các đối tượng làm hàng giả in nhãn giả thay thế. Sự khác biệt lớn giữa nhãn thật và nhãn giả là nhãn giả không thể bắt chước in chữ nổi, màu ánh kim… như hãng sản xuất chính gốc.

Kiểm tra nắp/nút: Nếu quan sát kỹ, các nắp thật được sử dụng lại có thể còn lưu các vết xước nhỏ trong quá trình đậy, đường rãnh không tinh tế và đều đặn như nắp thật…

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo M.Phương - T.Uyên - K.Thoa (Pháp luật TPHCM)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN