Rau trái rẻ bất ngờ dịp rằm tháng Giêng
Rằm tháng Giêng còn gọi là một trong những ngày rằm lớn trong năm. Những ngày này, đồ chay, hoa trái cúng đều đắt hàng, đắt giá; thế nhưng năm nay lại không như thế...
Ngày 23/2 (14 tháng Giêng), tại các chợ truyền thống như chợ Bà Chiểu, chợ Thị Nghè (quận Bình Thạnh), chợ Hòa Hưng (quận 5), chợ Bình Thới (quận 11)… đều bày bán rất nhiều mặt hoa trái phục vụ cúng rằm tháng Giêng; đặc biệt mặt hàng đồ chay như nấm, đậu hủ cũng về chợ nhiều hơn so với ngày thường. Từ sáng sớm, lượng người mua tăng cao hơn ngày thường nhưng không nhộn nhịp bằng các năm trước.
Đậu hủ hút khách ăn chay ngày rằm tháng Giêng.
Tại một lò đậu hủ nóng cạnh chợ Hòa Hưng (quận 10) bán đủ các loại đậu hủ chiên, sữa đậu nành, chả chay, tàu hủ ky... với giá chỉ từ 4.000 - 10.000 đồng (tùy loại). Chủ lò đậu này cho biết, khách có đông hơn ngày thường nhưng không bằng so với những năm trước. “Như mọi năm, tầm giờ này đã không còn đậu để bán nữa nhưng năm nay vẫn ê hề. Số lượng đậu cũng không tăng so với ngày thường bao nhiêu, ví dụ như bình thường bán 50kg đậu, thì nay tăng lên 70 kg, giá bán vẫn không thay đổi” - chủ lò đậu hủ nói.
Khảo sát nhiều mặt hàng trái cây, đa số đều không tăng giá, thậm chí còn giảm giá. Như thanh long tầm 20.000 - 25.000 đồng/kg, xoài 35.000 đồng/kg. Đặc biệt, bưởi da xanh trái lớn từ 3 - 5 kg, còn nguyên cuống tươi nhưng giá chỉ 30.000 đồng/kg; gà cúng rằm dao động ở mức 150.000 - 170.000 đồng/kg…
Trái cây, hoa cúng rằm giá rẻ bất ngờ.
Giá các loại rau củ đều giảm từ 5.000 - 7.000 đồng/kg. Rau muống, cải bẹ xanh có giá 12.000 - 15.000 đồng/kg, mướp, xà lách có giá 20.000 đồng/kg, cà chua có giá 20.000 - 30.000 đồng/kg… Nấm tươi cũng không tăng giá, tầm 50.000 - 70.000 đồng/kg các loại nấm đùi gà, nấm kim châm... Trong khi đó, nấm rơm cháy hàng.
Các mặt hàng thịt và thủy hải sản giữ mức giá ổn định nhưng hầu như vắng khách mua, như ba rọi heo 150.000 đồng/kg, thịt đùi và cốt lết heo 100.000 đồng/kg, sườn non heo 160.000 đồng/kg…
Tại nhiều vỉa hè, người kinh doanh hoa tươi chào mới với giá rẻ bất ngờ. Cụ thể, hoa cúc chỉ với giá 10.000 đồng/bó, các loại hoa ly, đồng tiền có giá đắt hơn nhưng cũng chỉ tầm từ 20.000 - 25.000 đồng/bó. Bên cạnh đó, đồ chay chế biến sẵn như đậu hủ kho sả, canh chua, kim chi... với giá từ 10.000 - 15.000 đồng/món.
Bún, mì, miếng, thực phẩm chay nhiều ở chợ nhưng sức mua thấp.
"Tôi có thói quen rằm tháng Giêng đều ăn chay 2 ngày 14 và 15 âm lịch để cầu bình an cho bản thân, gia đình. Những ngày này, đồ chay, hoa trái đều tăng giá và hết hàng từ sớm. Tuy nhiên năm nay lại có giá như thường, khách mua cũng không quá đông dù trong giờ cao điểm chợ buổi sáng" - chị Minh Ngà (ngụ đường Cách Mạng Tháng tám, quận 3) cho biết.
Theo các tiểu thương, năm nay khách hàng có xu hướng thắt giảm chi tiêu, chỉ mua sắm với số lượng vừa đủ. Bên cạnh đó, chợ truyền thống còn phải cạnh tranh với nhiều hình thức bán hàng khác như siêu thị, cửa hàng thức phẩm sạch, các chợ bán hàng online, các dịch vụ cung cấp đồ lễ chế biến sẵn… nên sức mua tại chợ giảm so với những năm trước", chị Nguyễn Thị Hoa, tiểu thương chợ Nghĩa Tân cho biết.
Bà Đỗ Thúy Hòa - đại diện Ban Quản lý chợ Bà Chiểu - thừa nhận, sức mua tại chợ sau Tết đang giảm sâu, trên dưới 60%. Ngoài lý do kinh tế khó khăn, người dân vừa trải qua đợt mua sắm Tết nên nhu cầu mua sắm cũng giảm, kể cả trong ngày Thần tài hay rằm tháng Giêng.
“Hiện giá cả hàng hóa ổn định, nhiều mặt hàng rau củ còn giảm giá nhưng lượng khách đến chợ mua thực phẩm giảm rất nhiều. Bên trong chợ vắng khách, bên ngoài cũng không còn tấp nập. Dịp rằm lớn, sức mua có tăng lên đôi chút ở một số mặt hàng như đậu hủ, rau củ vì nhiều người mua nấu cơm từ thiện dịp này. Khó khăn là tình hình chung hiện nay chứ không riêng gì chợ Bà Chiểu” - bà Hòa nói.
Qua mùa cao điểm Tết, nguồn cung hàng hóa tại TPHCM dồi dào trở lại, giá cả ổn định thậm chí còn rẻ ở những mặt hàng rau củ, trái cây. Tuy nhiên sức mua tại các chợ truyền thống, siêu thị đang giảm rất sâu.
Nguồn: [Link nguồn]