Rơm “đắt xắt ra miếng”, nông dân thu tiền triệu mỗi ngày
Sau vụ lúa Đông xuân 2018-2019, hiện giá rơm đang phi mã. Một cuộn rơm hiện có giá 16.000-20.000 đồng. Cứ mỗi cuộn rơm đưa từ đồng ra vựa, “thượng đế” không nhanh tay… là mất.
Trên các tuyến đường tỉnh, Quốc lộ N2, Quốc lộ 62... thậm chí ở nội đồng khu vực Long An, khoảng tháng nay mọc lên hàng loạt những vựa rơm. Rơm giờ “quý như vàng”, vậy mà có thời nông dân thu hoạch xong lúa là đốt phăng đồng rơm.
Những chiếc xe công nông chở đầy ắp rơm hối hả trên các con đường lớn, bé từ sáng sớm đến chiều tối.
Dưới đồng ruộng, không khí thu hoạch rơm sôi động. Hàng đàn máy cuốn rơm xen máy cắt lúa hoạt động liên tục.
Hiện, nhu cầu tiêu thụ rơm rất lớn. Bà Tám Ngọc (Trương Thị Ngọc)-chủ một vựa rơm ở Thủ Thừa (Long An) cho biết, giá rơm đang “nóng” và sẽ tiếp tục tăng. Hiện, giá rơm trên đồng từ 600.000 – 1 triệu đồng/ha. Trung bình, 1ha ruộng thương lái thu được 100-150 cuộn rơm. Theo bà Tám Ngọc, thời điểm này tại khu vực Đồng Tháp Mười phải có đến hàng trăm thương lái rơm. Hiện, mỗi ngày bà bán 2.000 cuộn rơm với giá 16.000 đồng/cuộn. “Doanh thu vựa rơm phải hơn 100 triệu/tháng mới có lời”, bà nói. Ảnh. Bà Tám Ngọc (bìa phải) đang chuẩn bị cho xe đi giao rơm.
Không chỉ thương lái “hốt bạc”, mà nhân công cũng “ấm no” vụ thu hoạch rơm. Anh Nguyễn Văn Anh Kiệt - một thợ cuộn rơm cho biết, quê từ Tây Ninh, nhưng đến vụ thu hoạch rơm anh lại về Đồng Tháp Mười xin một chân cuộn rơm. Hiện, mỗi ngày anh cuộn được 800-1.000 cuộn rơm với giá 1.200 đồng/cuộn.
”Cò” rơm, khuân vác, chuyển rơm, chủ máy cuộn… đều “có phần”. Theo anh Lê Hồng Anh - một nhân công chuyển rơm, anh gắn bó với nghề làm rơm 3 năm nay. Làm rơm khá cực, phải dầm mưa, dãi nắng nhưng được cái có thu nhập cao. Hiện, anh có 3 máy cuốn rơm với thu nhập khoảng 2 triệu đồng/ngày/máy. Bên cạnh đó, anh còn giải quyết việc làm thường xuyên cho 10 lao động. Bình quân mỗi lao động có thu nhập khoảng 700.000 đồng/ngày.
Trước đây, rơm là loại phế phẩm bỏ đi sau mỗi mùa thu hoạch, thì nay nó được các thương lái gần xa đổ xô tìm mua. Không chỉ các hộ chăn nuôi trâu, bò cần rơm bổ sung cho thức ăn gia súc mà nông dân trồng trọt cũng cần rơm để che gốc thanh long, cà phê hoặc làm giá thể trồng nấm. Cứ thế, rơm theo chân thương lái đi khắp nơi, trong tỉnh, ngoài tỉnh, hết Đồng bằng sông Cửu Long đến miền Đông Nam Bộ,...