Rét đậm: Thực phẩm tăng đủ kiểu
Đợt rét đậm, rét hại kéo dài một tuần tại miền Bắc và dự báo rét còn kéo dài khiến giá cả lương thực, thực phẩm ngoài chợ Hà Nội tăng đột biến.
Rau điên cuồng tăng giá
Bà Cúc - chủ sạp rau ở chợ Mễ Trì cho biết: “Cả tuần nay, giá rau xanh tăng mạnh khiến mọi người đi chợ không dám mua rau. Nguồn rau hiếm vì trời lạnh, rau không lên được, đặc biệt là các loại rau xanh có lá như rau cải ngọt, muống, cải cúc...”. Giá rau xanh tại chợ Mễ Trì Thượng tăng từ 30 - 50% so với cách đây một tuần.
Tại một hàng rau sạch đầu chợ Đống Đa, các loại rau ăn lá tại đây được bán: Rau cải mơ 30.000đ/kg, cải bó xôi 35.000đ/kg, cải chíp 28.000đ/kg, cải cúc 5.000đ/mớ... Theo chủ hàng rau này, giá rau các loại đã tăng hơn khoảng 1.000đ/kg so với trước đó một ngày. Các loại củ quả khác cũng tăng giá, trong đó tăng giá mạnh nhất là cà rốt 18.000đ/kg, dưa chuột 25.000đ/kg, su hào 8.000đ/củ...
Theo bà Thành bán hàng rau tại chợ Ngọc Lâm – Gia Lâm – Hà Nội, rau bắp cải là mặt hàng tăng giá nhiều nhất, hiện đang có giá 15.000 đồng/kg, tăng so với 4-5 ngày trước 5.000 đồng/kg. Rau cải xanh cũng tăng lên 6.000 đồng/mớ (tăng 1.000 đồng). Rau cải cúc từ mức 3.000 đồng/mớ lên mức 5.000 đồng/mớ.
Tại chợ Ngọc Hà – Ba Đình – Hà Nội, giá rau cần cũng từ mức 10.000 đồng/mớ nay tăng lên 13.000 đồng/mớ. Su hào cũng đang đứng ở mức 7.000 đồng/củ (tăng 2.000 đồng). Thậm chí có thời điểm lên 9.000 đồng/củ
Ông Nguyễn Hiệp - chủ vườn rau cải cúc tại Thôn Hạ, xã Mễ Trì cho biết: “Rau cải gieo khoảng một tuần thì gặp đợt rét, không lên được. Nhổ đem bán thì rau còi cọc mà không nhổ thì không biết bao giờ rau mới dài ra. Giá rau tại ruộng chỉ cao hơn 1.000 - 2.000 đồng so với ngày thường. Tuy nhiên rau không gieo được đợt mới khiến chúng tôi đứng ngồi không yên”.
Tại thôn Tiền Lệ, xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức – địa bàn trồng rau ăn lá khá lớn của thành phố với hơn 30ha - chúng tôi gặp đúng lúc bà con nông dân tại đây vừa tập kết xong hàng cho các tiểu thương tại ruộng.
Anh Nguyễn Văn Đạo – nông dân trồng rau tại đây - lo lắng: “Trời liên tục rét đậm, rét hại khiến rau lên rất chậm, lại còn táp lá, chi phí phân bón tăng nên chúng tôi phải tăng giá bán. So với trước đợt rét, rau các loại đã tăng giá khoảng 20%”. Theo anh Đạo, rau cải mơ có giá 18.000đ/kg, cải bó xôi 23.000đ/kg, su hào 4.000đ/củ, dưa chuột 16.000đ/kg... Như vậy, so sánh mức giá khảo sát ở trên, rau ở chợ đã tăng giá lên đến mức gấp đôi so với giá bán tại ruộng. “Thật bất ngờ! Đây là mức chênh lệch giá quá cao, bởi bình thường, rau bán tại đây so với giá ở chợ chỉ chênh nhiều nhất là 2.000 - 3.000đ/kg” – anh Đạo cho hay.
Thực phẩm đủ kiểu tăng
Không chỉ rau xanh tăng giá, trong đợt rét này, các loại thịt đều được các tiểu thương tại chợ điều chỉnh tăng so với tuần trước. Tại chợ Phùng Khoang (Nguyễn Trãi, Hà Nội), giá mỗi cân thịt lợn tăng từ: 5.000 – 10.000 đồng/cân.
Giá gà tại chợ Hôm chưa bao giờ tăng nhanh như những ngày qua, chỉ trong vòng một tháng giá gà đã tăng 20%-30% tùy từng loại.
Theo các tiểu thương, giá gà tăng cao do khan hiếm nguồn cung bởi trong nước cấm nhập gà từ Trung Quốc. Một tiểu thương bán gà tại chợ chia sẻ: “Gà bây giờ chúng tôi phải thu gom từ nhiều mối, tình hình khan hiếm thế này thì từ giờ đến Tết giá gà còn tăng cao nữa”.
Ngoài ra, các mặt hàng tươi sống khác như: cá, ngao, mực... đều có mức tăng từ: 10 – 20% so với tuần trước. Lý giải sự tăng giá ồ ạt hầu hết các mặt hàng lương thực, thực phẩm này, nhiều tiểu thương tại chợ cho biết, gần Tết hàng hóa bao giờ cũng tăng hơn so với trong năm do lượng mua sắm cuối năm tăng mạnh, cộng thêm rét kéo dài khiến nhiều mặt hàng rau xanh khan hiếm.
Từ nay đến Tết Nguyên đán chỉ còn hơn một tháng, trong khi nhu cầu thực phẩm tăng lên mỗi ngày. Theo tính toán của bà con trồng rau, nếu từ nay đến tết có thêm 2 – 3 đợt rét nữa thì chắc chắn người tiêu dùng sẽ phải mua rau đắt hơn thời điểm hiện tại bởi: “Rau xanh phụ thuộc quá lớn vào thời tiết nên rất khó để có phương án bình ổn giá, mà nếu chúng tôi có cố gắng bán giá sát nhất có thể, thì các tiểu thương tự do đội giá lên, cuối cùng người chịu thiệt không chỉ có chúng tôi mà còn cả người tiêu dùng nữa” – anh Đạo cho biết.
Tuy nhiên, cũng vì “đánh đố” với ông trời nên bà con trồng rau lâu năm tại đây cũng cho hay, nếu chỉ cần trời hửng nắng ráo từ 3 – 4 ngày, khi đó chắc chắn giá rau xanh sẽ giảm hẳn 30 – 40% do rau đồng loạt thu hoạch. Như vậy, việc được hưởng một cái tết ăn rau rẻ, hay đắt, có vẻ như người dân phụ thuộc một phần vào thời tiết, phần còn lại là... sự định đoạt giá cả vô tội vạ của các tiểu thương.