Rớt giá trầm trọng, nhà nông chặt bỏ cây "tiền tỉ" hồ tiêu, cà phê

Sự kiện: Kinh Doanh

Kết thúc vụ thu hoạch tiêu, cà phê và điều năm nay tại nhiều địa phương trong tỉnh Đồng Nai, nông dân tiếp tục chặt bỏ 3 loại cây trồng này trên diện tích lớn. Nguyên nhân là do vài năm gần đây, các loại cây công nghiệp nói trên xuống giá trầm trọng, nông dân lỗ vốn.

Bà con cho biết, sở dĩ họ chặt bỏ những cây công nghiệp là để chuyển sang trồng cây ăn trái, trong khi việc tiêu thụ trái cây cũng chủ yếu là bán trái tươi tại thị trường nội địa và xuất khẩu sang Trung Quốc.

Luẩn quẩn trồng - chặt - trồng

Bao nhiêu năm qua, ngành nông nghiệp liên tục chứng kiến những cơn sốt chuyển đổi cây trồng, hết đổ xô trồng cao su, cà phê rồi bị chặt bỏ chuyển sang trồng tiêu. Hiện cây tiêu lại bị đồng loạt chặt bỏ để chuyển sang các loại cây ăn trái xuất khẩu tốt, có giá cao như: chuối, mít, sầu riêng, bưởi…

Rớt giá trầm trọng, nhà nông chặt bỏ cây "tiền tỉ" hồ tiêu, cà phê - 1

Một vườn tiêu xơ xác vì bị chặt bỏ tại xã Hàng Gòn, TX.Long Khánh. Ảnh: B.Nguyên

Theo ông Hoàng Văn Lập (xã Thanh Bình, huyện Trảng Bom), vừa kết thúc vụ thu hoạch nông dân tại địa phương đã chặt bỏ cây tiêu vì càng để càng thua lỗ. Thời điểm này, giá chuối xuất khẩu đang bán được ở mức cao nên nhà nhà đua nhau trồng chuối.

“Vườn tiêu của gia đình tôi đang ở giai đoạn cho năng suất cao nhưng tôi vẫn quyết định chặt bỏ để chuyển sang trồng chuối xuất khẩu. Điều khiến nông dân ở đây yên tâm mở rộng diện tích chuối là vì có doanh nghiệp về địa phương đầu tư kho đóng hàng xuất khẩu và cam kết bao tiêu cho nông dân” - ông Lập nói.

Hợp tác xã thương mại, dịch vụ, nông nghiệp Xuân Quế (xã Xuân Quế, huyện Cẩm Mỹ) là một trong những đơn vị thực hiện thí điểm Chương trình phát triển cà phê bền vững 4C theo chuẩn toàn cầu của Đồng Nai. Thế nhưng sau vụ thu hoạch vừa qua, hàng chục hécta cà phê tiếp tục bị xã viên chặt bỏ.

Theo ông Trần Quang Hiệp, Giám đốc Hợp tác xã thương mại, dịch vụ, nông nghiệp Xuân Quế, trước đây vùng này chủ yếu trồng điều, cao su, cà phê, tiêu. Nhưng hiện nay hầu hết diện tích đều chuyển sang trồng bưởi, bơ, sầu riêng.

“Ngay cả cánh đồng lớn cà phê 4 C có doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu sau đôi ba năm đã giảm cả 100 hécta. Hiện các xã viên chỉ giữ được hơn 200 hécta cà phê nhưng đều trồng xen canh cây ăn trái chứ không còn trồng thuần cà phê như trước. Đa số nông dân đều gặp khó khăn khi chọn lựa cây trồng mới vì mù mờ thông tin về nhu cầu thị trường, nên thấy nông sản nào đang có giá là họ đầu tư” - ông Hiệp nói.

Rớt giá trầm trọng, nhà nông chặt bỏ cây "tiền tỉ" hồ tiêu, cà phê - 2

Nông dân ở xã Bàu Hàm, huyện Trảng Bom chặt cây cà phê. Ảnh: B. Nguyên

Vòng luẩn quẩn chặt - trồng này cũng bắt đầu xảy ra với dòng cây ăn trái. Ông Nguyễn Long Sang, chủ trang trại nông nghiệp tổng hợp Quang Sang (xã Thanh Sơn, huyện Định Quán) nhận xét: “Giai đoạn trước, nhà vườn chặt tiêu, cà phê để trồng quýt, bưởi. Nhiều nhà vườn quýt còn tơ chưa cho thu hoạch thì vài tháng trước quýt rớt giá, dịch bệnh phát sinh nhiều nên chỉ riêng ở xã này hiện đã có hàng chục hécta quýt bị chặt bỏ. Đa số nông dân chặt bỏ quýt đều chuyển sang trồng mít siêu sớm, vì từ năm ngoái đến nay mặt hàng này luôn đứng ở mức cao, có thời điểm lên đến 50-60 ngàn đồng/kg”.

Lo thiếu nguyên liệu chế biến

Cà phê, tiêu, điều được Đồng Nai xác định là 3 mặt hàng chủ lực được tập trung đầu tư chế biến sâu trong đề án nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm nông nghiệp trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Việc giảm nhanh diện tích các loại cây công nghiệp trên gây hệ lụy không nhỏ cho ngành chế biến.

Bà Nguyên Vũ Hồng Mây, Giám đốc Công ty TNHH xuất nhập khẩu Thủ Mây (huyện Xuân Lộc) nhận xét: “Hiện giá hạt điều nguyên liệu giảm mạnh, nhưng doanh nghiệp chế biến không có lợi. Nhiều doanh nghiệp đang tồn kho lớn nhưng không dám nhận đơn hàng nhiều vì lúc nhập nguyên liệu đầu mùa ở mức giá cao đến khi bán ra gặp cảnh nhân điều rớt giá nên càng bán càng lỗ”.

Khó khăn lớn nhất với doanh nghiệp chế biến là giá nguyên liệu biến động quá lớn. Nguyên nhân chính là do diện tích điều đang dần thu hẹp; nguyên liệu chế biến ngày càng phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu.

Năm 2018, nhiều tập đoàn lớn của Đồng Nai đều đẩy mạnh đầu tư chế biến mặt hàng cà phê. Cụ thể, Nestlé Việt Nam vừa đưa vào hoạt động dây chuyền sản xuất viên nén NESCAFÉ Dolce Gusto với công suất 2.500 tấn cà phê/năm ở Khu công nghiệp Amata. Công ty cổ phần cà phê Tín Nghĩa cũng khánh thành nhà máy cà phê hòa tan 3.200 tấn thành phẩm/năm giai đoạn 1 ở Khu công nghiệp Nhơn Trạch 3.

Rớt giá trầm trọng, nhà nông chặt bỏ cây "tiền tỉ" hồ tiêu, cà phê - 3

Biểu đồ thể hiện diện tích một số loại cây công nghiệp: điều, cà phê, tiêu vào cuối năm 2018 và 3 tháng đầu năm 2019; diện tích một số cây ăn trái: chuối, bưởi, thanh long hiện nay và mức tăng so với năm 2018 (Thông tin: Bình Nguyên - Đồ họa: Hải Quân)

Không chỉ những tập đoàn lớn mà nhiều doanh nghiệp tư nhân trong ngành cà phê cũng đang mở rộng sản xuất. Vùng nguyên liệu cà phê đang dần thu hẹp lại cũng là nỗi lo cho doanh nghiệp đầu tư.

Ông Vũ Xuân Phong, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Nam Phong (TP.Biên Hòa) cho hay: “Doanh nghiệp đang tập trung đa dạng các sản phẩm cà phê chế biến song song với việc mở rộng các kênh tiêu thụ. Giữ được diện tích cà phê, nhất là hình thành được những vùng chuyên canh là điều quan trọng nhất để doanh nghiệp yên tâm đầu tư chế biến sâu cho loại nông sản này”.

Rủi ro lớn do sản xuất manh mún

Ông Nguyễn Hữu Đạt, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam so sánh: “Diện tích nhóm 10 loại trái cây chủ lực xuất khẩu mạnh của Việt Nam gồm: thanh long, chuối, xoài, bưởi, sầu riêng... đang tăng nhanh. Theo kế hoạch đến năm 2020, tổng diện tích của các loại trái cây trên sẽ tăng lên 810 ngàn hécta và đạt 1,2 triệu hécta vào năm 2030. Nhưng hiện giá trị xuất khẩu rau quả Việt Nam chỉ chiếm khoảng 1% thị phần nhập khẩu rau quả thế giới. Nếu Việt Nam không khai thác tốt tiềm năng lớn của thị trường xuất khẩu thì ngành rau quả sẽ đối mặt với cơn khủng hoảng thừa”.     

Như vậy, việc nông dân chạy theo phong trào đua nhau tăng nhanh diện tích các loại trái cây xuất khẩu mà thiếu định hình cụ thể về kênh tiêu thụ sẽ mang lại nhiều rủi ro về thị trường như đang xảy ra cơn khủng hoảng thừa ở cây tiêu.

Ông Phạm Văn Quý, Giám đốc Công ty TNHH Hồng Thái Dương (huyện Định Quán) chuyên xuất khẩu trái cây nêu dẫn chứng cụ thể về nguyên nhân những đợt trái chuối xuất khẩu rớt giá như: Vụ thu hoạch tại Việt nam trùng với vụ thu hoạch của Trung Quốc; những dịp lễ, Tết thị trường tiêu thụ chậm hơn khiến Trung Quốc giảm nhập hàng; năng lực thương lái chỉ mới tổ chức đóng được 10 container chuối/ngày nhưng vườn của nông dân cho thu hoạch gấp 2-3 lần…

Để phát triển đúng cây trồng thị trường đang cần, điều quan trọng nhất là phải có thông tin tổng quát nhưng cũng hết sức cụ thể, chi tiết về sự biến động của nhu cầu tiêu thụ nội địa và thế giới theo từng mùa, thậm chí từng tháng, từng tuần để điều chỉnh sản xuất sao cho phù hợp nhất.

Theo nhiều doanh nghiệp xuất khẩu trái cây trên địa bàn Đồng Nai, nguyên nhân thực của việc Đồng Nai từng phải “giải cứu” chuối, thanh long xuất khẩu không chỉ do diện tích các cây trồng này tăng lên quá nhanh hay xuất khẩu gặp khó mà chủ yếu do nông dân sản xuất “lệch” với nhu cầu của thị trường. Đây là hệ lụy của lối sản xuất tự phát, mù mờ thông tin về thị trường.

Tiêu chết như ngả rạ, giá rẻ như rau, nhà nông Tây Nguyên “chết mòn”

LTS: Tình trạng hồ tiêu chết như ngả rạ ở các tỉnh Tây Nguyên, điển hình là tỉnh Gia Lai, trong thời gian gần đây đang...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Bình Nguyên ([Tên nguồn])
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN