Rộng cửa hơn cho hàng xa xỉ

Tổng cục Hải quan vừa đưa ra hàng loạt kiến nghị nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu gia tăng hoạt động để có thể thu được thuế nhanh và nhiều hơn.

Năm 2012, ngành hải quan được giao dự toán thu ngân sách nhà nước 223.900 tỷ đồng, trong đó thu từ thuế xuất nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt 80.500 tỷ đồng, thu từ thuế giá trị gia tăng 143.400 tỷ đồng. Theo tính toán của Tổng cục Hải quan, 8 tháng đầu năm 2012, ước tính số thuế thu được là 125.878 tỷ đồng, bằng 56,2% dự toán, giảm 11,8% so với cùng kỳ năm 2011.

Trước nguy cơ thu ngân sách từ khâu xuất nhập khẩu khó đạt dự toán, Tổng cục Hải quan đã chính thức đề nghị Chính phủ, Bộ Công thương, Bộ Tài chính một số giải pháp nhằm tăng kim ngạch xuất nhập khẩu, đặc biệt là nới lỏng một số quy định về nhập khẩu với các mặt hàng xa xỉ đang bị siết chặt để hạn chế nhập siêu.

Cụ thể, Tổng cục Hải quan đề nghị sửa đổi Thông tư 20/2011/TT-BCT ban hành ngày 12/5/2011 về quy định thủ tục nhập khẩu đối với ô tô nguyên chiếc mới dưới 9 chỗ theo hướng bỏ điều kiện doanh nghiệp nhập khẩu ô tô phải có giấy ủy quyền là nhà nhập khẩu, nhà phân phối của chính hãng sản xuất, kinh doanh. Việc bỏ điều kiện ủy quyền chính hãng, theo Tổng cục Hải quan, là để các doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể nhập khẩu ô tô, tránh độc quyền, hạn chế tình trạng gian lận thương mại, buôn lậu, trốn thuế qua việc nhập khẩu ô tô theo chế độ tài sản di chuyển của người Việt Nam định cư tại nước ngoài được phép hồi hương định cư tại Việt Nam.

Nằm trong mặt hàng xa xỉ được ngành hải quan đề xuất có cơ chế nhập khẩu thoáng, còn có rượu, mỹ phẩm, điện thoại di động, theo hướng bỏ hẳn Thông báo 197/2011/TB-BCT ban hành ngày 6/5/2011.

Liên quan đến việc áp dụng chế độ cấp phép nhập khẩu tự động với một số mặt hàng được quy định tại Thông tư 24/2010/TT-BCT ngày 28/5/2010, Tổng cục Hải quan cho rằng, thực tế, 100% trường hợp vẫn được nhập khẩu, nhưng do phải chờ thủ tục cấp phép nhập khẩu tự động, nên gây khó khăn hơn cho doanh nghiệp, làm ách tắc hoạt động xuất nhập khẩu.

Cũng mang tính chống thất thu thuế ở khâu xuất nhập khẩu, chính sách quản lý hàng kinh doanh tạm nhập tái xuất, bao gồm cả xăng dầu cũng được Tổng cục Hải quan đề xuất sửa đổi. Lý giải về đề xuất này, một quan chức của Cục Thuế xuất nhập khẩu (Tổng cục Hải quan) cho hay, thời gian qua, đã có tình trạng nhiều đầu mối kinh doanh xăng dầu nhập khẩu hàng về theo hình thức tạm nhập, nhưng sau đó thay vì phải tái xuất theo quy định, thì lại chuyển kinh doanh tiêu thụ nội địa, tận dụng kẽ hở về chính sách thuế nhằm kiếm lời.

“Cục Hải quan TP.HCM cũng đã ghi nhận nhiều trường hợp chuyển một phần xăng dầu tạm nhập thành kinh doanh nội địa, có khi 60% lô hàng, lúc tăng lên 80% và thậm chí có lúc đem bán trong nước nguyên cả lô hàng. Điều này diễn ra khi chính sách nhập khẩu, thuế với xăng dầu nhập khẩu có những biến động lớn”, ông Phạm Văn Hồng, Phó chi cục trưởng Hải quan Cảng Sài Gòn Khu vực 3 cho biết.

Cũng chính bởi thực tế trên, Tổng cục Hải quan đã chính thức đề xuất đưa xăng dầu vào mặt hàng tiêu dùng phải nộp thuế ngay, để tránh tình trạng doanh nghiệp lợi dụng các quy định về thuế và chính sách ân hạn thuế cho hàng tạm nhập tái xuất để hưởng lợi lớn về thuế nhập khẩu.

Theo thống kê của ngành hải quan, 8 tháng đầu năm, xuất khẩu dầu thô đạt 6,27 triệu tấn, với trị giá hơn 5,5 tỷ USD, tăng 9,3% cả về lượng và giá trị so với cùng kỳ năm 2011. Đối với xăng dầu nhập khẩu, 8 tháng qua đã có 6,56 triệu tấn xăng dầu, trị giá khoảng 6,3 tỷ USD được nhập khẩu, giảm 12,3% về lượng và 6,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2011.

Tuy nhiên, thê thảm nhất là sụt giảm của ô tô nhập khẩu nguyên chiếc. 8 tháng đầu năm có 18.027 chiếc ô tô với trị giá 384 triệu USD được nhập khẩu về Việt Nam, chỉ đạt 40% dự toán về lượng và giảm hơn 50% về trị giá so với cùng kỳ năm 2011. Trong đó, xe dưới 9 chỗ là 9.509 chiếc, với trị giá 99 triệu USD, giảm 56,3% về lượng và giảm 50,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2011. Với mức thuế nhập khẩu khoảng 80%, thuế tiêu thụ đặc biệt 45 - 55%, nhưng đánh trên thuế nhập khẩu, thất thu thuế từ ô tô nguyên chiếc là không nhỏ.

Đơn cử, tại khu vực Hải Phòng, trong 10 mặt hàng có thuế suất cao, kim ngạch lớn đang bị giảm thu mạnh kể từ đầu năm tới nay, ô tô nguyên chiếc là mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu sụt giảm mạnh nhất (giảm 74% so với cùng kỳ năm ngoái), với 155 triệu USD so với 606 triệu USD cùng kỳ năm ngoái.

Thực tế trên, cũng như gánh nặng về thu ngân sách, có thể hiểu được những đề nghị nới lỏng về điều kiện nhập khẩu cho các mặt hàng có giá trị cao và mức thuế lớn của ngành hải quan.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thanh Hương (báo đầu tư)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN