Rượu bình dân náo loạn thị trường

Rượu nếp 29 Hà Nội “chết” vào đúng lúc cao điểm tiêu thụ rượu cuối năm. Theo đó, không ít nhãn hiệu rượu bình dân và phổ thông khác đua nhau náo loạn thị trường nhằm chiếm lĩnh thị phần béo bở.

Rượu tăng giá

Trước đây, rượu nếp 29 Hà Nội chiếm lĩnh thị trường khá tốt do giá thành siêu rẻ nhưng sau sự cố pha cồn đánh véc-ni làm rượu, nhãn hiệu này “chết” hẳn. Tuy nhiên, sau “cái chết đột ngột” đó, thị trường rượu bình dân trống một mảng thị phần khiến cho các dòng rượu phổ thông nội địa khác có cơ hội. Cùng với nhu cầu rượu dùng Tết gia tăng, các loại rượu này cũng điều chỉnh tăng giá trục lợi.

Chị Hoàng Thị Lý, chủ đại lý hàng hoá tổng hợp phố Dương Quảng Hàm, Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết: “Sau sự cố rượu nếp 29 Hà Nội, khách mua rượu tỏ ra khá thận trọng nhưng nghịch lý là giá rượu vẫn đang tăng. Giá bán sỉ các loại như Vodka Hà Nội hiện là 490.000 đồng/thùng, tăng thêm 15.000 đồng/thùng. Các loại rượu vang Đà Lạt, vang Thăng Long, vodka Men cũng tăng từ 20.000 - 30.000 đồng/thùng”.

Rượu bình dân náo loạn thị trường - 1

Người tiêu dùng hiện rất cẩn trọng khi chọn mua rượu. Ảnh: M.H

Kinh nghiệm chọn rượu

Theo ông Nguyễn Chí Thanh, người tiêu dùng cần kiểm tra tem, nhãn và nắp chai. Nếu là chai “xịn” quay vòng thì sẽ không tránh khỏi những trầy xước trong quá trình súc rửa chai. Nhãn mác giả không có độ sắc nét và không có ánh kim như nhãn mác chính hãng. Rượu chính hãng thường sử dụng tem vỡ, không thể bóc tách và rất dễ nhận biết. Khi dùng, ngoài việc ngửi hương rượu nếu thấy có mùi sốc là rượu đó có hàm lượng cồn cao…

Giá bán lẻ các loại rượu trên cũng được điều chỉnh tăng thêm từ 5.000- 10.000 đồng/chai. Theo dự đoán của các doanh nghiệp, tiểu thương kinh doanh rượu thì dịp giáp Tết Nguyên đán giá rượu bán lẻ sẽ tiếp tục tăng. Ông Nguyễn Tiến Vượng, Phó tổng giám đốc Hapro Hà Nội cũng thừa nhận: “Giá rượu nội như vodka Men, vodka Hà Nội, vang Thăng Long, vang Đà Lạt… đã điều chỉnh tăng giá”.

Các nhãn hiệu rượu ngoại cũng liên tục được điều chỉnh tăng giá từ 15- 20%. Giá bán sỉ các loại bia, nước ngọt cũng tăng thêm từ 15.000- 20.000 đồng/thùng.

Rượu “giá mềm” nhiều đất sống

Anh Nguyễn Hoàng Tuấn, chủ quầy rượu Hoàng Tuấn (phố Tôn Thất Tùng, Hà Nội) cho biết: “Sau khi xảy ra sự cố làm chết nhãn hiệu rượu nếp 29 Hà Nội, những “đệ tử lưu linh” chia ra nhiều quan điểm nhậu. Người ít điều kiện lại hay nhậu chuyển sang dùng vodka Men, vodka Hà Nội hoặc rượu nấu gửi từ quê ra. Người có tiền thì chuyển sang rượu ngoại… Ngoài nguyên nhân vào cao điểm tiêu thụ dịp Tết thì cái “chết” bất ngờ của rượu nếp 29 Hà Nội cũng là một trong những nguyên nhân khiến giá rượu tăng”.

Ông Nguyễn Chí Thanh, Giám đốc kỹ thuật Công ty CP Quốc tế Baltic, một chuyên gia về kỹ thuật rượu vodka cho biết: “Rượu sử dụng nút chai bằng vỏ nhôm nên rất dễ bị làm giả. An toàn nhất là người tiêu dùng nên chọn mua rượu nút nhựa của các nhà sản xuất uy tín. Công nghệ nút nhựa không cho phép tháo được nút ra, không cho phép đổ chất lỏng từ ngoài vào, trừ khi… đập vỡ chai. Các cơ sở rượu lậu trong nước cũng như nước ngoài muốn làm giả cũng không thể vì chi phí cho dây chuyền làm loại nút nhựa rất đắt, có thể lên tới 200 triệu USD”.

Cũng theo ông Thanh, nhiều người chuyển sang dùng rượu ngoại tuy nhiên không thể đảm bảo an toàn tuyệt đối cho mình. Vì rượu ngoại giá cao mới là tâm điểm làm hàng giả, hàng nhái của dân buôn lậu rượu.

Mặc dù vậy, một yếu tố khác là đời sống khó khăn, sức mua giảm sút thê thảm nên các hãng rượu ngoại đắt tiền cũng khó lòng chiếm lĩnh thị phần. Đó cũng chính là một lý do khiến các hãng rượu nội bình dân và phổ thông được thể “náo loạn thị trường” trong cuộc đua giá cuối năm.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Mai Hạnh (Gia đình xã hội)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN