Rước bệnh khi dùng đồ sida
Với nhiều ưu điểm như rẻ, độc, lạ nên các loại quần áo, thời trang đã qua sử dụng được nhiều người săn tìm. Nhưng thời gian gần đây, không ít người đã gặp cảnh “tiền mất tật mang” vì lỡ mua nhầm sản phẩm có chứa mầm bệnh.
Từ lâu, đồ cũ còn gọi là hàng bành, hàng thùng hay hàng sida đã trở nên quen thuộc với nhiều người, nhất là những người có thu nhập thấp. Các cửa hàng chuyên bán loại hàng này xuất hiện ở khắp nơi, từ chợ đến các khu dân cư. Vì là đồ cũ nên hàng sida có giá khá rẻ, từ vài chục ngàn đến vài trăm ngàn đồng, thậm chí chỉ vài ngàn đồng/món. Tuy nhiên, hiện nay không ít đồ cũ nhưng vẫn có giá cả triệu đồng/bộ. Đây thường là hàng có thương hiệu, người sử dụng mua về dùng vài lần rồi bán lại. Những người thích chơi hàng hiệu nhưng ít tiền thường tìm đến các sản phẩm này.
Mua bệnh mà không biết
Ở TP HCM, “tín đồ” của hàng sida dễ dàng tìm thấy sản phẩm này ở các khu vực như chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh), chợ Hoàng Hoa Thám, chợ Trần Hữu Trang (quận Tân Bình). Cao cấp hơn thì có các cửa hàng ở đường Hồ Xuân Hương, Trương Định, Nguyễn Đình Chiểu... (quận 3).
Chị Thảo, nhân viên một công ty xuất nhập khẩu ở quận 3, là khách “ruột” của nhiều cửa hiệu chuyên bán đồ sida ở chợ Bàn Cờ. Gần như thói quen, ngày nào chị cũng tranh thủ giờ nghỉ trưa cùng đồng nghiệp đi sắm... đồ cũ. Vì là khách quen nên mỗi khi có hàng mới, chị Thảo luôn là người được ưu tiên lựa chọn trước. Gần đây, chị Thảo phát hiện mảng da trước ngực xuất hiện nhiều đốm tròn như đồng xu và có mụn nước màu đỏ. Chúng phát triển nhanh và gây ngứa rất khó chịu. Đến Bệnh viện Da liễu TP HCM, chị mới biết mình bị hắc lào và nguyên nhân đến từ các loại nấm xuất hiện trên quần áo cũ. Theo lời bác sĩ, chị Thảo phải uống thuốc và bôi ngoài da gần 1 tháng mới hết. Một trường hợp khác được bác sĩ cho biết là chị L.M.V (ngụ quận Bình Thạnh), cũng là “tín đồ” của hàng bành. Vài tháng trước chị bị nấm tổ đỉa ăn sạch 10 đầu ngón chân chỉ vì trót mua giày sida có mang mầm bệnh và chị phải tốn không ít thời gian và tiền bạc để chữa trị chứng bệnh quái ác này.
Trường hợp của chị N.H.Th (ngụ tỉnh Tiền Giang) còn bi đát hơn khi lỡ dại mua chiếc nón sida hàng hiệu với giá rẻ. Vì quá thích nên chị Th. đội ngay lên đầu mà quên phải làm vệ sinh kỹ trước khi sử dụng. Hai ngày sau, da đầu chị Th. bị ngứa bất thường, cảm giác như có chấy rận đang bò. Vốn là người sạch sẽ, chị Th. không nghĩ là mình bị chấy rận mà tưởng do nóng gan. Ít ngày sau, cả chồng và con chị đều than ngứa đầu. Vạch đầu đứa con gái ra xem, chị Th. hoảng hồn khi thấy da đầu của con đầy trứng chấy trắng xóa. Lúc này, chị nghĩ ngay đến chiếc nón hiệu vừa mua mấy ngày trước nhưng đã quá muộn.
Một điểm bán hàng sida ở TP HCM Ảnh: Hồng Thúy
Giặt cũng không hết
Theo bác sĩ Đặng Thị Tốn, nguyên cán bộ giảng dạy bộ môn da liễu Trường Đại học Y Dược TP HCM, đồ cũ thường chứa các mầm bệnh như vi trùng Corynebactcrium gây bệnh Erythrasma, ký sinh trùng gây bệnh chấy rận, vi nấm thân, nấm bẹn, nấm chân… Một số có thể sống được tối đa vài tuần nếu không tiếp xúc với người và dễ bị tiêu diệt bằng các chất tẩy rửa. “Nhưng nếu là vi nấm, chúng có thể sống rất lâu dưới dạng bào tử và không bị tiêu diệt bằng cách giặt giũ thông thường” - bác sĩ Tốn chia sẻ. Để tránh bị vi nấm xâm nhập cơ thể, cách tốt nhất là không nên dùng các loại đồ cũ mà người khác đã sử dụng như quần áo, giày dép, mũ... khi không biết rõ nguồn gốc. Nếu đã dùng phải vệ sinh kỹ bằng xà bông diệt khuẩn, phơi nắng hoặc ủi ở nhiệt độ cao nhiều lần để diệt hết mầm bệnh.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, đồ sida có trên thị trường hiện nay chủ yếu được nhập về từ nước ngoài bằng đường tàu biển. Chúng được đóng thành từng kiện hàng lớn, xếp chồng với nhau trong các container. Vì thời gian vận chuyển khá lâu và được bảo quản trong môi trường yếm khí ẩm mốc nên rất dễ sinh ra các loại ký sinh trùng, vi trùng có hại cho da.
Các chuyên gia y tế khuyên khi mua quần áo, giày dép cũ, người sử dụng cần tránh mặc thử trước khi mua để tránh lây lan những bệnh mà người trước đã dính phải hoặc các nấm mốc xuất hiện trong quá trình vận chuyển, bảo quản.
Nguồn gốc Đồ sida có mặt ở Việt Nam từ những năm 80 của thế kỷ trước do Tổ chức Hợp tác phát triển quốc tế Thụy Điển (SIDA) kêu gọi người dân gom quần áo cũ viện trợ nhân đạo cho Việt Nam. Sau này, khi SIDA dừng chương trình viện trợ đồ cũ thì cái tên “sida” đã trở nên quen thuộc, gắn với những món đồ cũ, quần áo đã qua sử dụng. Đồ sida được nhập về bằng đường biển và cả đường bộ, chủ yếu là đồ cũ đã qua sử dụng của người dân ở các nước lân cận. Dân buôn đồ sida sau khi nhập về, khui thùng và phân chia hàng làm 3 loại theo giá bán: hàng cao cấp, hàng bình dân và hàng xá. |