Rộng đường xuất khẩu nông sản

 Hiệp định Thương mại tự do (FTA) Việt Nam – Liên minh Kinh tế Á – Âu mở ra cơ hội cho nông sản, nhưng để bước qua được cánh cửa này, tận dụng cơ hội, các doanh nghiệp (DN) Việt Nam còn phải nỗ lực rất nhiều...

Sau 8 phiên đàm phán chính thức và nhiều phiên họp giữa kỳ, chiều tối 29.5, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng Thủ tướng các nước: Nga, Belarus, Kazakhstan, Kyrgyzstan và Armenia chính thức ký FTA giữa Việt Nam với Liên minh Kinh tế Á – Âu. Việt Nam là quốc gia đầu tiên ký kết với liên minh có tổng GDP lên tới 4.500 tỷ USD và một thị trường rộng lớn lên tới 170 triệu dân. Sau khi hiệp định được ký kết, phía Liên minh Kinh tế Á - Âu sẽ dành cho Việt Nam ưu đãi thuế quan đặc biệt. Các mặt hàng nông sản, thủy sản của Việt Nam sẽ được hưởng mức thuế suất 0%. Thuế với các mặt hàng mà Việt Nam có thế mạnh khác như dệt may, da giày và đồ gỗ sẽ được giảm tới 80% và theo lộ trình cũng sẽ được miễn hoàn toàn trong thời gian tới. Đây có thể nói là cơ hội lớn đối với các DN Việt Nam.

Thị trường mở

Ông Đặng Hoàng Hải-Trưởng đoàn đàm phán cấp kỹ thuật hiệp định này nhận định: Về tổng thể FTA Việt Nam-Liên minh Kinh tế Á-Âu rất có ý nghĩa, trong đó lợi thế là bao trùm lên tất cả vì chúng ta là nước đầu tiên ký FTA với Liên minh Kinh tế Á-Âu, được hưởng lợi thế cắt giảm thuế quan đầu tiên đối với một đất nước.

Rộng đường xuất khẩu nông sản - 1

Thanh long được chọn lựa và đóng thùng để xuất khẩu tại một doanh nghiệp tại Long Biên, Hà Nội. Ảnh: Mạc Ly

Thực tế hiện nay, nhìn vào thị trường Nga, Việt Nam đang xuất khẩu (XK) các mặt hàng nông sản chính như thủy sản, cà phê, cao su, hạt điều, hạt tiêu, rau quả, gạo, chè… nhưng với số lượng và giá trị còn thấp. Ông Nguyễn Bình Giang-đại diện Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, các sản phẩm nông, lâm thủy sản của Việt Nam đang phải cạnh tranh gay gắt về giá cả, bao bì, chất lượng, vận chuyển với các nguồn cung cấp cho Nga. Thêm vào đó những rào cản kỹ thuật về thuế quan, vệ sinh an toàn thực phẩm… phía Nga đang áp dụng cho nông sản Việt luôn chặt chẽ. Do vậy, đi kèm với giảm thuế hoặc thuế 0% thì nước này cũng phải mở các hàng rào kỹ thuật, kiểm định chất lượng mới tạo cơ hội thực sự cho nông sản Việt.

Ông Nguyễn Hoài Nam- Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản cũng cho hay, thuế XK thủy sản vào thị trường Nga sau khi ký FTA có tính cạnh tranh nhưng DN hai bên vẫn cần có sự liên hệ chặt chẽ, hợp tác trong vấn đề công nhận chất lượng thì mới có thể thúc đẩy XK.

Hay với thị trường Kazakhstan, hiện phần lớn hàng nông sản vào đây đều có xuất xứ từ Việt Nam song lại được đóng gói ở Trung Quốc và thùng hàng cũng ghi bằng tiếng Trung Quốc. “Kazakhstan là nước nằm trong khu vực có nhiều núi cao và sa mạc nên có nhu cầu rất lớn về hàng nông sản thực phẩm và phải nhập tới 70-80% nông sản. Tuy nhiên, DN Việt Nam lại đang bỏ ngỏ thị trường này bởi không cạnh tranh được với hàng giá rẻ của Trung Quốc”-ông Phạm Văn Tuấn-Chủ tịch Hội Người Việt tại Kazakhstan cho biết.

Nhiều thách thức không nhỏ

Lợi thế mà hiệp định mang lại cho Việt Nam là rất rõ nhưng bên cạnh đó, những thách thức là không hề nhỏ. Trong thời gian tới, theo ông Nguyễn Bình Giang, các DN XK nói chung và DN XK nông thủy sản nói riêng cần chủ động tìm hiểu các nội dung cam kết và tìm cách vận dụng những điều kiện thuận lợi được quy định trong hiệp định để có chiến lược kinh doanh phù hợp tại thị trường trong liên minh này. Ngoài ra, các DN cần đa dạng hóa nâng cao chất lượng sản phẩm, liên kết chặt chẽ giữa sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm nông thủy sản XK. Ông Đặng Hoàng Hải cho biết: “Việt Nam cách rất xa các nước trong Liên minh Kinh tế Á - Âu và cũng không phải là thị trường quen thuộc đối với DN Việt Nam. Các DN phải hết sức chú ý khảo sát các tuyến vận tải, bến bãi, kho tàng… để bảo đảm chi phí và vẫn giữ được chất lượng hàng hóa”.

Ông Nguyễn Tôn Quyền-Hiệp hội Gỗ cũng lo ngại DN hai bên vẫn chưa có sự liên hệ chặt chẽ, giá vận tải xuất gỗ sang các nước này quá cao mất lợi thế so với các nước châu Âu, Nhật Bản.

Cuối cùng cả khi đã ký FTA thì trên thực tế sẽ có nhiều rào cản phi thương mại làm cản trở đáng kể đến sự tiếp cận của hàng hóa Việt Nam vào thị trường này. Rào cản tiếp cận thị trường đầu tiên phải kể đến là việc định giá hải quan, thủ tục thông quan, chứng nhận và các tiêu chuẩn kỹ thuật.

Rào cản tiếp theo là các chứng nhận GOST (chứng nhận tiêu chuẩn nhà nước), giấy phép vệ sinh, hay các bản cam đoan hợp quy (DOC).Các loại giấy tờ này sẽ được yêu cầu cho phần lớn các hàng hóa tiêu dùng được nhập khẩu vào và phân phối trong khối.

Tóm lại, Việt Nam cần phải đặc biệt chú trọng khai thông các rào cản phi thương mại, bao gồm thủ tục thông quan rắc rối và tốn thời gian, việc định giá tính thuế không rõ ràng, sự cấp phép và các quy định kỹ thuật phiền toái, nặng nề. Trên thực tế, thường đây mới chính là những rào cản lớn nhất hạn chế sự thâm nhập của hàng hóa Việt Nam vào thị trường này, chứ không hẳn chỉ là hàng rào thuế quan cao khi chưa có FTA.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng:

"Có thể nói đây là cơ hội lớn đối với các DN Việt Nam thúc đẩy xuất khẩu vào thị trường trên 170 triệu dân có thu nhập bình quân ở mức khá cao này”.
 
Ông Andrei Slepnhev - Trưởng đoàn đàm phán Liên minh:

"Đây là hiệp định thế hệ mới, đáp ứng tất cả các tiêu chí, điều kiện và quy định của thế giới hiện nay.  Cơ hội sẽ không chỉ đến với  VN mà còn cả với Liên minh Kinh tế Á - Âu..."

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Mai Hương - Hằng Phạm ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN